Liên kết hàng hóa giúp nông thôn mới 'làm tới đâu, chắc tới đó'

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân và thúc đẩy nông thôn mới đã được huyện Chương Mỹ (Hà Nội) quan tâm. Từ đây, huyện đã hình thành những mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung được đầu tư quy mô, tạo ra các sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Thực hiện chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, tính đến nay toàn huyện Chương Mỹ đã có tổng số 145 sản phẩm được UBND Thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó có 44 sản phẩm 3 sao, 99 sản phẩm 4 sao và có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Phát triển bền vững

Có được kết quả này một phần là nhờ huyện có nhiều làng nghề và vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, từ đó tạo điều kiện cho Chương Mỹ có nhiều lợi thế phát triển các sản phẩm OCOP.

Theo thống kê, huyện có 175/208 làng có nghề, 35 làng nghề truyền thống đã được công nhận, 596 trang trại chăn nuôi và trồng trọt, 94 HTX, 6 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, 10 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, huyện có nhiều sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng, có thương hiệu trên thị trường như nón lá Văn La, bưởi Chương Mỹ, rau an toàn Chúc Sơn, gạo hữu cơ Đồng Phú…

Đặc biệt, nhờ đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, không ít HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân đã nâng cao được hiệu quả sản xuất, xây được các chuỗi giá trị bền vững, từ đó đưa sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

Tiêu biểu như HTX nông nghiệp sạch Đức Hậu Lưu Quang (Thôn Trung Cao, xã Trung Hòa) đã tập trung phát triển, nâng cao chất lượng cây bưởi Diễn với mục tiêu đưa loại quả này thành sản phẩm OCOP, được đông đảo người tiêu dùng Thủ đô biết đến.

Ông Lê Hữu Diện, Giám đốc HTX Đức Hậu Lưu Quang cho biết: Để có được những vườn bưởi sai trĩu quả, đạt tiêu chuẩn hữu cơ như hiện nay, các thành viên trong HTX đã tham gia các lớp đào tạo sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhờ đó, thành viên và người dân thay đổi thói quen, canh tác, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và tận dụng những phế phẩm để tạo ra quy trình sản xuất tuần hoàn, từ đó tăng hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe con người.

Bưởi Diễn Đức Hậu Lưu Quang hiện đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Sản phẩm đang được tiêu thụ ổn định, đến thời điểm thu hoạch là tư thương đến tận vườn của các hộ thu mua, giá bán dao động từ 25.000- 30.000 đồng/quả.

Những năm qua, bưởi Diễn Đức Hậu Lưu Quang đã khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Việc này góp phần nâng cao đời sống cho các hộ thành viên của HTX.

Còn tại HTX nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn (xã Đông Sơn), nhờ tập trung trồng các loại rau ăn lá, nho hạ đen, ổi, măng tây, hẹ theo hướng hữu cơ, sản phẩm của HTX đã khẳng định được chất lượng với khách hàng, người tiêu dùng.

Đặc biệt, để xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2022 HTX Đông Sơn có 5 sản phẩm rau, quả được UBND Thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao, trong đó có sản phẩm Nho hạ đen.

Theo đánh giá của UBND xã Đông Sơn, những năm gần đây, xã đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 07 của Huyện ủy Chương Mỹ về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".

Chính vì vậy, xã đang đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng bền vững nhằm đưa Đông Sơn thành vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng của huyện Chương Mỹ. Mô hình sản xuất của HTX nông nghiệp hữu cơ Đông Sơn đang góp phần xây dựng, phát triển chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã. Đây là cơ sở để nâng cao đời sống của nông dân, góp phần giúp địa phương sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Có thể thấy, các sản phẩm được chứng nhận OCOP ở các xã đã thể hiện được nét đặc trưng, thế mạnh về văn hóa gắn với kinh tế của từng địa phương trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Sau khi được chứng nhận, các chủ thể OCOP đều có kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư chuyên sâu để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như đáp ứng tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX, hộ cá nhân chủ động mở rộng quy mô kinh doanh bằng cách tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu và thúc đẩy tiếp thị sản phẩm OCOP trên cả nước; tiếp tục đầu tư nghiên cứu để phát triển các sản phẩm mới.

Theo các chủ thể, để có được những kết quả trên, huyện đã tập trung thực hiện việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả; chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Đồng thời, huyện đã ban hành nhiều văn bản về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: “Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông sản sạch; tiếp tục sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao; tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản huyện Chương Mỹ giai đoạn 2021 - 2025”…

Nho hạ đen là mô hình có giá trị kinh tế, thúc đẩy du lịch nông thôn.

Nho hạ đen là mô hình có giá trị kinh tế, thúc đẩy du lịch nông thôn.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số mô hình nông nghiệp liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình chuỗi sản xuất - tiêu thụ bưởi Chương Mỹ của HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến, chuỗi sản xuất - tiêu thụ trứng gà của Công ty Cổ phần Tiên Viên, Chuỗi sản xuất tiêu thụ gạo Japonica hữu cơ của HTX Nam Phương Tiến…

Điều này góp phần giúp cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp cũng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tính đến hết năm 2022, tỷ trọng ngành chăn nuôi của huyện là 65,8%, trồng trọt là 34,2%. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 68,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 0,27%.

Lấy HTX làm trọng tâm

Trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; 30/30 xã duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, có 5 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Từ những kết quả đã đạt được, huyện phấn đấu đến hết năm 2025 có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 4%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 85 – 95 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.

Để hoàn thành những mục tiêu này, Chương Mỹ đang khuyến khích các địa phương thành lập mới các HTX, phấn đấu đưa giá trị dịch vụ của các HTX nông nghiệp tăng từ 10% - 15%/ năm…

Vì sao Chương Mỹ lại tập trung vào phát triển và nâng cao giá trị hoạt động của các HTX để thúc đẩy nông thôn mới? Đó là vì huyện xác định xây dựng nông thôn mới cần “Làm đến đâu, chắc tới đó”, không chạy theo thành tích. Trong đó, đối với nông nghiệp, cần đẩy mạnh liên kết chuỗi thông qua HTX để thúc đẩy tái cơ cấu nền nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Chương Mỹ là huyện có diện tích lớn, có nhiều làng nghề nhưng cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân, HTX, doanh nghiệp. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển mô hình HTX sẽ là giải pháp phù hợp để áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, các phương án sản xuất phù hợp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực tế, những mô hình sản xuất, liên kết chuỗi bền vững mà huyện đang phát triển đã chứng minh được điều đó.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/lien-ket-hang-hoa-giup-nong-thon-moi-apos-lam-toi-dau-chac-toi-do-apos-1094267.html