Lễ tế Nam Giao trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam và lễ tế Nam Giao vương triều Hồ

Sáng 22/8, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã tổ chức Hội thảo 'Lễ tế Nam Giao trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam và Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ'.

Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào ngày 27/6/2011. Khu vực đề cử của di sản gồm có 3 bộ phận chính: Hoàng thành, La Thành và Đàn tế Nam Giao. Trong đó, đàn tế Nam Giao là một bộ phận quan trọng, độc đáo về mặt kiến trúc cũng như giá trị đối với kinh đô Việt Nam dưới thời Vương triều Hồ.

Các đại biểu tham dự tại hội thảo

Trải qua 4 lần thám sát, khai quật từ năm 2004 đến nay, với tổng diện tích 18.000m2, đã nhận diện được cơ bản đặc trưng của di tích Đàn tế Nam Giao Tây Đô.

Đàn tế có kiến trúc khá độc đáo: Lưng dựa núi, mặt nhìn về hướng Nam, các nền đàn được sắp xếp giật cấp cao dần lên. Tính từ chân Đốn Sơn, đàn tế được xây dựng trên 5 cấp nền, được cấu trúc theo hình dạng chữ nhật, quay hướng Nam. Được đánh giá là đàn tế có niên đại sớm nhất nước ta và có mặt bằng còn tương đối nguyên vẹn, được các nhà khoa học đánh giá rất cao về mặt lịch sử.

Hiện nay chỉ có dấu tích Đàn tế Nam Giao Tây Đô là có thể cho chúng ta biết được đôi nét về diện mạo Đàn tế Nam Giao thời cổ xưa. Từ đó có thể thấy, sự tồn tại của Vương Triều Hồ có tầm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của lịch sử dân tộc.

Toàn cảnh Đàn tế Nam Giao Tây Đô nhìn từ trên cao

Theo các tài liệu lịch sử có ghi chép lại thì tại không gian Đàn tế Nam Giao, năm 1402 đã diễn ra Lễ tế Giao đầu tiên của triều Hồ. Đây được xem là nghi lễ quan trọng nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam.

Theo quan điểm của Đảng và nhà nước ta hiện nay việc bảo tồn những giá trị văn hóa“vật thể” phải được thực hiện song song với bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa“phi vật thể”.

Đối với di sản Thành Nhà Hồ việc quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng những giá trị di sản “phi vật thể” đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế khuyến nghị là việc làm quan trọng, cần thiết. Trong đó, việc nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn Lễ tế Nam Giao cần được quan tâm, ưu tiên.

Việc phục dựng lễ tế đàn Nam Giao, Vương triều Hồ có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích, làm sống lại linh hồn di tích trong lòng nhân dân. Mặt khác việc phục dựng lễ tế phù hợp với định hướng và chủ trương phát triển của Trung ương và địa phương, đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế trọng điểm, di sản Thành Nhà Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn của Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

Thông tin tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: "Tổng hợp tất cả các nguồn tư liệu và thông tin có được, chúng ta bước đầu hình dung ra quá trình hình thành và biến đổi của di tích đàn Nam Giao thời Lý - Trần - Lê trên đất Thăng Long - Đông Kinh. Đây cũng là một cơ sở quan trọng để đối chiếu, hiểu rõ hơn về quy mô, cấu trúc của Đàn Nam Giao ở Đốn Sơn do Hồ Hán Thương cho đắp vào tháng 8 năm Nhâm Ngọ (1402), việc tổ chức lễ tế Giao và đại xá thiên hạ của triều đình nhà Hồ cũng ngay trong năm đó, góp phần nhận diện rõ hơn và đánh giá đúng hơn vai trò, vị trí, chức năng của Đàn tế Nam Giao ở Đốn Sơn trong kinh đô An Tôn của nhà Hồ”.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam: "... Ít nhất có thể suy đoán việc thờ cúng chính thần ở Nam Giao Thành Nhà Hồ tại Viên đàn có thể tương tự như Nam Giao Huế. Còn 2 tổ hợp kiến trúc ở nền 2 là nơi thờ cúng các vị thần khác có liên quan trong lễ tế Nam Giao ở Thành Nhà Hồ thì chưa thể suy đoán được. Ở đây chỉ là sự soi mở, suy luận bước đầu nhằm tiếp cận việc nghiên cứu so sánh tương lai để xác định các giá trị văn hóa phi vật thể ở Nam Giao Thành Nhà Hồ”.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến, tham luận đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trình bày nhằm mục đích làm rõ ý nghĩa và giá trị của nghi lễ tế giao trong lịch sử, quy trình và cách thức tế Giao dưới các triều đại phong kiến Việt Nam cũng như ở triều đại nhà Hồ. Trên cơ sở đó so sánh và tìm ra điểm tương đồng, khác biệt với Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ.

"Những kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ tiếp tục tổng hợp, đưa ra hướng nghiên cứu, chuẩn bị cho bước Hội thảo lần 2 nhằm Xác định giá trị lịch sử, văn hóa của Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ và Thống nhất cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc khôi phục Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ. Qua hội thảo nhằm trao đổi quan điểm bảo tồn, hướng đến xây dựng phương án duy trì và phát triển các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, quản lý di sản gắn với phát triển du lịch một cách bền vững tại Di sản Thành Nhà Hồ" - Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ thông tin thêm.

QUÁCH TUẤN

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/le-te-nam-giao-trong-lich-su-cac-trieu-dai-phong-kien-viet-nam-va-le-te-nam-giao-vuong-trieu-ho-20230822135105.htm