Liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp đưa Gò Công Tây tiến xa

Nhờ phát triển mô hình liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ trong các HTX nông nghiệp đã giúp giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) và đưa địa phương này ngày càng tiến xa trên con đường xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.

HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Phú Quới ở ấp Phú Quới, xã Yên Luông là một HTX điển hình của huyện Gò Công Tây trong việc tổ chức mô hình liên kết tiêu thụ rau, sản xuất lúa hướng hữu cơ và cung ứng phân hữu cơ cho thành viên. Đây cũng là HTX duy nhất của tỉnh Tiền Giang được bình chọn trong Top 63 HTX nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Hiệu quả liên kết tiêu thụ rau an toàn

Đến nay, tổng diện tích canh tác rau màu VietGap của các thành viên HTX Phú Quới là hơn 12 ha/44 hộ. Tổng diện tích lúa hướng hữu cơ hơn 30 ha/15 hộ. Thành viên khi tham gia vào HTX được tiêu thụ đầu ra với giá cao hơn giá thị trường từ 500 đồng đến 2.000 đồng/kg tùy từng thời điểm. HTX đang tạo việc làm cho 40 - 60 lao động thời vụ.

HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Phú Quới hiện có tổng diện tích canh tác rau màu VietGap hơn 12 ha.

Ông Võ Minh Luân, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, cho biết nhờ liên kết sản xuất, tiêu thụ rau và lúa hữu cơ mà tổng doanh thu của HTX năm 2022 đạt gần 13 tỷ đồng. HTX đang cung cấp rau an toàn cho các đối tác như: Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Vinmart, các bếp ăn tập thể…

Theo ông Luân, thời gian tới HTX sẽ tiếp tục phát triển diện tích sản xuất rau theo hướng an toàn, theo VietGap và xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao cho HTX. Đồng thời, tập trung thực hiện các mô hình liên kết giữa nông dân với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương. HTX sẽ tiếp tục mở rộng thị trường tại chỗ, tìm thêm đối tác để phát triển mới thị trường, tăng doanh số để tạo thêm việc làm cho công nhân làm việc tại nhà sơ chế rau của HTX.

Từ việc tạo được liên kết đầu ra ổn định, không ngừng phát triển lớn mạnh, đến nay HTX đã có 116 thành viên. Thành viên khi tham gia HTX được bao tiêu đầu ra, không phải gặp cảnh giá cả bấp bênh như sản xuất truyền thống.

Vừa là một thành viên vừa là công nhân sơ chế rau của HTX Phú Quới, chị Nguyễn Thị Phượng cho biết nhờ tham gia HTX nên chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau sạch do HTX liên kết với các ngành tổ chức để học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất rau màu để về áp dụng tạo ra sản phẩm rau màu sạch cung ứng cho HTX.

“Tôi vừa sản xuất rau cung ứng cho HTX, vừa làm việc tại nhà sơ chế rau mỗi ngày. Nhờ hoạt động kinh doanh HTX ổn định nên tôi và nhiều chị em phụ nữ trong xã có việc làm, tạo thu nhập ổn định, trang trải cho cuộc sống”, chị Phượng chia sẻ.

Nhờ sự chung sức đồng lòng của một HTX tiêu biểu như vậy đã giúp cho xã Yên Luông vượt qua mọi khó khăn, đưa kinh tế từng bước đi lên. Và từ một xã xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn, Yên Luông đã vươn mình trở thành xã nông thôn mới và đang nỗ lực để đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.

Dẹp bỏ nỗi lo “được mùa mất giá”

Có thể nói, nhắc đến kinh tế nông nghiệp ở huyện Gò Công Tây sẽ thấy một trong những chuyển biến tích cực là việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được thể hiện rõ ở một số HTX nông nghiệp. Ngoài HTX Phú Quới thì cần phải kể đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Hòa (ở xã Long Vĩnh) là một điển hình về chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa và lúa giống với quy mô gần 35 ha/56 hộ. Đây cũng là HTX thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của huyện Gò Công Tây.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Hòa là một điển hình về chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa và lúa giống.

Ông Mai Văn Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hưng Hòa, cho biết nhờ thực hiện dự án liên kết đã giúp cho HTX, doanh nghiệp và hộ sản xuất chuyển đổi cơ chế định giá thị trường sang cơ chế sản xuất theo yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp và công bố giá mua cố định suốt vụ, có hợp đồng đặt cọc 2 triệu đồng/ha nên việc thực hiện hợp đồng 2 bên rất tốt.

“Từ những yếu tố tích cực đã giúp cho quy mô hoạt động của HTX ngày càng được mở rộng, từ 21 thành viên ban đầu nay đã phát triển lên 111 thành viên, đặc biệt có Công ty TNHH Vinh Hiển là thành viên HTX. Lợi nhuận của HTX ngày càng tăng, thu nhập của thành viên được nâng cao…”, ông Mai Văn Mai cho biết.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Hòa hiện nay hoạt động chủ yếu 3 khâu chính là mua chung, bán chung và tín dụng nội bộ. Giá lúa mua thỏa thuận theo thị trường, có ký hợp đồng, đặt cọc đến từng hộ. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất do HTX cung cấp cho các hộ ngày càng được mở rộng và chuyên sâu như: Làm đất, thu hoạch, cuộn rơm, vệ sinh đồng ruộng, phun thuốc bằng máy bay không người lái.

Nhờ tạo được liên kết đầu vào, đầu ra ổn định kết hợp ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, đã giúp thành viên yên tâm gắn bó với HTX này, giúp thành viên nâng cao thu nhập. Nhất là giải quyết được nỗi lo của nông dân địa phương về điệp khúc “được mùa, mất giá”.

Với một “bà đỡ” HTX như vậy, có nhiều hình thức hỗ trợ để giúp người dân tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các mô hình trồng lúa chất lượng cao, đã giúp cho đời sống nông dân trồng lúa ở địa phương được nâng lên. Qua đó góp phần đưa cho xã Long Vĩnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu hồi năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 71,15 triệu đồng/người/năm.

Tính đến nay trên địa bàn huyện Gò Công Tây có 17 HTX nông nghiệp với khoảng 6.372 người tham gia. Xác định kinh tế nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, cho nên thời gian qua huyện đã đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết sản xuất. Qua đó đã có nhiều mô hình HTX kiểu mới hiệu quả, bước đầu liên kết được với nông dân, doanh nghiệp thực hiện chuỗi sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Hướng tới huyện nông thôn mới nâng cao

Thời gian qua huyện Gò Công Tây đã triển khai thực hiện được 8 dự án, kế hoạch liên kết (6 kế hoạch liên kết trên cây lúa và 2 dự án, kế hoạch liên kết trên cây rau) cho 8 HTX (Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Hòa, Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Phú Quới, Hòa Thạnh, Rau an toàn Thạnh Hưng, Nông nghiệp Lợi An, Nông nghiệp Dịch vụ nông thôn Bình Nhì…).

Huyện Gò Công Tây đang hướng tới mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã thể hiện vai trò rất quan trọng trong việc liên kết, kết nối nông dân với doanh nghiệp. Nhất là đàm phán về đầu vào và đầu ra, năng động trong tìm kiếm thị trường, mang lại lợi ích cho người dân. Về phía các thành viên khi tham gia vào HTX đã được hướng dẫn sản xuất theo quy trình, kế hoạch, áp dụng khoa học - kỹ thuật, phát huy thế mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu.

Các mô hình liên kết mới của những HTX này đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho các thành viên, tạo được phong trào phát triển kinh tế tập thể sôi nổi rộng khắp trên toàn huyện, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Xác định HTX là một thành phần kinh tế rất quan trọng, cho nên theo ông Lê Văn Nê, Phó chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây, trong thời gian tới huyện đẩy mạnh hỗ trợ các HTX phát triển, cũng như kết nối các HTX liên kết với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, thị trường...

Hơn thế nữa, để giúp cho hoạt động của các HTX ngày càng đi lên, ông Nê cho biết huyện sẽ tập trung triển khai thực hiện hỗ trợ các HTX về nguồn nhân lực, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cơ sở vật chất…, cũng như tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân thấy được tầm quan trọng và lợi ích khi tham gia vào các HTX.

Từ việc dành sự quan tâm lớn đến hoạt động liên kết sản xuất của các HTX nông nghiệp đã giúp đời sống của người dân trong huyện ngày càng nâng cao và giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở ở huyện từ 3,8% hồi năm 2015 đến năm 2023 đã giảm xuống chỉ còn 1,09%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,33%.

Với những chuyển biến tích cực như vậy đã góp sức cho diện mạo nông thôn của huyện Gò Công Tây có sự thay đổi mạnh mẽ. Sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới hồi năm 2020 thì huyện đang hướng tới mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Tính đến nay toàn huyện có 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/lien-ket-chuoi-san-xuat-nong-nghiep-dua-go-cong-tay-tien-xa-1096187.html