Liên minh Thái Lan ký thỏa thuận, cam kết viết lại Hiến pháp

Tám đảng chính trị giành được đa số ghế trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14.5 ở Thái Lan đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) cam kết viết lại Hiến pháp, công nhận hôn nhân đồng giới và chấm dứt nghĩa vụ quân sự trừ những trường hợp khẩn cấp.

Lãnh đạo 8 đảng trong liên minh ký Biên bản ghi nhớ. Ảnh: Reuters

Lãnh đạo 8 đảng trong liên minh ký Biên bản ghi nhớ. Ảnh: Reuters

Straits Times cho biết, đó là ba mục tiêu nằm trong số 23 mục tiêu được vạch ra trong một thỏa thuận được soạn thảo sau các cuộc đàm phán do Đảng Tiến bước (MFP) dẫn đầu, đảng giành được nhiều ghế nhất và tỷ lệ phiếu bầu lớn nhất trong cuộc bầu cử.

Trong một cuộc họp báo hôm 22.5, lãnh đạo MFP Pita Limjaroenrat, người mà liên minh có kế hoạch đề cử cho vị trí thủ tướng, đã mô tả các cuộc đàm phán giữa các bên là “hiệu quả” và “toàn diện”, nhưng nhấn mạnh: “Hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu”.

Tài liệu không đề cập đến Luật Khi quân mà MFP đã cam kết sửa đổi trong chiến dịch tranh cử của mình. Đạo luật này nhằm bảo vệ hoàng gia, đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc mọi tội danh xúc phạm hoặc phỉ báng đối với nhà vua, hoàng hậu, nhiếp chính hoặc người thừa kế rõ ràng với án tù có thể kéo dài đến 15 năm. Những người theo chủ nghĩa bảo hoàng cho rằng việc sửa đổi luật này sẽ ảnh hưởng đến vị thế của chế độ quân chủ, trong khi những người chỉ trích cho rằng luật này đã bị lạm dụng vì lý do chính trị.

Tuy nhiên, phần mở đầu của MOU đã đề cập rằng các hành động của chính phủ không được ảnh hưởng đến “địa vị bất khả xâm phạm của quốc vương”.

Ông Pita cho biết chính đảng của ông sẽ tiếp tục thúc đẩy việc sửa đổi luật.

Mặc dù liên minh nắm giữ 313 ghế trong Hạ viện 500 ghế của Thái Lan, nhưng con số này vẫn không đủ để đảm bảo ông Pita chắc chắn được bầu làm thủ tướng. Đó là bởi tham gia bầu thủ tướng còn có 250 thượng nghị sĩ do chính quyền quân sự cũ của Thái Lan chỉ định. Và ứng cử viên thủ tướng phải dành được tối thiểu 376 ghế để trúng cử.

Khi được các phóng viên hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu không đạt được 376 phiếu bầu cần thiết, ông Pita cho biết hiện tại ông không lo lắng về điều gì. Ông cho biết liên minh đang công khai Biên bản ghi nhớ về trách nhiệm giải trình. Các mục tiêu khác được chính phủ liên minh vạch ra bao gồm cải cách quân đội, cảnh sát và dịch vụ dân sự, cũng như đưa ra các quy định về cần sa.

Khi được yêu cầu trình bày chi tiết về chính sách đối ngoại của mình, ông Pita cho biết chính phủ của ông sẽ từ bỏ chính sách ngoại giao thầm lặng để Thái Lan có thể đảm nhận vai trò lãnh đạo lớn hơn trên trường quốc tế.

Ủy ban bầu cử sẽ cần tới 60 ngày sau cuộc bỏ phiếu để xác nhận kết quả, trước khi Quốc hội có thể được triệu tập để bầu chọn thủ tướng. Nhưng một số thượng nghị sĩ đã lên tiếng phản đối việc để ông Pita làm thủ tướng, vì không ủng hộ lập trường của MFP về Luật Khi quân. Ngoài ra, các thượng nghị sĩ đã thành lập một hội đồng để xem xét kỹ lưỡng hơn nữa vị thế của ông Pita.

Trong khi đó, ủy ban bầu cử đang xem xét đơn thỉnh cầu của một chính trị gia thuộc Đảng Palang Pracharath - lãnh đạo liên minh của chính phủ tạm quyền hiện tại - đặt câu hỏi về tư cách ứng cử viên bầu cử của ông Pita vì ông bị cáo buộc sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông, trái với quy định bầu cử.

Khu vực tư nhân của Thái Lan đã kêu gọi thành lập một chính phủ mới càng sớm càng tốt để củng cố niềm tin của nhà đầu tư và giữ cho việc giải ngân ngân sách của chính phủ đi đúng hướng vào năm 2023.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/lien-minh-thai-lan-ky-thoa-thuan-cam-ket-viet-lai-hien-phap--i329929/