Lịch nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh châu Á

Ngoài Việt Nam, nhiều nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng coi Tết Nguyên đán là dịp lễ cổ truyền của dân tộc, đồng thời cũng là kỳ nghỉ lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, học sinh mỗi quốc gia lại có lịch nghỉ Tết khác nhau.

Tết Nguyên đán ở Trung Quốc (hay còn gọi là Xuân Tiết) là ngày lễ âm lịch quan trọng nhất đối với người Trung Hoa. Ảnh: Parents

Tết Nguyên đán 2024, học sinh Trung Quốc nghỉ 8 ngày

Cũng giống Việt Nam, Tết Nguyên đán ở Trung Quốc (còn gọi là Xuân Tiết) là một dịp lễ quan trọng đối với người dân của quốc gia này. Theo đó, Tết Nguyên đán tại Trung Quốc kéo dài 15 ngày, bắt đầu từ ngày 1/1 Âm lịch và kết thúc vào ngày tổ chức lễ hội đèn lồng 15/1.

Dịp lễ này, học sinh Trung Quốc sẽ được nghỉ học, thường kéo dài khoảng 7 ngày. Tuy nhiên, trong năm 2024, học sinh nước này sẽ được nghỉ Tết 8 ngày, bắt đầu từ ngày 10/2 (tức mùng 1 Tết) đến hết ngày 17/2 (tức mùng 8 Tết).

Theo truyền thống, vào dịp Tết Nguyên đán, học sinh Trung Quốc phải dành thời gian cho người thân. Từ chiều 30 tháng Chạp, họ thường quây quần bên gia đình, cùng trò chuyện và làm sủi cảo - món ăn truyền thống trong dịp đầu năm mới.

Ngoài ra, học sinh Trung Quốc cũng có thói quen khai bút đầu xuân, nhận tiền lì xì từ người lớn, lên chùa cầu may mắn và xin chữ trong dịp Tết Nguyên đán.

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh Hồng Kông (Trung Quốc)

Trẻ nhỏ biểu diễn với trang phục lợn trong cuộc diễu hành Tết Nguyên đán hàng năm ở Tsim Sha Tsui, Hồng Kông, ngày 5/2/2019. Ảnh: ANTHONY WALLACE / AFP

Tại Hồng Kông, học sinh cũng được nghỉ Tết Nguyên đán 8 ngày, bắt đầu từ ngày 10/2 (tức mùng 1 Tết) đến hết ngày 17/2 (tức mùng 8 Tết).

Học sinh Đài Loan (Trung Quốc) nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh Đài Loan thường kéo dài trong 7 ngày. Ảnh: Czech

Tại Đài Loan, học sinh cũng có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khá dài, thường kéo dài trong 7 ngày. Năm 2024, học sinh các cấp và sinh viên cũng được nghỉ 7 ngày, bắt đầu từ ngày 8/2 (tức ngày 29 âm lịch) đến ngày 14/2 (tức mùng 5 Tết).

Philippines nghỉ Tết Nguyên đán 1 ngày

Philippines được xem là quốc gia có truyền thống đón Tết âm lịch muộn nhất trong lịch sử văn hóa châu Á. Năm 2012, Chính phủ Philippines mới chính thức công nhận Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ lớn trong năm. Ảnh: Xinhua/Rouelle Umali

Dù không phải là một kỳ nghỉ lễ chính thức ở Philippines nhưng Tết Nguyên đán cũng được tổ chức tưng bừng bởi những người Philippines gốc Hoa.

Philippines thường chỉ nghỉ Tết Nguyên đán vào một ngày duy nhất là mùng 1 Tết. Nhưng mới đây, vào ngày 18/1, Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. tuyên bố cả nước sẽ được nghỉ Tết từ ngày 9/2 (tức 30 âm lịch). Do đó, năm 2014, học sinh và sinh viên Philippines được nghỉ tổng cộng 3 ngày là 30, mùng 1 và mùng 2 âm lịch.

Theo Philippine News Agency, Tổng thống Philippines đưa ra quyết định này với mong muốn người dân được nghỉ Tết dài hơn và tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc đón năm mới vui vẻ bên gia đình.

Hoạt động đón mừng năm mới của người Philippines với màn diễu hành múa lân, múa rồng trên phố. Ảnh: Yahoo News Singapore

Trong dịp Tết này, người dân thường đi chùa hay nhà thờ để cầu cho một năm may mắn, an lành, thịnh vượng. Hoạt động đón mừng năm mới của người Philippines luôn có các màn múa lân, múa rồng, diễu hành trên khắp phố phường. Người tham gia thường diện trang phục màu đỏ rực rỡ và nhảy múa cùng đoàn người.

Bánh gạo ngọt (Tikoy) là ẩm thực truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán của nước Philippines. Thành phần của bánh này bao gồm gạo nếp, mỡ heo, đường và nước, sau đó trộn chung với trứng gà, đánh đều trước khi chiên. Sự hòa quyện các nguyên liệu của bánh gạo ngọt có ý nghĩa cầu chúc cho mọi người trong gia đình luôn bên nhau.

Kỳ nghỉ Tết của học sinh Hàn Quốc kéo dài 3 ngày

Tết Âm lịch, hay còn gọi là Seollal, cũng là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm của học sinh Hàn Quốc (chỉ sau Tết Trung thu). Ảnh: KCCUK

Trong văn hóa Hàn Quốc, một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm chính là Tết Nguyên đán, hay còn gọi là Seollal, bắt đầu từ ngày 1/1 Âm lịch và thường kéo dài trong 3 ngày.

Khác với học sinh Việt Nam, Trung Quốc có kỳ nghỉ Tết kéo dài cả tuần, học sinh và sinh viên Hàn Quốc chỉ nghỉ Tết 3 ngày là mùng 1, mùng 2 và mùng 3 âm lịch.

Vào dịp Tết cổ truyền này, học sinh Hàn Quốc mặc trang phục truyền thống là hanbok, thực hiện các nghi lễ của tổ tiên, chơi trò chơi dân gian, ăn món ăn truyền thống, nghe kể chuyện, và gặp gỡ mọi người. Trước thời khắc giao thừa, họ sẽ tắm gội bằng nước nóng để mang ý nghĩa gột rửa đi hết những điều không may trong năm cũ.

Trong quan niệm của người dân xứ sở kim chi, Seollal không chỉ đơn thuần là sự đánh dấu cho khởi đầu của năm mới mà còn là dịp để cả gia đình đoàn viên, bày tỏ kính trọng với tổ tiên. Đặc biệt, với thế hệ sinh viên sống xa gia đình, đây là dịp để họ gặp gỡ người thân, lưu giữ các nét đẹp cổ truyền của dân tộc.

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán của Indonesia

Indonesia có cách gọi Tết Nguyên đán là Tahun Baru Imlek hoặc Sin Cia. Năm 2024, người dân nước này nghỉ Tết 3 ngày liên tiếp từ ngày 8 đến ngày 10/2, tức là từ ngày 28 âm lịch cho đến hết mùng 1 Tết.

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán của Malaysia

Học sinh Malaysia thường được nghỉ Tết Nguyên đán 3 ngày. Ảnh: Stories.my

1/4 dân số Malaysia là người Hoa kiều nên Tết Nguyên đán (được gọi là Tahun Baru Cina) là một dịp lễ quan trọng đối với họ và được coi là kỳ nghỉ chính thức tại quốc gia này.

Năm 2024, người dân cả nước, bao gồm học sinh các cấp và sinh viên, được nghỉ Tết trong 3 ngày từ mùng 1 đến mùng 3 Tết. Tuy nhiên, ngày mùng 3 tất cả bang đều được nghỉ ngoại trừ 2 bang là Johor và Kedah.

Giống như bao quốc gia đón Tết Nguyên đán khác, đây cũng là dịp để người dân Malaysia có dịp đoàn tụ và quây quần bên nhau.

Nguồn: Tổng hợp

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/lich-nghi-tet-nguyen-dan-cua-hoc-sinh-chau-a-179240205215503767.htm