Liên minh chiến lược Malaysia - Saudi Arabia

Chuyến thăm Saudi Arabia của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hồi đầu năm đã thêm lần nữa phản ánh ý định chiến lược của quốc gia Đông Nam Á này là tận dụng nỗ lực hiện đại hóa đầy tham vọng của Riyadh và những tác động tích cực từ đó.

Kuala Lumpur và Riyadh có bối cảnh kinh tế và địa chính trị tương tự nhau, với những mối quan tâm giống nhau và nhu cầu định hướng lại các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế. Cả hai đều đang trong giai đoạn chuyển tiếp của quá trình chuyển đổi kinh tế, từ dựa trên dầu mỏ và nhiên liệu hóa thạch sang nền kinh tế ưu việt hơn và hướng tới tương lai. Điều này sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư quan trọng vào số hóa và các động lực kinh tế mới.

Cái bắt tay của Petronas và Saudi Aramco là tiền đề quan trọng cho quan hệ chiến lược giữa hai nước.

Trong khi Malaysia bị mắc kẹt sâu hơn giữa Bắc Kinh và Washington, Saudia Arabia lại có ảnh hưởng và quyền lực thương lượng lớn hơn trong việc xác định tiến trình của mối quan hệ Trung - Mỹ nhờ quyền kiểm soát sản lượng dầu mỏ và ảnh hưởng của mình trong OPEC. Vị thế lãnh đạo khu vực và năng lực quân sự cũng như nguồn vốn hỗ trợ khổng lồ khiến Saudi Arabia có được vị thế vượt trội hơn và nhiều lựa chọn hơn để gặt hái những lợi ích từ sự đảm bảo dựa trên các quy tắc của phương Tây cũng như từ cam kết về thị trường và vốn chung của Trung Quốc. Với ảnh hưởng và năng lực kiểm soát nguồn cung dầu, Saudi Arabia vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với phương Tây, nhất là trong việc tăng cường hiệu lực của các lệnh trừng phạt.

Động lực chuyển đổi mới của Saudi Arabia dựa trên nền tảng và thông số kinh tế mới, với trụ cột là kinh tế xanh và kinh tế số, được thiết lập theo định hướng dịch vụ, tập trung vào công nghệ cao và tiến bộ khoa học quan trọng với định hướng tri thức. Tham vọng nhìn xa trông rộng của Thái tử Mohammed bin Salman đã mở đường cho một làn sóng chuyển đổi cơ cấu và thể chế chưa từng có. Tầm nhìn 2030, những nỗ lực thay đổi hình ảnh, thành phố tương lai NEOM, việc theo đuổi một hãng hàng không mới và thái độ sẵn sàng của Riyadh trong việc bình thường hóa quan hệ với Israel đều báo hiệu giai đoạn “trẻ hóa” mới của quốc gia Trung Đông này dựa trên việc xây dựng thương hiệu với cách tiếp cận hiện đại và giảm thiểu mối đe dọa khu vực cũng như các rào cản hệ thống, qua đó tự khẳng định mình là một lực lượng mới.

Saudi Arabia coi Malaysia là đối tác địa chính trị, kinh tế và quyền lực mềm quan trọng, với các lĩnh vực hợp tác chính tập trung vào thế mạnh của Malaysia trong các công nghệ trọng yếu của tương lai, vốn rất quan trọng đối với quá trình hiện đại hóa của Saudi Arabia. Các công nghệ này bao gồm năng lực bán dẫn và vi mạch, an ninh lương thực, kinh tế xanh và kỹ thuật số, giáo dục đại học và các lĩnh vực nghiên cứu quan trọng của Malaysia. Bên cạnh đó, đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như các lĩnh vực kỹ thuật tiên tiến và nghiên cứu chung vẫn mang lại lợi ích chung cho cả Riyadh và Kuala Lumpur, giúp hai bên tận dụng nguồn lực và sức mạnh của nhau.

Trong quá trình tái xây dựng thương hiệu quyền lực mềm của mình, Saudi Arabia sẽ cần tới sức hấp dẫn mang tính Hồi giáo hiện đại của Malaysia. Saudi Arabia muốn tận dụng khu vực Đông Nam Á cho cả mục đích kinh tế và địa chính trị, bởi khu vực là nơi tập trung các tuyến thương mại và tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng đối với Saudi Arabia cũng như trong việc đảm bảo an ninh lương thực và an ninh năng lượng. Bên cạnh đó, Malaysia sẵn sàng tham gia một số lĩnh vực có ý nghĩa rất quan trọng khác, chẳng hạn như cách tiếp cận Hồi giáo trong quản trị ngân hàng và tài chính, chiến lược phát triển nông thôn - thành thị, trao quyền cho thanh niên, bình đẳng ở nữ giới, cân bằng giữa phát triển Hồi giáo và hiện đại hóa...

Ở chiều ngược lại, Malaysia cần sự sẵn sàng của Saudi Arabia về vốn và đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng với cả hai bên như công nghệ cao, kinh tế số và các phát minh mới về tính bền vững tài nguyên. Phát triển nguồn nhân lực và các lĩnh vực nghiên cứu tác động cao bao gồm đổi mới khoa học và giáo dục đại học sẽ là những lĩnh vực trọng tầm quan trọng. Nhằm đảm bảo nguồn doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch trong việc cấp vốn cho phát triển, hai tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco và Petronas dự kiến sẽ tăng cường quan hệ đối tác và liên doanh, đặc biệt liên quan đến quá trình chuyển đổi và đầu tư vào năng lượng mới và tập trung phát triển môi trường xã hội và quản trị (ESG).

Malaysia muốn nâng cao hơn nữa uy tín Hồi giáo toàn cầu của mình và đóng vai trò lãnh đạo lớn hơn trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC). Bằng việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ đặc biệt với Riyadh, quốc gia Đông Nam Á này sẽ tiếp tục củng cố hình ảnh và sức hấp dẫn Hồi giáo tiến bộ của mình, mang đến cho Thủ tướng Anwar cơ hội nâng cao hơn nữa uy tín Hồi giáo của ông và đảm bảo sức hút cần thiết để kêu gọi đầu tư, tham gia kinh tế nhiều hơn vào Malaysia. Cùng với đó, đây cũng là thời điểm hoàn hảo để ông Anwar giới thiệu khái niệm Madani trong việc kết hợp yếu tố chủ nghĩa hiện đại và định hướng tương lai cần thiết trong quá trình chuyển đổi ở Saudi Arabia và trong OIC - bước đi khởi đầu nhằm mở rộng ra toàn cầu khái niệm này dựa trên sức hút của cá nhân ông Anwar trong thế giới Hồi giáo.

Malaysia có thể chuyển giao kiến thức chuyên môn về chống khủng bố và phi cực đoan hóa, thể hiện hình ảnh ôn hòa và hiện đại của chủ nghĩa Hồi giáo, hỗ trợ đảm bảo an ninh lương thực và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng - những vấn đề quan trọng đối với Saudi Arabia. Ngoài ra, giáo dục đại học vẫn là lĩnh vực quan trọng trong bối cảnh ưu thế khoa học và công nghệ có tác động cao đang được ưu tiên. Malaysia được coi như hình mẫu về một quốc gia Hồi giáo hiện đại, cởi mở, năng động và có tiềm năng lớn để trao đổi hơn nữa nguồn nhân lực và kiến thức trong việc phát triển những lĩnh vực cốt lõi này.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/lien-minh-chien-luoc-malaysia-saudi-arabia-i710509/