Liên Hợp Quốc nối lại việc xem xét kết nạp Palestine làm thành viên chính thức

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã nối lại việc xem xét đơn xin gia nhập Liên Hợp Quốc với tư cách thành viên đầy đủ của Chính quyền Palestine và quyết định chuyển thủ tục này tới Ủy ban Kết nạp Thành viên mới mà không vấp phải sự phản đối nào.

Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP

Đơn gia nhập kéo dài nửa thế kỷ

Động thái này được thúc đẩy trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài 6 tháng của Israel ở Gaza kể từ vụ tấn công ngày 7.10 đã làm sống lại những lời kêu gọi trao cho người Palestine một nhà nước của riêng họ.

Vào ngày 2.4 vừa qua, Phái đoàn quan sát viên thường trực của Palestine đã gửi thư cho Tổng Thư ký Antonio Guterres đề nghị LHQ một lần nữa xét đơn của Palestine xin gia nhập tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh với tư cách thành viên chính thức.

Theo chính quyền Palestine, nơi cai trị một phần Bờ Tây bị chiếm đóng, 137 trong số 193 thành viên LHQ đã công nhận Nhà nước Palestine, trong số đó có các quốc gia Trung Đông, Châu Phi và các khu vực khác, nhưng không có Hoa Kỳ, Canada, hầu hết Tây Âu, Australia, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Năm 1974, Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 3237 công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là quan sát viên.

Từng bước được công nhận

Năm 2011, khi các cuộc đàm phán hòa bình bế tắc, người Palestine quyết định thúc đẩy chiến dịch trở thành thành viên đầy đủ của LHQ cho "Nhà nước Palestine".

Nhiệm vụ đã thất bại nhưng trong một động thái mang tính đột phá vào ngày 31 tháng 10 năm đó, cơ quan văn hóa Liên Hợp Quốc UNESCO đã bỏ phiếu chấp nhận người Palestine là thành viên đầy đủ.

Quyết định này đã gây ra phản ứng dữ dội từ Israel và Hoa Kỳ, khiến hai nước này đình chỉ tài trợ cho cơ quan có trụ sở tại Paris. Mỹ và Israel sau đó hoàn toàn rút khỏi UNESCO vào năm 2018, mặc dù Hoa Kỳ đã gia nhập lại vào năm ngoái.

Vào tháng 11.2012, lá cờ Palestine được kéo lên lần đầu tiên tại trụ sở LHQ ở New York sau khi Đại hội đồng bỏ phiếu áp đảo nâng cấp quy chế của người Palestine thành "nhà nước quan sát phi thành viên".

Ba năm sau, Tòa án Hình sự Quốc tế cũng chấp nhận Palestine là một quốc gia thành viên.

Năm 2014, Thụy Điển, nơi có cộng đồng người Palestine đông đảo, đã trở thành thành viên EU đầu tiên ở Tây Âu công nhận Nhà nước Palestine.

Nhà nước Palestine trước đó đã được sáu quốc gia châu Âu khác công nhận là Bulgaria, Síp, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan và Romania.

Đại sứ Malta, nước giữ cương vị Chủ tịch HĐBA trong tháng 4.2024, Vanessa Frazier xác nhận “vấn đề quyết định tư cách thành viên của Palestine sẽ diễn ra trong tháng 4”. Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansour gọi “đây là thời khắc lịch sử” khi HĐBA bắt đầu xem xét tiến trình Palestine xin trở thành thành viên chính thức của LHQ.

Hiến chương LHQ quy định việc kết nạp các thành viên mới do Đại hội đồng LHQ quyết định căn cứ theo khuyến nghị của HĐBA, nơi thành viên xin gia nhập cần nhận được 9/15 phiếu ủng hộ của các thành viên HĐBA và không có ủy viên thường trực nào phủ quyết. Palestine sau đó cần nhận được sự ủng hộ của 2/3 số thành viên Đại hội đồng LHQ để trở thành thành viên chính thức.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/lien-hop-quoc-noi-lai-viec-xem-xet-ket-nap-palestine-lam-thanh-vien-chinh-thuc-i365847/