Liên kết sản xuất nông nghiệp ở Mường Chà

ĐBP - Xác định phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp bền vững, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Chà đã đồng hành cùng người dân, phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương; từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Mô hình trồng bí xanh của Hợp tác xã Nam Dương liên kết với một số hộ dân tổ dân phố 1, thị trấn Mường Chà được trồng và chăm sóc theo hướng nông nghiệp sạch.

Bản Thèn Pả, xã Sa Lông nằm ở thung lũng khá rộng, sở hữu gần 20ha đất nông nghiệp tương đối bằng phẳng. Đây là nơi định cư của khoảng 60 hộ dân người dân tộc Xạ Phang - một nhóm nhỏ của dân tộc Hoa ở Việt Nam. Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, đồng bào Xạ Phang đã về định cư quanh chân núi đá vôi cằn cỗi. Bằng sự cố gắng, nỗ lực của từng thành viên trong bản, giờ đây, đời sống của người dân Thèn Pả đã đổi thay nhiều; trình độ sản xuất cũng được nâng lên đáng kể. Anh Sần Seo Ngấn, Trưởng bản Thèn Pả cho biết: Trước đây, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của bản bà con trồng ngô, lúa nhưng kém hiệu quả do không biết cách cải tạo đất. Mấy năm gần đây, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ đã liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, đưa giống cây trồng mới vào canh tác.

Theo anh Sần Seo Ngấn, năm 2022, với sự định hướng của huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND xã Sa Lông, người dân bản Thèn Pả liên kết với Hợp tác xã Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh, Hợp tác xã 7/5 triển khai mô hình trồng 12ha khoai tây xuất khẩu, 2ha cây dược liệu tại bản Thèn Pả. Dù mới thực hiện, song vụ khoai tây, cà chua và một số loại rau màu đầu tiên đã cho năng suất cao.

Từ năm 2021 về trước, tổ dân phố 1, thị trấn Mường Chà có khoảng 1,6ha đất trồng lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, năng suất cũng hạn chế. Cuối năm 2022, Hợp tác xã Nam Dương đã phối hợp với một số hộ dân nơi đây chuyển đổi sang trồng bí xanh. Quá trình thực hiện mô hình, Hợp tác xã Nam Dương cũng liên kết với Hợp tác xã Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh triển khai trồng và chăm sóc theo hướng nông nghiệp sạch, đem lại sản phẩm chất lượng an toàn. Đặc biệt, để hạn chế sâu bệnh, hạn chế thoát hơi nước, Hợp tác xã dùng nilon phủ luống bí; không sử dụng cây tre hay các loại cây khác làm cọc chống cho bí xanh leo mà trồng bí xanh treo giàn lưới. Cách làm này không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giảm thời gian chăm sóc. Đến nay, diện tích bí xanh theo mô hình liên kết đang trong quá trình sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến sẽ cho năng suất và thu nhập cao trong thời gian tới.

Chưa dừng lại ở các mô hình liên kết sản xuất khoai tây, bí xanh, cây dược liệu và các loại rau màu tại xã Sa Lông và thị trấn Mường Chà, hiện nay, huyện Mường Chà đã và đang vận động người dân một số xã như: Mường Tùng, Sá Tổng, Ma Thì Hồ, Na Sang, Huổi Lèng... căn cứ vào điều kiện thực tiễn, thổ nhưỡng từng vùng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; lựa chọn các loại cây phù hợp để mời gọi liên kết với các hợp tác xã để tăng năng suất, giá trị sản phẩm.

Ông Trần Đức Cương, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Chà cho biết: Mới bước đầu thử nghiệm, song các loại cây trồng ngắn ngày, cây dược liệu đều rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại những nơi được liên kết. Đặc biệt, việc địa phương đã và đang hình thành nhiều chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp đã giúp người dân nâng cao ý thức sản xuất theo nhu cầu thị trường; đồng thời bà con còn được cung cấp thông tin thị trường, cung cấp vốn để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, khi triển khai thực hiện tốt chuỗi giá trị trong sản xuất đã giúp các hợp tác xã từng bước xây dựng được thương hiệu nông sản của mình, tăng khả năng chủ động ký hợp đồng với khách hàng nhờ quy mô sản phẩm đủ lớn và đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng nhất, khả năng cung cấp thường xuyên phục vụ yêu cầu thị trường.

Với những hiệu quả ban đầu, nhất là để triển khai có hiệu quả liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, hiện cấp ủy, chính quyền huyện Mường Chà đang tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ tư vấn liên kết, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh một số cây trồng có giá trị kinh tế cao… từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/204995/lien-ket-san-xuat-nong-nghiep-o-muong-cha