Lệnh cấm đầu tư công nghệ cao của Mỹ sẽ gây tác động như thế nào với Trung Quốc?

Các chuyên gia cho rằng Mỹ đang tự hủy hoại tăng trưởng kinh tế công nghệ cao của chính quốc gia này, khi cấm các công ty đầu tư vào năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc.

Công nhân sản xuất chip bán dẫn tại một nhà máy ở thị trấn Tú Thiên, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Công nhân sản xuất chip bán dẫn tại một nhà máy ở thị trấn Tú Thiên, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Theo đài Sputnik (Nga), vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp hạn chế các công ty trong nước đầu tư vào công nghệ của Trung Quốc - bao gồm cả lĩnh vực AI, chất bán dẫn và điện toán lượng tử.

Chính quyền ông Biden cho biết động thái này nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao trong các lĩnh vực giám sát, tình báo và quân sự. Trong sắc lệnh hành pháp mới nhất, ông Biden cũng bày tỏ lo ngại một số khoản đầu tư của Mỹ có thể đẩy nhanh quá trình phát triển các sản phẩm mà Bắc Kinh có thể sử dụng để chống lại Washington.

Tuy nhiên, Đại tá Quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, cựu Phó chủ tịch của Trung tâm Á - Âu, nhà tư vấn quốc tế Earl Rasmussen, mô tả chính sách mới của Mỹ là chính là đòn “tự sát sự tăng trưởng kinh tế”.

“Mặc dù lệnh cấm này nhằm hạn chế tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng chúng có thể tác động lớn hơn đến các nền kinh tế Mỹ và châu Âu. Giới chuyên gia ước tính 70.000 công ty Mỹ có thể gặp ảnh hưởng bất lợi bởi lệnh cấm này”, ông Rasmussen nói.

Ông Rasmussen cho biết thêm do lệnh cấm chip trước đó của ông Biden, các công ty Mỹ dự kiến sẽ thiệt hại tới 80 tỷ USD.

“Đã có nhiều cuộc thảo luận ở Mỹ và châu Âu về việc tách rời Trung Quốc. Điều này có thể có tác động bất lợi hơn nhiều đối với Mỹ và châu Âu so với Trung Quốc”, ông Rasmussen nhận định. “Châu Âu đã phải gánh chịu hậu quả từ việc đi theo Mỹ trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, nếu kết hợp điều này với việc tách rời Trung Quốc, chúng ta sẽ chứng kiến vòng xoáy chết chóc về kinh tế thậm chí còn lớn hơn”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ông Ivan Eland, Giám đốc Trung tâm hòa bình và tự do thuộc Viện Độc lập có trụ sở tại Mỹ, tin rằng dù lệnh cấm của Wahington có thể cản trở phần nào năng lực của Bắc Kinh, song những hạn chế đó cũng sẽ hạn chế luồng thông tin tự do và có thể làm chậm sự đổi mới của Mỹ. Chưa kể, Trung Quốc có khả năng đáp trả.

“Trung Quốc có khả năng sẽ đáp trả. Điều này có thể khiến 'vết thương' do Mỹ tự gây ra càng nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn, cấm khoáng sản đất hiếm. Trung Quốc cũng có thể phản ứng bằng cách thực hiện các thỏa thuận kinh tế và đầu tư thương mại khác nếu có thể, một lần nữa gây tổn hại cho các công ty Mỹ”, ông Eland nói.

Ông Barry Friedman, Trợ lý giáo sư kinh tế đã nghỉ hưu của Đại học Brown, cảnh báo các công ty Mỹ sẽ không nhận được lợi ích từ hoạt động sản xuất của Trung Quốc và phát triển các linh kiện tiết kiệm chi phí để bán hoặc sử dụng trong nước hay các nước thứ ba.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Theo ông Rasmussen, lệnh hành pháp mới nhất của Tổng thống Mỹ nhằm mục đích hạn chế tăng trưởng của Trung Quốc nhiều hơn là liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ. Song giới chuyên gia cho rằng lệnh cấm đó cũng có tác động ở mức tối thiểu. Báo cáo từ Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi có trụ sở tại Mỹ chỉ ra rằng các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư chi phối các công ty AI của Trung Quốc.

“Từ năm 2015 đến năm 2021, ít nhất 71% giá trị giao dịch và 92% giao dịch đầu tư đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Do đó, giới quan sát nghi ngờ rằng những hạn chế mới sẽ có rất ít tác động nghiêm trọng và lâu dài”, ông giải thích.

Hơn nữa, ông Rasmussenm nói rằng bất chấp những hạn chế này, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất toàn cầu. Ông dự đoán thêm rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với các nước Nam bán cầu để hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế và mở rộng thị phần trên thị trường thế giới.

Chuyên gia Friedman cho hay Trung Quốc có nhiều biện pháp có thể phá vỡ các lệnh cấm của Mỹ.

“Trung Quốc có nhiều cách mua công nghệ tiên tiến được tích hợp trong các sản phẩm công nghiệp và được giao dịch trên các thị trường bí mật. Ví dụ, báo cáo về các dụng cụ gia công chính xác của Haas và các chất bán dẫn đã được mua thông qua các giao dịch bí mật trên thị trường quốc tế, bất chấp các lệnh trừng phạt đối với việc bán hàng trực tiếp cho Nga”, ông Friedman nói.

Ông Alan Tonelson, nhà phân tích an ninh, hoài nghi về việc các biện pháp mới sẽ có nhiều tác động đến khả năng quân sự của Trung Quốc. Ông nói: “Thật không may, các hạn chế mới của Mỹ vẫn còn quá hẹp để làm chậm đáng kể sự phát triển công nghệ liên quan đến quân sự của Trung Quốc theo thời gian”.

Ông Tonelson cũng cho biết Trung Quốc có thể đáp trả. Về nguyên tắc, Bắc Kinh có thể đưa ra các biện pháp đáp trả trong các lĩnh vực như đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác. Tuy nhiên, Mỹ cũng có đòn bẩy trong bối cảnh Trung Quốc đang phải vật lộn để tạo ra tăng trưởng và việc làm tương xứng.

Ông Martin Hutchinson - cựu Giám đốc Ngân hàng Thương mại London, nhà phân tích và chuyên mục tài chính Mỹ - nhận định chính sách mới sẽ không tạo ra bất kỳ hiệu quả đáng kể nào. Ông Hutchinson lập luận rằng cách trả đũa hiệu quả nhất của Trung Quốc đối với động thái của Tổng thống Biden là cắt nguồn cung đất hiếm, nhưng điều đó có thể gây tác dụng ngược bởi có những nguồn cung đất hiếm khác chưa được khai thác bên ngoài Trung Quốc.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lenh-cam-dau-tu-cong-nghe-cao-cua-my-se-gay-tac-dong-nhu-the-nao-voi-trung-quoc-20230815111448067.htm