Lên phố cổ đón Tết sớm

Hòa mình vào không khí nhộn nhịp mua bán ở: chợ Đồng Xuân, nếm thử các loại mứt Tết ở Cửa hàng ô mai gia truyền 5 đời trên phố Hàng Đường, ngắm nhìn các vật phẩm trang trí hình Rồng trên phố Hàng Mã và trải nghiệm Gói bánh chưng ở không gian Tết Việt tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây. Trong một buổi sáng đi dạo ở phố cổ, là bạn đã thấy Tết đến rất gần.

Thấy Tết trên từng góc phố

Chỉ còn 5 ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Dạo quanh các phố phường của Hà Nội đâu đâu cũng ngập tràn sắc hoa, các mặt hang bày bán phục vụ dịp Tết, và người dân Hà Nội cũng đã bắt đầu mua sắm dần để đón một năm mới an khang.

Tại Chợ Đồng Xuân, những gian hàng bày bán mứt Tết, các loại đồ khô từ cổ truyền cho đến đặc sản địa phương được bày bán ngon, lạ, đẹp mắt nhất để phục vụ người dân Hà Thành.

Các gian hàng bày bán mứt Tết, các loại đồ khô từ cổ truyền cho đến đặc sản địa phương

Dù có những khu siêu thị hiện đại hơn, nhưng đối với nhiều người sống và làm việc ở Hà Nội, vẫn luôn lựa chọn đi chợ truyền thống để tận hưởng cảm giác Tết Hà Nội xưa - Một chợ Đồng Xuân sầm uất của Hà Nội một thời - dù nay kinh tế đã khó khăn hơn.

Khu phố Hàng Mã bắt đầu nhộn nhịp không khí mua sắm, các sản phẩm truyền thống như: câu đối đỏ, đèn lồng, lì xì, dây treo tường, mô hình bánh chưng được ưa chuộng. Đa số những mặt hàng này gắn với biểu tượng linh vật Rồng của năm 2024. Đối với chị Chị Ngọc Linh cùng bạn bè lên phố Hàng Mã để chụp ảnh, sắm đồ Tết sớm để tận hưởng không khí Tết tại thiên đường mua sắm mỗi dịp xuân về.

Các mặt hàng phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 tại khu phố Hàng Mã

Ở chợ hoa Hàng Lược ngày nay, xen lẫn vẻ hiện đại là nét hoài cổ mà hiếm nơi nào có được. Không ít các thế hệ người Hà Nội đã tìm thấy một phần ký ức của mình khi dạo chơi ở chợ hoa. Tấp nập là thế, đông vui là thế. Nhiều người dù đã đi nhiều chợ hoa quanh Hà Nội đều phải tìm về Hàng Lược để mua được cành đào như ý.

Trải nghiệm gói bánh chưng trong không gian Tết Việt

Tết Nguyên đán từ xa xưa đã trở thành một lễ hội quan trọng, thể hiện tất cả văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán và ẩm thực của người Việt. Gói bánh chưng là hoạt động không thể thiếu trong những ngày giáp Tết.

Với mục đích bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp thìn, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức hoạt động gói, luộc bánh chưng đón Tết cổ truyền như cách của Hà Nội xưa.

Hào hứng, mới lạ, thích thú. Đây là những cảm xúc của bạn Trúc Đông ở thành phố Hồ Chí Minh khi lần đầu tiên trực tiếp chứng kiến tận mắt, tham gia trải nghiệm gói bánh chưng vô cùng ý nghĩa tại không gian đậm nét xưa cũ hoài cổ tại ngôi nhà di sản ở Mã Mây, thành phố Hà Nội.

Đây là hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa với chủ đề Tết Việt - Tết Phố 2024 được Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với nhóm Đình làng Việt tái hiện nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024.

Bạn Trúc Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Đây là hoạt động rất thú vị. Từ trước tới giờ tôi ở thành phố Hồ Chí Minh nên chưa được trải nghiệm Tết không gian văn hóa ở Bắc bộ như thế nào. Hôm nay tôi thật sự rất hào hứng khi mà được chứng kiến cảnh gói bánh chưng bánh tét ở đình làng. Hơn hết là tôi được nghe, sống lại làn điệu dân ca, chèo, quan họ. Vì là lần đầu tiên nên tôi còn bỡ ngỡ một chút xíu. Vượt qua hết sự bỡ ngỡ đó thì tôi hào hứng vì trước đó chưa từng tham gia hoạt động nào như thế này. Tất cả những nét văn hóa này nó rất mới mẻ đối với tôi".

Bạn Trúc Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh tại hoạt động gói, luộc bánh chưng đón Tết cổ truyền như cách của Hà Nội xưa

Chương trình gồm nhiều hoạt động diễn ra tại các di tích, nhằm tái hiện nhiều nét văn hóa truyền thống của người dân phố cổ Hà Nội. Tại ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây, khách tham quan sẽ thấy hình ảnh người Hà Nội xưa đón Tết thông qua sự sắp đặt trong không gian ngôi nhà và hoạt động gói bánh chưng.

Bạn Đỗ Linh Giang, Gia Lâm chia sẻ: "Bất chợt mình tìm thấy chương trình Tết Việt 2024, cảm giác btc đã có sự chuẩn bị tỉ mỉ về chương trình giúp cho mỗi người dân Việt Nam hướng về nguồn cội, gìn giữ và phát huy được những giá trị tốt đẹp trong bản sắc dân tộc Việt Nam chúng ta có mỗi dịp Tết đến xuân về. Mình nghĩ rằng hoạt động này không chỉ tạo nên sự thú vị, ý nghĩa đối với mỗi người dân Việt Nam mà những người trẻ như mình sẽ có trải nghiệm nhất định về tập tục xưa của ông cha ta để cùng với đó giữ gìn nét đẹp trong văn hóa".

Các hoạt động chương trình Tết Việt - Tết Phố 2024 đã đem không khí vui tươi, phấn khởi, đậm đà sắc màu văn hóa Việt, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa của Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Hoạt động chuẩn bị gói, luộc bánh chưng đón Tết cổ truyền như cách của Hà Nội xưa

Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt chia sẻ: "Chúng tôi đã thực hiện nghi lễ rước từ ngày 28/1. Hôm nay là buổi thứ 2 chúng tôi tổ chức gồm có gói bánh chưng, luộc bánh sau đó trải nghiệm các thành viên mặc trang phục truyền thống trải nghiệm đi chợ Tết Hà Nội. Đặc biệt thành viên trong đoàn có những người từ tỉnh Nam Bộ, phía Nam ra dự. Đặc biệt tối nay tôi có buổi giao lưu gọi là đêm xuân sum họp. Chúng tôi bàn về cùng trao đổi về Tết truyền thống bắc bộ, nam bộ, người xa xứ. Đặc biệt dành lượng thời gian khá lớn để các bạn trẻ nói về Tết, bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Chúng tôi mong muốn dịp Tết quảng bá tinh hoa của cha ông, đặc biệt di sản Hà Nội, Việt Nam. Mong muốn các bạn trẻ sẽ tham gia nhiều hơn vào việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Mong muốn của BTC, CLB đình làng Việt cũng như ban quản lý là Hà Nội dịp Tết này sẽ là nơi hội tụ các nguồn văn hóa của các địa phương, của Hà Nội. Làm sao để lan tỏa giá trị văn hóa tới cộng đồng cũng như tới các bạn trẻ".

Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt

Qua thời gian, không ít phong tục ngày Tết phần nào đã mai một nhưng gói bánh chưng luôn là nét văn hóa truyền thống được người dân duy trì đều đặn, không thể thiếu trong ngày giáp Tết.

Tìm lại hương vị Tết xưa tại cửa hàng ô mai gia truyền

Ngày tết ngoài bánh chưng, thì theo nếp nhà xưa, tết đến, trong mỗi gia đình, cũng không thể thiếu, những hộp mứt, khay mứt Tết, để mời khách đến chơi nhà.

Ở phố cổ, có một nơi sẽ giúp chúng ta thấy được hương vị Tết cổ truyền đó. Nhất là trong những ngày giáp Tết này. Tôi muốn nói đến phố Hàng Đường, nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm. Cửa hàng bánh mứt kẹo, ô mai gia truyền của gia đình chị Phương Dung đã có tuổi đời hơn 70 năm. Tháng Chạp, thời điểm giáp Tết được coi là thời điểm bận rộn nhất của gia đình để phục vụ nhu cầu mua sắm bánh mứt Tết của người dân thủ đô và các vùng lân cận.

Một số loại mứt Tết tại cửa hàng bánh mứt kẹo, ô mai gia truyền

Chị Phương Dung - Cửa hàng bánh mứt kẹo Quế Hương - phố Hàng Đường - quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Thời nay mứt Tết phong phú, đa dạng hơn, như mứt vỏ bưởi, mứt mơ, mứt mận nhưng từ bao đời nay vẫn không thể thiếu những mứt Tết cổ truyền xưa. Bên cạnh mứt Tết truyền thống, chúng tôi cũng làm những mứt mới như mứt mơ, mứt mận ăn rất ngon".

Ông Nguyễn Văn Hải - Cửa hàng bánh mứt kẹo Quế Hương - phố Hàng Đường - quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Thời ngày xưa các cụ hương vị mứt chỉ có 3 loại: mứt bí, mứt cà chua, mứt cà rốt. Sau giải phóng, có những hộp mứt Tết đủ màu sắc, trẻ con háo hức mổ hộp mứt Tết để thưởng thức ngày xuân, được ông bà, bố mẹ lì xì cho quà Tết. Ngày xưa mình làm theo công thức thì mứt đậm đà lắm, nhưng bây giờ mình làm nhạt hơn, vị thanh hơn".

Ngày xuân không thể thiếu khay mứt Tết bên chén trà. Vì vậy mà đã thành thói quen, cứ vào những ngày gần Tết thì người dân lại mua mứt Tết để dâng lên ông bà tổ tiên bày tỏ lòng thành kính và cũng là một thức quà dân dã để mời khách khi đến chơi nhà.

Khay mứt Tết - nét truyền thống của Tết Việt

Chị Lê Thị Hồng Vân - quận Long Biên cho biết: "Mỗi khi mình thưởng thức hương vị mứt thì cảm giác tuổi thơ ùa về, vị truyền thống không thể thay đổi được. Mặc dù có nhiều loại bánh kẹo nhưng mứt Tết vẫn truyền thống, gợi nhớ về tuổi thơ".

Không chỉ hấp dẫn thực khách bởi những loại mứt Tết truyền thống, phố Hàng Đường còn là cái nôi của hơn 60-70 loại ô mai khác nhau. Mỗi cửa hàng lại có một cách nêm nếm hương vị khác nhau mà không hàng nào giống hàng nào, tạo nên những hương vị phong phú cho ô mai nơi này. Ô mai Hàng Đường được làm từ nhiều loại trái cây như mơ, chanh, sấu, mận, gừng và có nhiều màu sắc khác nhau, rất bắt mắt. Có lẽ vì thế mà cứ vào dịp Tết, phố Hàng Đường lại tấp nập khách hàng tới mua và chọn ô mai, mứt Tết.

Cô Trần Thị Vinh - phố Hàng Lược - quận Hoàn Kiếm cho biết: "Cứ vào dịp Tết, tôi thường mua ô mai tại các cửa hàng ô mai, bánh mứt kẹo truyền thống. Các chủ cửa hàng đều tiến bộ, cải tiến kỹ thuật, đưa sản phẩm ô mai đến khách hàng trong nước và quốc tế".

Không chỉ người Hà Nội thích ô mai Hàng Đường mà khách du lịch trong và ngoài nước cũng thường đến đây để thưởng thức ô mai hoặc mua về làm quà. Thậm chí, ô mai Hàng Đường còn xuất khẩu sang một số nước khác. Nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống của các gia đình làm bánh mứt kẹo nơi đây đã khiến ô mai, bánh mứt kẹo Hàng Đường càng nức tiếng, xa gần, trở thành thức quà không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/len-pho-co-don-tet-som-218148.htm