Lên non cao xem thác

Qua mùa nước đổ, khi những thửa ruộng thang non cao Hoàng Su Phì no nước, cũng là lúc những con thác vô danh phô diễn vẻ đẹp hoang sơ nơi núi rừng. Chấp nhận một chuyến hành xác lên miền cao ấy, sẽ là cơ hội vàng để có được những phút giây tận hưởng vẻ đẹp thác rừng chốn thiên nhiên hoang sơ.

Mỗi năm, cứ vào dịp tháng 8, tháng 9, khi mưa rừng dội về từng ngày trên huyện miền núi Hoàng Su Phì - Hà Giang, ở góc độ giao thông, đây là mùa không hề an toàn bởi những cung đường núi có thể sạt lở bất kỳ lúc nào. Hành trình từ miền xuôi, lên đến địa phận Hà Giang, từ ngã ba Tân Quang, rẽ hướng Hoàng Su Phì, không khó để nhận ra nơi đường núi quanh co với vô vàn khúc quanh khó chịu ấy, là các điểm sạt lở sau mỗi cơn mưa rừng.

Độ sạt lở ở huyện miền núi này, nhẹ thì vài cục đá đôi ba người ôm chình ình giữa đường, nặng hơn thì cả vạt núi đổ ụp, bít luôn hướng giao thông. Xông pha lên Hoàng Su Phì mùa mưa rừng, là chuyến đi không dành cho người lang thang ngoạn cảnh, thảnh thơi như cung Đồng Văn - Mèo Vạc.

Mùa thác

Muốn một chuyến đi săn thác đúng nghĩa ở vùng núi cao như Hoàng Su Phì, phải chọn mùa. Chuyện đẹp - xấu của dòng thác sẽ dựa theo lượng nước, khi vào mùa khô, dòng chảy các con thác mảnh như sợi chỉ bạc, lơ thơ giữa rừng, nhưng vào mùa nước lớn, lại thấy ở đó ầm ào, dữ dội, thét gào đầy uy lực.

Thác nước hoang sơ ở Tả Sử Choóng, Hoàng Su Phì.

Thác nước hoang sơ ở Tả Sử Choóng, Hoàng Su Phì.

Sau mùa nước đổ - nước từ nguồn được đồng bào dẫn vào các thửa ruộng thang - lượng nước thừa không được dùng tới, và thế là dòng nước đầu nguồn theo các con thác chảy xuống đồng bằng. Dòng chảy của thác khi ấy trở nên dồi dào, mang lại vẻ đẹp ngoạn mục.

Nếu đi theo tuyến ngã ba Tân Quang đến thị trấn Vinh Quang, cung đường dài độ 60km, nhưng cứ qua vài khúc quanh, vài dãy núi, lại gặp thác. Thác ở đây cứ thoắt ẩn thoắt hiện, đổ xuống từ vách núi khi dựng đứng, khi thoai thoải, tung nước trắng xóa, và trở thành điểm dừng lý tưởng cho những người chưa quen di chuyển trên đèo núi hiểm trở.

Cảnh đẹp nơi thượng nguồn sông Chảy phía Tây Nam đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Cảnh đẹp nơi thượng nguồn sông Chảy phía Tây Nam đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Bỏ qua những hiểm nguy của sạt lở, được diện kiến từng con thác vô danh miền núi non này, mới thấy rõ sự hùng vĩ của dòng thác từ độ cao, lực nước, cùng vẻ đẹp hoang sơ như miền tiên cảnh chứ không phải nơi đời thường. Mùa thác đẹp nhất, cũng là lúc nước nguồn về nhiều nhất, đồng nghĩa với việc mưa rừng nặng hạt nhất, và hành trình nguy hiểm nhất…

Mùa chơi

Hoàng Su Phì nổi tiếng với những thửa ruộng thang mà nay đã trở thành di tích danh thắng cấp quốc gia, với những điểm đến nổi bật như Tả Sử Choóng, Hồ Thầu, Thông Nguyên, bản Phùng, bản Nhùng, bản Luốc, Nậm Ty, Sán Sả Hồ… làm đắm say người yêu lúa. Nhưng ít ai biết trên cung đường thăm lúa, sẽ là cơ hội diện kiến thác rừng.

Rong chơi thác ghềnh, thú vui của người miền xuôi trên non cao Tây Côn Lĩnh.

Rong chơi thác ghềnh, thú vui của người miền xuôi trên non cao Tây Côn Lĩnh.

Sau mùa nước đổ, lúa đã cấy, cá đã thả, đây là lúc nông nhàn nhất của người bản địa. Một đặc điểm riêng của ruộng thang Hoàng Su Phì là khi cấy xong lúa, người bản địa thường thả cá chép giống vào ruộng, để cá sinh trưởng cách tự nhiên. Khi mùa vàng về (tháng 9, tháng 10), trước khi gặt lúa, người dân tiến hành cắt nước - xẻ một rãnh nước ngang mặt ruộng thang, sâu hơn bình thường, và tháo nước đi để cá tụ hết vào rãnh, nông dân khi ấy chỉ việc xúc cá mang về. Con cá mập núc, béo ngậy, người Hoàng Su Phì gọi là cá chép ruộng, đem nướng cũng phê mà chiên giòn, thậm chí luộc, nấu canh… cũng đều gây nhức nhối vì phong vị thực sự khác lạ do phát triển hoàn toàn thuận theo tự nhiên, sạch và an toàn tuyệt đối, lại không qua chăm sóc bởi bàn tay con người.

Sau mùa nước đổ, dòng chảy của thác thật êm đềm, dễ dàng tiếp cận.

Sau mùa nước đổ, dòng chảy của thác thật êm đềm, dễ dàng tiếp cận.

Trở lại chuyện thác rừng, ruộng thang của Hoàng Su Phì có cách canh tác mang nhiều khác biệt so với ruộng thang Sa pa, hay ruộng thang Mù Căng Chải, Chế Cu Nha, Dế Su Phình… ấy là những thửa ruộng được tác tạo xen đan với các vạt rừng. Và ở các vạt rừng nơi sườn núi ấy, đúng chỗ hai quả núi giao nhau, tạo thành khe, kiểu gì cũng sinh ra một con thác đẹp.
Một điểm tập trung liên hoàn 4 - 5 dòng thác mang vẻ đẹp đa dạng, dễ tiếp cận là khu vực ruộng thang thuộc địa bàn xã Tả Sử Choóng, thuộc thượng nguồn sông Chảy. Thác ở đây có con dội thẳng đứng, cao trên trăm mét, con lại thoai thoải vài chục mét, con gập ghềnh liên hoàn 3 - 4 tầng nối tiếp nhau… từng dòng chảy khác nhau, tạo thành một quần thể phong cảnh đẹp đến ngoạn mục. Khách xuôi tha hồ thăm lúa, chơi thác, tận hưởng cảm giác được hòa mình cùng thiên nhiên hoang sơ, trầm mình vào dòng nước mát lạnh, trong veo; bao vất vả, gian nan của cung đường núi khi lên Hoàng Su Phì, như tan biến hết.

Mỗi dòng thác ở Hoàng Su Phì mang vẻ đẹp khác lạ, hầu hết chưa có tên.

Mỗi dòng thác ở Hoàng Su Phì mang vẻ đẹp khác lạ, hầu hết chưa có tên.

Cùng là một dòng chảy của suối đá, thác ghềnh, nhưng dòng nước được phân ra, chỗ mạnh mẽ, chỗ lại dịu êm, hiền hòa, nên ai cũng dễ tìm được không gian riêng bên thác để tận hưởng những giây phút sống chậm cho riêng mình.

Những ngày săn thác ở Hoàng Su Phì, còn là cơ hội khám phá nét đẹp văn hóa, ẩm thực, lễ hội giàu bản sắc của cộng đồng 12 dân tộc thiểu số nơi các bản làng của người Dao, Tày, Nùng, La Chí, Cờ Lao, Hoa Hán… để hành trang trở về, không chỉ là những trải nghiệm hấp dẫn của chuyến săn thác rừng, mà còn đậm sâu trong tâm trí những kỷ niệm đẹp cùng đồng bào miền cao.

Bài và ảnh: Thiên An

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/len-non-cao-xem-thac-36366.html