Lễ vật trong đám cưới của người Thái ở Yên Châu

Trong tục cưới hỏi của người Thái đen ở huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La), lễ vật dâng cúng tổ tiên họ nhà gái có ý nghĩa rất quan trọng được nhà trai chuẩn bị chu đáo với lòng tôn kính biết ơn sâu sắc, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống được đồng bào trân trọng gìn giữ.

Lễ cưới luôn được đồng bào người Thái tổ chức cẩn thận, coi đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Trong tập tục của người Thái có cưới lên (đoong khửn), khi đó chú rể là thành viên chính thức của nhà gái. Gia đình nhà trai mang lễ vật đến cúng gia tiên nhà gái, mời họ hàng nhà gái ăn một bữa cỗ. Sau cưới lên, chú rể phải trải qua một thời gian ở rể tùy vào sự thỏa thuận của hai gia đình. Đây là quãng thời gian thử thách nhưng cũng là quá trình để người chồng tập làm chủ gia đình, người vợ học trồng trọt, chăn nuôi, phụng dưỡng cha mẹ và nuôi dạy con cái. Hết thời gian ở rể, gia đình nhà gái sẽ tổ chức cưới xuống (đoong luông) để đưa cô dâu về nhà chồng. Có nhiều thủ tục phải tiến hành trong đó việc chuẩn bị đầy đủ mâm lễ cúng tổ tiên bên nhà vợ được được gia đình nhà chồng hết sức coi trọng.

Tham dự một đám cưới ở bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, gia đình chú rể chuẩn bị nhiều lễ vật để cúng tổ tiên họ nhà cô dâu. Trong mâm lễ đầu tiên phải kể đến thịt lợn. Người Thái đen dành nguyên thủ, vĩ với 4 cái chân giò sắp lên chiếc mâm bạc lót lá chuối tươi. Các bộ phận trên tượng trưng cho cả con lợn, ngoài ra còn có một bát nước luộc thịt, một bát tiết canh lợn. Một đôi gà luộc chín có đầy đủ các bộ phận đặt nằm ngửa trên mâm. Bên cạnh lợn, gà còn có cá. Người Thái đen sống ven những con suối, do vậy cá là sản vật không thể thiếu được. Cá được bắt dưới suối. Cá to làm sạch rửa qua rượu trắng, lọc thịt thái thành từng miếng nhỏ rồi trộn với thính gạo, muối. Thịt cá cho vào ống tre nén thật chặt dùng lá chuối nút lại. Chỉ chục hôm sau cá sẽ lên men có vị chua thanh. Những con cá nhỏ cũng được làm sạch sẽ sau đó cho vào những giỏ tết bằng sợi lạt giang có quai treo. Giỏ cá được gác lên trên bếp lửa cho đến khi khô vàng. Tất cả ống cá muối chua và giỏ cá khô đều được xâu lại thành từng cặp đặt lên mâm lễ.

Là người nắm được nhiều luật tục của đồng bào Thái đồng thời là thầy mo, ông Lò Văn Phớ bản Huổi Mong (xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu) giới thiệu: “Với mong muốn vợ chồng gắn bó hạnh phúc bền lâu, mâm lễ còn có trầu, cau, vỏ chay, vòng bạc trắng. Ngoài ra nhà trai còn chuẩn bị những túi nhỏ để hạt giống, từng giỏ lạt đựng gừng, trứng gà với hàm ý sau này vợ chồng biết bảo ban nhau trồng trọt, chăn nuôi bảo đảm cuộc sống gia đình. Tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình có thể đặt tiền mặt nhiều hay ít. Cô dâu, chú rể mỗi người chuẩn bị một bộ quần áo đặt cạnh mâm cúng tượng trưng cho sự hiện diện của hai người trước tổ tiên. Mâm lễ cúng trong đám cưới của người Thái đen ở Yên Châu không chỉ cầu mong cho vợ chồng sống gắn bó bền chặt bên nhau, mà còn bày tỏ sự biết ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã có công sinh thành, dưỡng dục, để rồi vun đắp, che chở cho con cái xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Bà Hà Thị Mai, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hặc cho biết: “Các luật tục tốt đẹp về cưới hỏi vẫn được đồng bào dân tộc Thái duy trì, trong đó lễ vật ngày cưới là nét văn hóa đặc trưng mang nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Hiện tại địa phương động viên đồng bào gìn giữ nét đẹp truyền thống, đồng thời coi trọng yếu tố văn minh trong cưới hỏi góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng dân cư”.

THƯ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/le-vat-trong-dam-cuoi-cua-nguoi-thai-o-yen-chau-646134