Lệnh cấm du khách leo núi của Bali gây tranh cãi

Lệnh cấm sẽ áp dụng cho cả khách du lịch trong và ngoài nước cũng như người dân bản địa tại Bali. Điều này khiến các hướng dẫn viên leo núi hoang mang vì bị giảm thu nhập.

Các hành vi thiếu tôn trọng văn hóa Bali tăng lên trong thời gian gần đây. Ảnh: The Bali Sun.

Mới đây, Thống đốc Wayan Koster đã công bố lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức với các hoạt động du lịch trên những ngọn núi của Bali.

Đây được cho là động thái mạnh tay của chính quyền địa phương nhằm bảo tồn các địa điểm linh thiêng sau hàng loạt sự cố liên quan đến du khách, CNN đưa tin.

“Những ngọn núi này rất được tôn kính. Nếu sự tôn nghiêm bị tổn hại, điều đó cũng đồng nghĩa với tính thiêng liêng của Bali sẽ suy giảm”, Koster nói trong một cuộc họp báo ngày 31/5.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh leo núi, đi bộ đường dài cũng không được cho phép với cả khách du lịch trong và ngoài nước cũng như người dân bản địa.

“Quy định này có hiệu lực vĩnh viễn, chỉ ngoại trừ các nghi lễ tôn giáo hoặc xử lý thiên tai”, Koster nói thêm.

Nỗ lực lấy lại hình ảnh

Thông đốc Bali đã đề xuất ý tưởng này vào tháng 2/2023. Các hình phạt cụ thể đối với những người vi phạm vẫn chưa được công bố, nhưng không ít du khách quốc tế đã bị trục xuất và cấm quay lại Indonesia trong vòng 6 tháng.

Được mệnh danh là “hòn đảo của các vị thần”, Bali trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới, thường xuyên xếp hạng cao tại các khảo sát toàn cầu.

Tuy nhiên, sự nổi tiếng này đang phải trả giá đắt. Từ khi mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, Bali liên tục ghi nhận những hành vi không đúng mực, cư xử tệ của khách ngoại quốc. Điều này đã khiến người dân địa phương nổi giận.

Vào tháng 3, Wayan Koster thông báo bắt giữ một nhóm du mục kỹ thuật số bị phát hiện làm hướng dẫn viên và thợ làm tóc bất hợp pháp trên đảo. Sau sự gia tăng của các vụ tai nạn do KOL thực hiện cố tình câu view, người nước ngoài đã bị cấm thuê xe máy để di duyển.

Các quy tắc mới sẽ áp dụng cho 22 ngọn núi của “hòn đảo thiên đường”. Năm 2022, giới chức Bali đã vào cuộc khi nam diễn viên người Canada Jeffrey Craigen quay phim ảnh khỏa thân biểu diễn vũ điệu haka tại núi Batur của Bali.

Đầu tháng 4/2023, các quan chức nhập cư thông báo trục xuất một người đàn ông đăng bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy anh chỉ mặc chiếc quần dài đến mắt cá chân trên đỉnh núi Agung - địa điểm linh thiêng của người theo đạo Hindu.

Mặc dù đã đưa ra lời xin lỗi công khai và tham gia “nghi lễ dâng lên các vị thần”, nam du khách vẫn bị đuổi khỏi Bali, cũng như cấm nhập cảnh vào xứ sở vạn đảo ít nhất 6 tháng.

Du khách sẽ không được tiếp cận các ngọn núi ở Bali. Ảnh: Travel Weekly.

Phần lớn khách du lịch đổ xô đến Bali để tận hưởng những bãi biển, rừng rậm và cánh đồng lúa.

Các chuyến tham quan bằng xe jeep, đi bộ đường dài, ngắm bình minh quanh sườn núi lửa đã trở thành hoạt động phổ biến, mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương

Mặc dù động thái quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc dập tắt các hành vi khiếm nhã được khen ngợi, lệnh cấm mới nhất đã khiến không ít người dân tức giận. Đặc biệt là những lao động làm nghề lái xe, hướng dẫn viên, chủ nhà trọ và một số dịch vụ khác gần các ngọn núi nổi tiếng.

Cắt đường kiếm sống của người dân

“Chúng tôi hiểu rằng chính quyền đang truy lùng những người cư xử thiếu chừng mực. Mọi người rất ủng hộ điều đó. Nhưng Wayan Koster cũng phải chú ý đến nhóm lao động đang làm việc trong ngành du lịch. Quy tắc nghiêm ngặt sẽ chỉ khiến khách sợ hãi, điều đó thật tồi tệ”, Che, một hướng dẫn viên tại Seminyak, chuyên cung cấp các tour leo núi, cho biết.

Theo Che, Bali chỉ mới bắt đầu phục hồi sau đại dịch, bây giờ không phải là thời điểm tốt để lựa chọn khách theo ý muốn. Thay vào đó, anh đề xuất cảnh sát có thể tăng cường tuần tra và phạt tiền người vi phạm.

Bali Jungle Treks, nhóm tổ chức các chuyến đi đến núi Batur, Agung, cho hay hoạt động kinh doanh vẫn chưa bị ảnh hưởng quá nhiều.

“Nhiều người đến Bali để ngắm những ngọn núi của chúng tôi. Chính quyền không nên cấm khách du lịch”, một nhân viên chia sẻ.

Quy định mới có nguy cơ đẩy người dân địa phương đến con đường thất nghiệp. Ảnh: The Bali Sun.

Phát biểu tại một hội nghị, người đứng đầu ngành du lịch Bali Tjokorda Bagus Pemayun nói rằng các hướng dẫn viên leo núi địa phương sẽ được coi là “nhân viên hợp đồng” nếu lệnh cấm được ban hành chính thức.

Sandiaga Uno, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Sandiaga Uno, đang kêu gọi tất cả các bên liên quan, bao gồm hãng hàng không, bộ phận nhập cư, có trách nhiệm truyền tải thông tin về quy tắc đến du khách và buộc họ tôn trọng phong tục địa phương.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng tung ra một chatbot AI để giúp mọi người báo cáo khách du lịch thô lỗ.

Theo thống kê của Sở Di trú Bali, 123 người nước ngoài đã bị trục xuất khỏi hòn đảo này trong 5 tháng đầu năm nay.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/lenh-cam-du-khach-leo-nui-cua-bali-gay-tranh-cai-post1440218.html