Lệnh trừng phạt phi lý

Nga và Liên hiệp châu Âu (EU) đã phản ứng mạnh mẽ trước việc Tổng thống Mỹ D.Trump ký phê chuẩn lệnh trừng phạt các công ty tham gia dự án Dòng chảy phương bắc 2, theo đó sẽ đóng băng tài sản và thu hồi thị thực Mỹ của các công ty, các cá nhân liên quan.

Bình luận quốc tế

Nga, Ðức và nhiều nước EU kiên quyết phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ, nêu rõ các nước châu Âu phải được tự quyết chính sách năng lượng của mình và chỉ trích Mỹ can thiệp công việc nội bộ của Nga và EU.

Tổng thống Mỹ D.Trump ngày 21-12 vừa qua đã ký dự luật bao gồm các lệnh trừng phạt pháp lý được áp đặt với các công ty đặt đường ống cho dự án Dòng chảy phương bắc 2. Trước đó, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt nêu trên nhằm ngăn chặn việc tiếp tục lắp đặt đường ống dẫn khí Dòng chảy phương bắc 2 dưới biển Baltic, vận chuyển khí đốt từ Nga tới Ðức (nền kinh tế lớn nhất châu Âu). Dự án này trị giá 10,6 tỷ USD và dự kiến tăng gấp hai lần lượng khí tự nhiên từ Nga tới Ðức. Các nghị sĩ Mỹ cho rằng Dòng chảy phương bắc 2 sẽ giúp chính quyền của Tổng thống Nga V.Putin không chỉ thu được hàng tỷ USD, mà còn khiến các nước ở khu vực này phụ thuộc nhiều hơn vào Moscow, từ đó gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị của Nga tại châu Âu.

Phản ứng trước động thái của Mỹ, người phát ngôn Ðiện Kremlin D.Peskov chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương bắc 2 là vi phạm luật pháp quốc tế và cho thấy sự cạnh tranh không công bằng. Ông Peskov khẳng định, Nga có thể hoàn tất thi công đường ống dẫn khí đốt này bất chấp các lệnh trừng phạt.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty tham gia dự án sẽ cản trở các quốc gia khác phát triển nền kinh tế của mình và làm tổn hại tới môi trường cạnh tranh toàn cầu. Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.Lavrov nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ khiến các nước châu Âu rơi vào thế khó, đồng thời khẳng định lại cam kết của Moscow đối với những dự án này. Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng cho biết, nước này đã lên kế hoạch đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Ông Lavrov khẳng định, các dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương bắc 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ được khởi công bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuyên bố nêu trên được đánh giá là nhằm thể hiện lập trường cứng rắn của Nga trong việc hoàn tất các dự án đường ống dẫn khí đốt với châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Nga đã ấn định thời điểm tổ chức lễ khởi công dự án đường ống dẫn khí đốt mang tên Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8-1-2020.

Chủ tịch Ủy ban Ðối ngoại Thượng viện Nga K.Kosachev cũng khẳng định, Nga sẽ tiếp tục hoàn tất việc xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương bắc 2 tới châu Âu, sau khi việc đặt đường ống bị hoãn do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông Kosachev đưa ra tuyên bố sau khi Công ty Allseas liên doanh Thụy Sĩ - Hà Lan cho biết, công ty này đã đình chỉ hoạt động đặt ống để tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Ðức và EU cũng phản đối mạnh mẽ lệnh trừng phạt phi lý nêu trên của Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington không can thiệp vào các vấn đề thương mại của châu Âu. Người phát ngôn của Thủ tướng Ðức A.Merkel nêu rõ, chính phủ nước này phản đối những biện pháp trừng phạt theo kiểu "ngoài lãnh thổ" mà Mỹ mới phê chuẩn. Berlin cho rằng những biện pháp này nhằm vào các công ty Ðức và châu Âu và là sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của khu vực này.

Người phát ngôn EU cho biết về nguyên tắc, EU phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty của khối này đang làm ăn kinh doanh hợp pháp. Ủy ban châu Âu (EC) hiện đang phân tích những tác động có thể từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Mục tiêu của EC là bảo đảm dự án Dòng chảy phương bắc 2 vận hành minh bạch, không phân biệt, với mức độ giám sát hợp lý.

Chính phủ Ðức đã chỉ trích việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt các nhà thầu làm việc tại đường ống Dòng chảy phương bắc 2. Người đứng đầu Phòng Thương mại Ðức - Nga (AHK) M.Schepp cho biết, đường ống này rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của châu Âu nói chung, đồng thời kêu gọi các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với Mỹ. Trong tuyên bố trên trang Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Ðức H.Mass nhấn mạnh rằng: "Chính sách năng lượng của châu Âu sẽ được quyết định tại châu Âu chứ không phải tại Mỹ. Chúng tôi bác bỏ sự can dự từ bên ngoài và các lệnh trừng phạt có ảnh hưởng ngoài phạm vi lãnh thổ".

THÀNH TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/42715902-lenh-trung-phat-phi-ly.html