Liên hoan phim Việt Nam 2023: Lượng phim tham gia kỷ lục, chất lượng nâng cao

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 - năm 2023 là lần đầu tiên TP Đà Lạt đăng cai tổ chức một kỳ liên hoan phim (LHP) quốc gia. Đây cũng là kỳ liên hoan có số lượng phim đăng ký tham gia nhiều nhất từ trước tới nay (147 phim). Khoảng 190.000 lượt du khách đã đến xem phim, tham dự các hoạt động liên quan.

Các diễn viên trong phim “Đất rừng phương Nam” - một trong các phim truyện dự thi

Chủ đề của LHP Việt Nam lần này là “Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”. LHP tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò của điện ảnh trong đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà. Đồng thời là dịp giới thiệu tới khán giả những tác phẩm điện ảnh phong phú về thể loại, đề tài, hình thức thể hiện, phản ánh góc nhìn đa chiều về cuộc sống của các nhà làm phim, hướng tới xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn.

Phim “Đào, phở và piano” do Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) đặt hàng, Công ty Cổ phần phim truyện 1 sản xuất

Điện ảnh phát triển mạnh mẽ

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: “Điện ảnh Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, khẳng định sự chuyên nghiệp và nỗ lực đổi mới của các nhà quản lý, các nghệ sĩ trong hoạt động sáng tác, sản xuất, quảng bá, phát hành và phổ biến phim. Chất lượng phim Việt Nam được nâng cao, số lượng phim Việt Nam phát hành chiếm tỉ lệ nhiều hơn hẳn so với 2 năm trước, thu hút và hình thành một tầng lớp đông đảo khán giả yêu điện ảnh Việt Nam, những nhà đầu tư, nhà sản xuất, các nghệ sĩ, thúc đẩy hoạt động điện ảnh phát triển mạnh mẽ. Điện ảnh Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và du lịch Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”.

Liên hoan trình chiếu 91 phim thuộc khuôn khổ Chương trình phim dự thi và 56 bộ phim thuộc Chương trình phim toàn cảnh miễn phí. Đây là tác phẩm phim Việt đa thể loại (phim truyện, tài liệu, khoa học, hoạt hình…), các phim nghệ thuật song hành với phim giải trí đại chúng… hứa hẹn mang đến cho khán giả những giờ phút thư giãn, ấn tượng. Các bộ phim tham gia còn được trình chiếu lưu động tại các địa phương, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

LHP còn có nhiều chương trình, hoạt động sôi nổi, với sự tham gia từ nhiều đoàn nghệ sĩ. Đó là các triển lãm “Đà Lạt - Khơi nguồn cảm hứng điện ảnh”; “Áp phích phim điện ảnh Việt Nam”; chương trình giao lưu giữa nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh và khán giả trẻ tại Đại học Đà Lạt và trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng… Đặc biệt là còn có các cuộc hội thảo quan trọng trong khuôn khổ liên hoan phim như “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” (ngày 22-11) và “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam” (ngày 23-11).

Nữ diễn viên Juliet Bảo Ngọc Doling (đóng vai chính trong phim truyện dự thi “Tro tàn rực rỡ”) trên thảm đỏ LHP Việt Nam 2023

Chất lượng phim Việt Nam nâng cao

Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định: “Các nhà làm phim Việt Nam đã vượt qua rất nhiều khó khăn để ra được những tác phẩm phong phú thể loại, đa dạng đề tài, trong đó có một số phim lịch sử có chất lượng tốt”. Minh chứng rõ nhất là các phim dự thi với những đạo diễn đa thế hệ của nền điện ảnh Việt. Đó là những nhà làm phim kỳ cựu như đạo diễn Đặng Nhật Minh với phim “Hoa nhài”; đạo diễn Phi Tiến Sơn với “Đào, phở và piano”; đạo diễn Lưu Huỳnh với “Mẹ ơi, bướm đây”; đạo diễn Bùi Thạc Chuyên với “Tro tàn rực rỡ”, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng với “Con Nhót mót chồng”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với “Đất rừng phương Nam”, đạo diễn Victor Vũ với “Người vợ cuối cùng”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh với “Em và Trịnh”...

“Đào, phở và piano” và “Hồng Hà nữ sĩ” là 2 phim Nhà nước đầu tư, đặt hàng hiếm hoi tranh giải Bông sen Vàng năm nay ở thể loại phim truyện, bên cạnh là những phim chiếu rạp ăn khách như “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành hay mới nhất là “Đất rừng phương Nam”, “Người vợ cuối cùng”…

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), Trưởng ban tổ chức LHP Việt Nam lần thứ 23 cho biết, tổng cộng có 147 bộ phim vào chương trình phim dự thi và chương trình phim toàn cảnh. Có 16 phim truyện, 31 phim tài liệu, 19 phim khoa học, 25 phim hoạt hình tranh giải chính thức. Có những sự đột phá rõ rệt ngay cả ở khâu tổ chức, đơn cử như đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (SN 1986) đã được mời vào thành phần ban giám khảo thể loại phim truyện. Lê Minh cho biết, anh đánh giá cao chất lượng các phim dự thi năm nay.

Trong ngày bế mạc 25-11, các giải thưởng Bông sen Vàng, Bông sen Bạc, Giải thưởng của Ban giám khảo cho 4 thể loại phim và giải Kỹ xảo điện ảnh cho phim điện ảnh được công bố. Các giải thưởng cá nhân gồm có giải Đạo diễn, Tác giả kịch bản, Đạo diễn phim truyện đầu tay, Quay phim, Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc, Nam/Nữ Diễn viên phụ xuất sắc, Họa sĩ thiết kế, Âm nhạc, Âm thanh. LHP còn có Giải bình chọn của khán giả dành cho phim được yêu thích nhất trong khuôn khổ Chương trình phim toàn cảnh.

“LHP Việt Nam lần thứ 23 là hoạt động ghi dấu ấn kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống của ngành Văn hóa Việt Nam, 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam. LHP Việt Nam lần thứ 23 là hoạt động ý nghĩa thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội”. Đây cũng là hoạt động thiết thực thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021”

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lien-hoan-phim-viet-nam-2023-luong-phim-tham-gia-ky-luc-chat-luong-nang-cao-post559077.antd