Leo lên từ vùng trũng

Một lớp trẻ biết từ trách nhiệm với xã hội mà sống tốt hơn, kinh doanh giỏi và có đạo đức hơn. Phải chăng đó là niềm tin của chúng ta về tương lai xanh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, hứa hẹn sức sống vươn lên từ vùng trũng của lạc hậu, đói nghèo?

1. Giao thừa Tết Tây, bỗng có điện thoại của người bạn già. Chị Ba ơi, năm nay chị có về tặng quà cho tụi nhỏ xã mình không chị? Tui hỏi không phải để thúc giục nha, hỏi để coi hễ chị không về thì tui lo mối khác cho tụi nhỏ. Đó là điện thoại của người lo khuyến học cho tụi nhỏ xã TC quê chồng tui. Dạ có anh ơi, vẫn như hàng năm mà anh. Vậy tốt rồi chị, mà số con nít đi học của xã mình cứ rơi rụng dần chị ơi.

Rơi rụng dần. Tôi biết mà sao không khỏi chạnh lòng. Anh bạn già không dẫn những số liệu đau lòng mà hai chữ rơi rụng anh dùng còn đau hơn những con số buồn.

Giữa năm rồi, tôi ghé nhà anh, anh kể: “Năm 2021, dịch nặng ở Sài Gòn, dân đi làm ở Sài Gòn, Bình Dương rần rần quay về. Rồi cũng không có việc làm. Năm 2022, họ lại trở lên trển. Cốt khỉ vẫn hườn cốt khỉ”.

“Cốt khỉ” đây là tình cảnh hầu hết các tỉnh Tây Nam bộ đều vắng vẻ, thanh niên đều đi làm xa kiếm sống, các hộ gia đình vùng này chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Nhiều trẻ nhỏ không được đi học vì phải ở nhà phụ chuyện nhà với ông bà.

Anh bạn già của tôi không nói đến vấn đề nguồn nhân lực của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cũng không dẫn những con số. Thì đây là số liệu. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, dân số ĐBSCL chỉ tăng khoảng 10.000 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên vùng này chỉ là 0,55%, thấp nhất và thấp hơn hẳn so với mức trung bình cả nước là 0,97%. Tỷ lệ lao động có qua đào tạo của vùng này chỉ đạt 15%, còn thấp hơn cả Tây Nguyên (17%) và thấp hơn nhiều so với cả nước (26%). Nhìn xa hơn, hai thập niên trước, ĐBSCL đóng góp 16% vào GDP, mà nay chỉ 12%, dẫn tới nhận xét “đồng bằng đi trước về sau” mà nếu những thách thức nghiêm trọng không được giải quyết thì có nguy cơ bị “đẩy ra bên lề” cuộc phát triển của đất nước.

Người lao động bỏ thành phố về quê vì dịch và họ bị cách ly không việc làm.

2. Tháng 11-2023, một cuốn sách mới là tuyển tập các bài viết mang tên Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh ra đời. Trong năm buổi ra mắt cuốn sách này, trước câu hỏi tương tự nhau thường gặp nhất là làm thế nào để Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2045 thì người chủ biên, Giáo sư Trần Văn Thọ, đều trả lời đại ý: cần có bộ máy công quyền chuyên nghiệp, đội ngũ doanh nghiệp mạnh, nền giáo dục tốt – mà có thể hiểu là để nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực.

Một ngày sau buổi ra mắt cuốn sách này tại thành phố Cần Thơ, báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2023 cũng được công bố tại đây. Báo cáo được thực hiện bởi đội ngũ các nhà nghiên cứu do VCCI Cần Thơ và trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tổ chức, với chủ đề “Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng”. Tôi ngồi nghe, ghi chép cẩn thận và tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trao đổi bên lề thì thấy vấn đề mà họ quan tâm nhiều và cùng tìm giải pháp là vấn đề nguồn nhân lực.

Thực tế này chừng như gắn khá chặt chẽ với quan niệm: trong các nguồn lực và động lực để phát triển kinh tế của một quốc gia thì nguồn nhân lực là quan trọng nhất. Và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ở giai đoạn hiện nay, phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng, càng quan trọng và cấp thiết.

Theo điều tra của JICA năm 2022 thì vào năm 2020, số lao động Việt Nam có học lực từ trung học cơ sở trở xuống chiếm tới 61% toàn lực lượng lao động, trong đó lao động chưa qua bậc tiểu học chiếm tới 11,6%; lao động có trình độ trung học phổ thông chiếm 15,2% và lao động có kỹ năng chuyên môn chỉ chiếm 23,6%.

Còn theo Ngân hàng Thế giới, có độ vênh đáng kể giữa người tốt nghiệp với kỹ năng mà thị trường đòi hỏi. Nhà cung ứng lao động hay nguồn cung lao động nói chung thường chỉ có lao động không có kỹ năng hay kỹ năng không thích hợp.

Thực tế là khi mà việc cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng không được giải quyết thì các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã cam kết có thể sẽ bị trì hoãn việc triển khai hoặc bị giảm quy mô. Cần chấn chỉnh lại các trường trung cấp, cao đẳng với nội dung đáp ứng nhu cầu mới. Tùy lĩnh vực mà kỹ năng đặc biệt có thể khác nhau nhưng tối thiểu phải có kỹ năng cơ bản về tiếng Anh và công nghệ thông tin, sử dụng Internet, đây là đòi hỏi trong thời kỳ mới đối với lao động từ trung cấp trở lên.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) năm 2021, năng suất lao động của Việt Nam còn quá thấp so với thế giới, chỉ bằng khoảng 15% so với Mỹ và Nhật Bản, 35% so với Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chỉ có nâng cao chất lượng đào tạo để nâng cao năng suất lao động mới cải thiện được tính cạnh tranh của Việt Nam, thu hút thêm đầu tư mới, nhất là đầu tư có hàm lượng công nghệ cao.

Quay lại với năm buổi ra mắt cuốn sách nói trên, bên cạnh vấn đề đổi mới thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế và vấn đề sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, câu hỏi mà nhiều người tham dự đặt ra vẫn là về sức mạnh thực tế và tiềm năng của lực lượng lao động trẻ Việt Nam hiện nay.

3. Xin trích ghi nhận của phóng viên tạp chí Tia Sáng tại buổi ra mắt cuốn sách nói trên lần đầu tiên tại Hà Nội:

“Các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên đang ở độ tuổi 20-25 hiện nay, sẽ thực sự là những động lực chính quyết định xem đất nước có đạt được vị thế dân giàu, nước mạnh sau 20 năm nữa hay không”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh. “So với thời chúng tôi, các bạn trẻ ngày nay có khả năng tiếp cận thông tin tốt hơn, có thể học hỏi từ hàng triệu người thầy trên thế giới và chọn lọc được những cách tiếp cận mới mà thời chúng tôi không dễ biết được, thậm chí vì thế mà chúng tôi bị bỏ lỡ thời cơ”.

Tương tự, bà Vũ Kim Hạnh bày tỏ chúng ta có nhiều điểm để hy vọng. Bà chỉ ra sự tương phản trong một số ngành để minh chứng cho năng lực thay đổi của thế hệ kinh doanh mới. Chẳng hạn, ở ngành thời trang, trong khi các công ty may đang phải cắt giảm lao động… vì không thể theo kịp tiêu chuẩn xanh của thế giới để có được các đơn hàng, thì cũng ngay tại nơi này, các bạn trẻ Gen Z đang tạo ra các thương hiệu thời trang riêng (local brand) và làm ra sản phẩm để chinh phục một thế hệ người tiêu dùng mới”.

Cũng hôm đó, tôi có nhấn mạnh một thực tế rất đáng mừng hiện nay là sự xuất hiện của lực lượng doanh nông trẻ, làm ăn theo mô hình khai thác tài nguyên bản địa với công nghệ mới trên lĩnh vực nông nghiệp. Lực lượng doanh nông, những doanh nhân trẻ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hay doanh nhân làm ăn trong lĩnh vực nông nghiệp, có khả năng kinh doanh linh động và nắm bắt các cơ hội thị trường, thay vì dừng lại là các nông dân vốn chỉ quen với khâu sản xuất trồng trọt còn việc tiêu thụ thì mặc cho thương lái như trước kia.

Gần 100 doanh nông hiện đang phát huy thế mạnh với bốn đặc điểm đang dần hình thành rõ rệt: ham học hỏi, thích chia sẻ, sáng tạo không ngừng và không sợ thất bại. Đội ngũ này có học vấn, được rèn luyện thường xuyên từ các chuyên gia của chương trình Khởi nghiệp xanh của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp của BSA, đang miệt mài nghiên cứu thị trường và đưa ra sản phẩm mới, và ngày càng vững vàng trên con đường kinh doanh, hình thành một đội ngũ mới có liên kết chặt chẽ với nhau, nâng đỡ chia sẻ nhau về nhiều mặt (kiến thức, kinh nghiệm, cơ hội thị trường…), tiên phong góp sức cho việc phát triển nông nghiệp và kinh doanh nông sản Việt Nam theo hướng bền vững.

Khi tôi viết những dòng kết thúc bài này thì buổi họp mặt tất niên của ký túc xá Cỏ May, công trình tâm huyết của doanh nhân tử tế Phạm Văn Bên để lại, đã diễn ra thật cảm động. Tám năm, đã đủ thời gian để những sinh viên được chăm dạy từ năm thứ nhất đại học tại ký túc xá này gặt hái thành quả tốt đẹp.

Nhiều người tâm phục tấm lòng người thầy không bục giảng Phạm Văn Bên và gia đình ông cùng cậu con trai nay cũng là doanh nhân được nhiều người biết tiếng là Phạm Minh Thiện nhưng ít ai biết rằng, khi nghe những lời cám ơn, ngưỡng mộ đó, anh Phạm Minh Thiện rưng rưng nói với tôi: chính việc thực hiện trách nhiệm đến cùng với ký túc xá Cỏ May đã dạy dỗ tôi trưởng thành hơn, sống tốt hơn, thậm chí giúp tôi không ngã gục trước rất nhiều khó khăn.

Kim Hạnh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/leo-len-tu-vung-trung/