Lịch sử tiến hóa, phát triển của loài người

Sách 'Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật' cho chúng ta biết quá trình phát triển của loài người qua những câu chuyện hấp dẫn xoay quanh các hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng Anh.

Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật của tác giả Neil MacGregor - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Anh (2003-2009) được viết từ bản ghi chép của chương trình cùng tên trên đài BBC Radio 4, phát thanh vào năm 2010. Chương trình này như một hoạt động đổi mới liên tục của Bảo tàng Anh, mang lại cho Bảo tàng này giải thưởng “Bảo tàng của năm” (Art Fund Prize 2011).

 Sách Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật. Ảnh: MC.

Sách Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật. Ảnh: MC.

Nguồn tư liệu lịch sử có hình thù chi tiết

Theo thiết kế của chương trình, các đồng sự của Neil MacGregor từ Bảo tàng và đài BBC sẽ chọn ra 100 hiện vật từ bộ sưu tập của Bảo tàng Anh, sắp xếp theo niên đại từ khởi nguồn lịch sử nhân loại vào khoảng hai triệu năm trước cho đến tận ngày nay.

Những hiện vật đó phải bao quát hết toàn bộ thế giới, phân bố đều nhau hết mức có thể. Chúng sẽ gắng đề cập đến nhiều khía cạnh nhân loại đã trải qua theo cách khả dĩ nhất có thể, và kể cho chúng ta nghe về muôn mặt đời sống xã hội, không chỉ là về giới giàu sang quyền quý trong lòng nó. Bởi thế, những hiện vật này bao gồm cả những món đồ tầm thường trong đời sống thường nhật lẫn các công trình nghệ thuật kỳ vĩ.

Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật gồm 20 phần, mỗi phần 5 chương, tương ứng với 5 hiện vật hoặc 5 lát cắt của thế giới với niên đại cụ thể. Thông qua cuốn sách, độc giả sẽ tham gia chuyến du hành ngược thời gian, băng qua khắp địa cầu, để nhìn nhận cách thức loài người chúng ta nhào nặn nên thế giới, cũng như bị chính nó định hình lại ra sao trong suốt hai triệu năm đã qua.

Cuốn sách cũng gắng tường thuật một câu chuyện lịch sử về thế giới theo đường hướng trước nay chưa ai từng thử sức, đó là tìm cách giải mã những thông điệp vượt thời gian mà hiện vật (những đồ vật do con người làm ra - nguồn tư liệu lịch sử có hình thù chi tiết và chúng đều có chuyến hành trình kỳ lạ vượt qua hàng bao thế kỷ và thiên niên kỷ) muốn truyền đạt.

 Hiện vật Những quân cờ Lewis tại Bảo tàng Anh. Nguồn: BBC.

Hiện vật Những quân cờ Lewis tại Bảo tàng Anh. Nguồn: BBC.

Những thông điệp vượt thời gian

Khác với nhiều cuốn sách lịch sử thường thức khác, Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật không tập trung vào các sự kiện kinh điển trong tiến trình phát triển của loài người như quá trình hình thành nên Đế quốc La Mã, cuộc tàn phá Baghdad của người Mông Cổ, thời kỳ Phục Hưng châu Âu, các cuộc chiến tranh của Napoleon, vụ ném bom xuống Hiroshima…, mà sử dụng các hiện vật để kể chuyện về cuộc sống thường nhật và những thay đổi lớn đã xảy ra kể từ khi con người bắt đầu sử dụng công cụ.

Chẳng hạn, sách cho chúng ta biết được những vật dụng khiến loài người trở nên khác biệt với các động vật qua một nhóm các hiện vật như: công cụ bổ chẻ bằng đá Olduvai (công cụ được phát hiện tại hẻm núi Olduvai, Tanzania, 1,8-2 triệu năm tuổi); rìu tay Olduvai (công cụ được phát hiện tại hẻm núi Olduvai, Tanzania, 1,2-1,4 triệu năm tuổi); tuần lộc đang bơi (tác phẩm được chạm trổ từ ngà voi ma mút, được phát hiện tại Montastruc, Pháp năm 11.000 TCN); mũi giáo Clovis (mũi giáo bằng đá, được phát hiện ở Arizona, Mỹ); xác ướp Hornedjitef (Hòm xác ướp gỗ, từ Thebes (gần Luxor), Ai Cập, khoảng năm 240 TCN).

Qua đó, sách cho chúng ta thấy được năng lực chế tác đồ vật cho phép loài người thích ứng với vô số môi trường, từ châu Phi tỏa ra Trung Đông, châu Âu, châu Á và vươn tới châu Mỹ.

Hay sách cho chúng ta biết được những thành phố và nhà nước đầu tiên trên thế giới khoảng 5.000-6.000 năm trước qua nhóm các hiện vật như: Miếng nhãn gắn trên dép của Vua Den (miếng nhãn bằng răng Hà Mã,được phát hiện tại Abydos (gần Luxor), Ai Cập khoảng năm 2985 TCN); Cờ hiệu xứ Ur (rương gỗ khảm bề mặt, được phát hiện tại lăng Hoàng gia xứ Ur miền Nam Iraq năm 2600-2400 TCN); Con dấu sông Ấn (con dấu đá, từ Harappa, lưu vực sông Ấn (Punjab), Pakistan, năm 2500-2000 TCN); Rìu ngọc bích (được phát hiện gần Canterbury, Anh, năm 4000-2000 TCN); Phiến chữ viết sơ khai (phiến đất sét, được phát hiện tại miền Nam Iraq năm 3100-3000 TCN).

 Hiện vật Hình nhân lăng mộ nhà Đường Trung Quốc tại Bảo tàng Anh. Nguồn: BBC.

Hiện vật Hình nhân lăng mộ nhà Đường Trung Quốc tại Bảo tàng Anh. Nguồn: BBC.

Chúng ta cũng biết được nguồn gốc của nền văn học viết đầu tiên trên thế giới cùng sự phát triển của tri thức khoa học và toán qua nhóm các hiện vật: Phiến đất sét Đại Hồng Thủy (Phiến đất sét có chữ viết từ Nineveh (gần Mosul), miền Bắc Iraq năm 700-600 TCN); Cuộn giấy cói Toán học Rhind (phát hiện tại Thebes (gần Luxor), Ai Cập, khoảng năm 1550 TCN); Tượng người bật nhảy qua đầu bò của người Minoan (tượng đồng con bò đực và người nhào lộn được phát hiện tại Crete, Hy Lạp, năm 1700-1450 TCN); Áo choàng bằng vàng xứ Mold (được phát hiện tại Mold, miền Bắc xứ Wales, năm 1900-1660 TCN); Tượng Ramesses II (phát hịene tại Thebes (gần Luxor), Ai Cập khoảng năm 1250 TCN).

Chúng ta cũng biết phần nào thế giới thời Khổng Tử qua nhóm các hiện vật: Mô hình chiến xa Oxus; Tác phẩm điêu khắc Parthenon: Nhân Mã và người Lapith; Hũ rượu Basse-Yutz; Mặt nạ đá Olmec; Chuông đồng Trung Quốc... Hay chuyện thâm cung bí sử của các triều đình lớn trên toàn thế giới qua nhóm các hiện vật: Phù điêu về nghi thức trích máu hoàng gia Maya; Những mảnh bích họa về hậu cung; Đĩa pha lê Lothair; Bức tượng Tara; Hình nhân lăng mộ nhà Đường Trung Quốc…

Bên cạnh các nhóm hiện vật, sách cũng cho biết sự hiện diện của các sự kiện lịch sử cũng được khúc xạ qua mỗi hiện vật riêng lẻ. Chẳng hạn, bia đá Rosetta là tư liệu chứng minh cho cuộc tranh đoạt giữa Vương quốc Anh và nước Pháp thời Napoleon. Cuộc Chiến tranh Giành độc lập của người Mỹ được nhìn nhận tại đây thông qua lăng kính độc đáo của tấm bản đồ da hươu của người Mỹ bản địa…

Ngoài ra, cuốn sách cũng mở rộng nội dung, hướng đến giai đoạn toàn cầu hóa với những hiện vật thể hiện sự phát triển thần tốc của xã hội loài người thời hiện đại như thẻ tín dụng hay đèn năng lượng mặt trời.

“Tận mục sở thị” những gì mà các nền văn minh kim cổ để lại (Phần phụ lục của cuốn sách cũng cung cấp thông tin về địa điểm tìm ra các hiện vật (có bản đồ đi kèm), kích thước hiện vật, và loạt 16 tranh in màu ở cuối sách về một số hiện vật nổi bật), độc giả của cuốn sách sẽ có được một cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử tiến hóa và phát triển của loài người từ thuở sơ khai đến thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ.

Quan trọng hơn, độc giả sẽ được nghe kể một câu chuyện lịch sử về thế giới qua những thông điệp vượt thời gian mà hiện vật muốn truyền tải.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/lich-su-tien-hoa-phat-trien-cua-loai-nguoi-post1475897.html