Lễ Tủ Cải - đặc sắc giá trị văn hóa của người Dao Quần chẹt tại tỉnh Điện Biên

Lễ Tủ Cải (Cấp sắc) của người Dao, ngành Dao Quần chẹt tại tỉnh Điện Biên là một nghi thức có vai trò và dấu mốc quan trọng trong lễ tục vòng đời mỗi người con trai trong cộng đồng địa phương.

Quá trình ra đời của lễ Tủ Cải

Con trai trong các gia đình đồng bào người Dao Quần chẹt ở xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đều phải trải qua lễ Tủ Cải thì mới được coi là người trưởng thành, được đặt tên để báo cáo tổ tiên, được thờ cúng tổ tiên… Qua lời cúng, lời hát, lời kể và các tích truyện được các thầy cúng thể hiện khi hành lễ, người thụ lễ và người dự lễ có dịp hiểu rõ hơn về lịch sử cội nguồn dân tộc, thêm tự hào về bản thân, về nguồn gốc của dân tộc mình.

Đây là một việc lớn trong đời người con trai, bởi theo người Dao, với nam giới nếu chưa trải qua lễ Tủ Cải thì vẫn chưa được công nhận là người trưởng thành, không được tham gia các công việc của cộng đồng, không được thờ cúng tổ tiên... Do đó các gia đình có con trai đều chuẩn bị rất chu đáo.

 Lễ Tủ Cải có vai trò và dấu mốc quan trọng đối với người Dao, ngành Dao Quần chẹt tại tỉnh Điện Biên.

Lễ Tủ Cải có vai trò và dấu mốc quan trọng đối với người Dao, ngành Dao Quần chẹt tại tỉnh Điện Biên.

Theo ông Phàn Quang Châu (bản Huổi Lóng, xã Huổi Só), một trong số 19 Nghệ nhân Ưu tú của tỉnh Điện Biên được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng ngày 8-3-2019, “Tủ” theo nghĩa Nôm Dao là “báo cáo”, còn “Cải” là “đặt tên”. Tủ Cải là báo cáo với tổ tiên về việc đặt tên cúng hay tên âm theo cách gọi của người Dao cho đứa trẻ, cũng có thể hiểu là việc thay đổi trở thành người trưởng thành.

Trong lễ Tủ Cải, người Dao thực hiện rất nhiều nghi lễ cúng, trong đó quan trọng nhất vẫn là các nghi thức chính: Cấp đèn, cấp binh mã, đặt tên, ngã đàn đánh dấu sự trưởng thành cho nam giới, hát và đọc truyện, thơ về lịch sử tộc người, về những điều răn dạy của tổ tiên với con cháu, về công đức của Bàn Vương với người Dao.

Chuẩn bị cho lễ Tủ Cải

Tháng 10 âm lịch là thời điểm để làm lễ Tủ Cải. Người Dao lựa chọn những ngày mà hàng Can của ngày đó không phải là Nhâm và Bính, ví dụ: Nhâm Tuất, Bính Tý... và phải là những ngày tốt, hợp với gia chủ.

Có gia đình chuẩn bị từ 1 đến 3 năm nhưng cũng có gia đình chuẩn bị ngay từ khi đứa trẻ mới sinh ra cho đến khi được làm lễ. Thời gian tổ chức lễ cũng không quy định dài ngắn cụ thể mà tùy thuộc vào điều kiện kinh tế từng gia đình, có thể là 2-3 ngày hoặc kéo dài hơn.

Về bậc lễ cũng tùy điều kiện của mỗi gia đình; có thể lựa chọn 1 trong 5 bậc: Bậc Tam tinh được cấp 3 đèn (bậc thấp nhất); bậc Ngũ tinh được cấp 5 đèn; bậc Thất tinh 7 đèn; bậc Cửu tinh 9 đèn và bậc Thập nhị tinh 12 đèn (bậc cao nhất), không nhất thiết phải theo thứ tự từ thấp đến cao. Với người thụ lễ trong một gia đình cũng có thể cùng lúc thực hiện nghi lễ cho một hoặc hai, ba người trở lên, nhằm tiết kiệm thời gian và vật chất.

 Lễ Tủ Cải diễn ra tùy thuộc nhu cầu của chủ nhà về quy mô tổ chức lễ lớn hay nhỏ.

Lễ Tủ Cải diễn ra tùy thuộc nhu cầu của chủ nhà về quy mô tổ chức lễ lớn hay nhỏ.

Trước khi làm lễ, khoảng 10-15 ngày, gia chủ chuẩn bị những thứ sẽ sử dụng trong lễ như trâu, bò, lợn, gà, gạo, rượu, rau củ quả, gia vị để làm cỗ cúng và cỗ mời bà con, họ hàng, dân bản. Số lượng lương thực, thực phẩm tùy thuộc nhu cầu của chủ nhà về quy mô tổ chức lễ lớn hay nhỏ; đồng thời, gia chủ nhờ anh em họ hàng và dân bản dựng đàn lễ cúng tổ tiên trong nhà và ngoài trời.

Đàn lễ cúng trong nhà được anh em họ hàng, bà con dân bản và những người giúp việc cho thầy cúng cùng nhau vào rừng lấy tre và nứa chẻ nan đan thành phên dựng lên, xung quanh trang trí bằng các hình người, hoa lá, cây cỏ tượng trưng được cắt từ các loại giấy màu thủ công với các màu xanh, đỏ, tím, vàng.

Hình người là tượng trưng cho hệ thống quân, tướng làm nhiệm vụ bảo vệ cho toàn bộ buổi lễ. Các hình về cây cỏ hoa lá tượng trưng cho cuộc sống của con người với đầy đủ hương hoa, rau củ quả, thể hiện cuộc sống đủ đầy của con cháu khi mời thần linh, tổ tiên về làm lễ. Kể từ thời điểm đó, người thụ lễ phải kiêng không chặt cây, bẻ lá, ngắt hoa; không sát sinh, đánh vật nuôi; không cãi cọ, gây gổ với mọi người… để tránh mọi điều xấu.

Nghi lễ diễn ra ở đàn lễ trong nhà và ngoài trời. Điều hành chính trong buổi lễ là thầy cả và thầy hai. Các nghi lễ bao gồm: Lễ nhận thầy; lễ lập ban thờ mới; lễ thầy cúng đi làm lễ; lễ mời thần linh, tổ tiên nhà người được cấp sắc về dự lễ; lễ cấp đèn; lễ đặt tên; lễ dạy làm thầy, lễ truyền thụ những kinh nghiệm dân gian… được tiến hành từ ngày thứ nhất đến ngày kết thúc lễ.

Đặc sắc giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ Tủ Cải của người Dao Quần chẹt ở tỉnh Điện Biên mang màu sắc tâm linh huyền ảo, nhưng nó lại phản ánh một hiện thực; đó là ước mơ, khát vọng của con người về hình mẫu người đàn ông Dao hội đủ những đức tính tốt đẹp: Khỏe mạnh, thành đạt, trách nhiệm với dòng tộc, cộng đồng.

Đây là một lễ đặc biệt quan trọng được diễn ra với sự nghiêm trang trong phần lễ, tạo nên không khí linh thiêng mà ấm áp tình người, tràn đầy sự hứng khởi. Tủ Cải cũng là một trong những lễ điển hình trong tập tục vòng đời người con trai Dao. Nghi lễ mang dấu ấn chế độ phụ quyền, đánh dấu sự trưởng thành của người nam trong cộng đồng dân tộc Dao.

Lễ Tủ Cải là sự tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc qua các bài múa nghi lễ, bài hát, âm nhạc dân gian...

Lễ Tủ Cải là sự tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc qua các bài múa nghi lễ, bài hát, âm nhạc dân gian...

Những nghi lễ, nghi thức trong buổi lễ chứa đựng các yếu tố văn hóa truyền thống hấp dẫn, độc đáo và giàu chất trí tuệ. Khi đã làm lễ Tủ Cải, người con trai lớn lên ngoài mọi quyền lợi được hưởng còn được mời đi làm thầy cúng trong các lễ của con cháu họ hàng đôi bên nội ngoại và dân bản sau này.

Từ lâu, lễ Tủ Cải đã trở thành nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao. Đây cũng là dịp tôn vinh văn hóa truyền thống của dân tộc đồng thời cũng là dịp giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sợi dây mềm mại gắn kết cộng đồng góp phần tạo nên truyền thống đoàn kết, tính bền vững của xã hội.

Ông Đào Duy Trình, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, hiện lễ Tủ Cải của người Dao vẫn đang được duy trì thực hành trong các gia đình. Việc được tham gia, được thực hành, được quan sát di sản đã góp phần rất lớn vào việc duy trì, bảo tồn di sản, giúp lớp trẻ trong cộng đồng cảm thấy tự hào với vai trò của bản thân, càng ý thức giữ gìn di sản hơn nữa. Để khẳng định bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, người Dao đã tiếp biến và chắt lọc những giá trị cốt lõi của cuộc sống, phù hợp với quy luật tự nhiên, sinh tồn của con người, định hình nên quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan, thể hiện ý thức dân tộc trong toàn bộ tiến trình của lễ Tủ Cải.

Ngày 22-1-2020, lễ Tủ Cải của người Dao Quần chẹt ở xã Huổi Só đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bài, ảnh: HÀ LÂM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/le-tu-cai-dac-sac-gia-tri-van-hoa-cua-nguoi-dao-quan-chet-tai-tinh-dien-bien-764359