Liên kết cộng đồng bảo vệ và phát huy giá trị di sản kéo co

8 năm sau khi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các cộng đồng trong và ngoài nước cùng sở hữu Nghi lễ và trò chơi kéo co vẫn đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.

Đề xuất bổ sung nghi lễ kéo co đình Ngải Khê vào danh mục di sản quốc gia

Năm 2015, hồ sơ đa quốc gia Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc và Philippines đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việt Nam có 4 địa phương là Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội có di sản kéo co được ghi danh. Tuy nhiên, trò chơi kéo mỏ (kéo co) thôn Ngải Khê, xã Tân Dân, Phú Xuyên, Hà Nội, chưa được ghi tên trong danh mục này.

Ông Nguyễn Trọng Khánh, Ban Khánh tiết đình thôn Ngải Khê, xã Tân Dân, Phú Xuyên, Hà Nội mong di sản kéo co Ngải Khê được ghi tên vào danh mục di sản quốc gia

“Đây là dịp quan trọng và vinh dự cho cộng đồng kéo co Ngải Khê được giao lưu, học hỏi, trao đổi với các cộng đồng nắm giữ và thực hành kéo co tại Việt Nam và quốc tế nhằm đẩy mạnh việc phát huy, quảng bá và giới thiệu giá trị của di sản”, ông Nguyễn Trọng Khánh, Ban Khánh tiết đình thôn Ngải Khê, chia sẻ tại tọa đàm “Bảo vệ và phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại” chiều 17.11.

Ông Khải dẫn lại, theo thần phả của làng, xưa kia các trò chơi dân gian thường được tổ chức vào mồng 6 tháng Giêng tại di tích đình, chùa, miếu. Lễ cầu Đinh, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, đâm chồi, nảy lộc, trẻ già, trai gái mạnh khỏe, dân an, thịnh vượng là nét đẹp văn hóa được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trong đó kéo mỏ là di sản văn hóa không bao giờ thiếu trong lễ hội.

Với trò kéo mỏ, vật để kéo mỏ được làm bằng 2 cây tre bánh tẻ, đẹp, thẳng, dài từ 6 - 7m, không bị yếu, không bị kiến. Số đốt tre được tính từ gốc tre lên theo bốn chữ “sinh, lão, bệnh, tử”; đốt cuối cùng được tính vào chữ sinh, tránh chữ tử. Hai ngọn tre được hơ lửa cho dẻo mềm rồi xoáy vặn quặp vào nhau dùng lạt mềm buộc chặt cố định lại để làm vật kéo, gọi là kéo mỏ.

Trước khi vào cuộc, trọng tài mời Ban tổ chức đem dây kéo mỏ ra đặt ở giữa sân theo vạch vôi phân cách, giữa dây kéo mỏ phải có vải đỏ buộc làm chuẩn. Lễ hội được chia làm nhiều hiệp, hiệp mẫu là màn đấu của các cụ, du đi du lại 3 lần mời chiêng, trống nổi lên, lễ hội mới được tiếp tục. Cộng đồng xóm trên, xóm dưới, các đoàn thể tham gia đông vui, náo nhiệt với các tay đấu khỏe, trang phục rực rỡ...

“Kéo mỏ là nét đẹp văn hóa độc đáo của làng quê vùng đồng trũng Ngải Khê, Phú Xuyên nói riêng và Hà Nội nói chung. Vì vậy, dịp này địa phương mong muốn Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quan tâm lập hồ sơ bổ sung nghi lễ kéo co trong lễ hội đình, chùa Ngải Khê vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, ông Khải đề xuất.

Gìn giữ, phát huy, liên kết các cộng đồng

Nghi lễ kéo co ngồi tại Lễ hội đền Trấn Vũ, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Nhật Anh

Theo Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, nghi lễ kéo co tồn tại ở khắp cả nước, không chỉ trong cộng đồng người Kinh mà còn trong các dân tộc như Tày, Dáy, mỗi nơi có một sắc thái riêng, tạo nên sự đa dạng văn hóa. Kéo co không chỉ là trò chơi hay hoạt động thể thao mà còn là một nghi lễ thiêng liêng gắn kết với đời sống tinh thần, tâm linh và ước vọng tốt đẹp của cộng đồng, với những sắc thái riêng của mỗi quốc gia và mỗi vùng miền.

“Khi được UNESCO vinh danh thì di sản này không chỉ là của riêng một cộng đồng hay riêng Việt Nam mà còn là một phần của di sản thế giới. Do đó chúng ta cần gìn giữ, phát huy, liên kết các cộng đồng trong nước, từ đó kết nối với các nước khác cũng sở hữu di sản này”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

Lễ hội kéo song, thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Nguồn: dulichvinhphuc.gov.vn

Đại diện các địa phương đồng thuận, nhằm giữ gìn, bảo vệ và phát huy di sản kéo co cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục di sản, mở rộng cộng đồng kéo co trong toàn quốc. Đại diện đoàn kéo co (kéo song), thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho hay, địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn phục dựng đầy đủ và lập cơ sở dữ liệu, tư liệu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, làm cơ sở cho công tác giới thiệu, quảng bá, đưa kéo song vào thành môn học truyền thồng tại các nhà trường trên địa bàn thị trấn và trong tương lai mở rộng ra toàn huyện.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai Dương Tuấn Nghĩa, để thực hiện cam kết bảo vệ và phát huy giá trị của di sản theo công ước UNESCO, Lào Cai đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo các địa phương có di sản tăng cường tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng các dân tộc trao truyền di sản văn hóa trong cộng đồng để cùng nhau bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa, gắn bảo tồn với phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

Việc nhận diện di sản và ý nghĩa của di sản trong đời sống; vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản cũng được các địa phương quan tâm, chú trọng. Ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban quản lý di tích đền Trấn Vũ, Long Biên, Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản, đặc biệt là tuyên truyền cho thế hệ trẻ về truyền thống quê hương. Hàng năm, khoảng 12.000 học sinh đến tham quan đền và tìm hiểu về kéo co ngồi. Chính quyền địa phương đã và đang hỗ trợ xây dựng nhà truyền thống để trình chiếu những hình ảnh và phim tài liệu giới thiệu di sản kéo co, không chỉ của địa phương mà của các cộng đồng, dân tộc đang sở hữu di sản”.

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/lien-ket-cong-dong-bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-di-san-keo-co-i350518/