Lên 'cổng trời' ngắm rừng thông tự nhiên duy nhất ở Gia Lai

Nằm cheo leo trên đỉnh núi Kon Hơ Ung cao hơn 1.200m thuộc xã Hà Tam, huyện Đăk Pơ (Gia Lai) là rừng thông cổ thụ duy nhất còn sót lại ở Gia Lai. Rừng thông tự nhiên rộng hàng trăm ha này đang được bảo vệ nghiêm ngặt bởi chủ rừng - Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê.

Rừng thông tự nhiên Kon Hơ Ung nằm cách trung tâm TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) gần 100km. Đây là rừng thông tự nhiên duy nhất ở Gia Lai, chứa đựng nhiều giá trị về sinh thái và du lịch (ảnh Trần Hiền)

Để có thể chiêm ngưỡng hàng nghìn gốc thông cổ thụ này, du khách phải đi bộ gần 5km đường rừng, vượt qua những con dốc dựng đứng, trơn trượt (ảnh Trần Hiền)

Theo thông tin từ Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Đak Pơ, rừng thông Hà Tam là quần thể thông cổ thụ, có từ thời Pháp thuộc. Rừng có độ cao từ 1.000 m đến 1.200m so với mặt nước biển (ảnh Trần Hiền)

Những gốc thông cổ thụ này nằm lác đác dọc đường lên núi Kon Hơ Ung, càng lên cao thì xuất hiện càng nhiều, đặc biệt thông tập trung nhiều nhất trên đỉnh núi (ảnh Trần Hiền)

Có nhiều cây thông cổ thụ mọc chênh vênh bên vách núi nhưng vẫn vững chãi, cành lá xum xuê tạo thêm vẻ hoang sơ và kỳ bí (ảnh Trần Hiền)

Cây thông lớn nhất ở núi Kon Hơ Ung có đường kính gần 3m. Dưới nền đất là thảm cỏ xanh mướt cùng vô vàn cây mua nở tím cả khu rừng (ảnh Trần Hiền)

Đan xen những cây thông cổ thụ khoảng hơn 100 năm tuổi là những cây thông tái sinh có độ tuổi vài chục năm. Ngoài rừng thông hai lá tự nhiên, trên núi còn có 2 con suối gần đó là suối Cát và suối Lạnh, khu vực này tiếp giáp với làng kháng chiến Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai (ảnh Trần Hiền)

Nhiều năm trước, những gốc thông hàng trăm tuổi này bị các đối tượng khai thác trộm nhựa nên đã để lại những vết thương lớn, đến nay dù vết sẹo đã liền song vẫn ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây (ảnh Trần Hiền)

Nhận thấy rừng thông Hà Tam là nơi có thể đưa vào khai thác, quảng bá trở thành điểm du lịch sinh thái trên địa bàn, UBND huyện Đak Pơ đã thành lập đoàn công tác đi thị sát, nắm tình hình thực tế và chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác địa điểm này (ảnh Trần Hiền)

Chủ rừng cùng tổ giao khoán gìn giữ, bảo vệ rừng thông cổ thụ

Ông Lê Thái Hùng – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê cho biết: “Hiện đơn vị đang quản lý hơn 800 ha rừng trồng thông 3 lá, đây là những diện tích thông trồng từ các năm 1997 đến 2005. Ngoài ra đơn vị còn quản lý khoảng 200 ha rừng thông tự nhiên tập trung chủ yếu tại khoảnh 3, 4, 7 tiểu khu 600. Đây là quần thể thông cổ thụ có từ thời Pháp thuộc, nhiều cây đường kính lên tới 2 m. Khu rừng nằm ở độ cao từ 1.000 m đến 1.200 m so với mặt nước biển”.

“Để bảo vệ quần thể thông tự nhiên, chúng tôi thường xuyên có kế hoạch đi tuần tra, bảo vệ nhất là những vị trí tập trung nhiều quần thể thông tự nhiên tại tiểu khu 600. Đồng thời phân công cho cán bộ, viên chức bảo vệ rừng luôn túc trực 24/24 để sẵn sàng xử lý khi có tình huống vi phạm xảy ra. Ngoài ra, ban còn hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với 53 hộ dân địa phương trên địa bàn xã Hà Tam, qua đó cùng đơn vị bảo vệ rừng; tập trung xây dựng mạng lưới thông tin ở cơ sở để kịp thời nắm bắt và ngăn chặn các vụ việc vi phạm”.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/len-cong-troi-ngam-rung-thong-tu-nhien-duy-nhat-o-gia-lai-post284445.html