Lẽ nào cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung bị thương 49 năm nay không được công nhận?

Ngày 15-10-2023, Báo Quân đội nhân dân đăng bài 'Cựu chiến binh 18 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ' nói về cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thành Chung ở TP Gia Nghĩa (Đắk Nông). Suốt 18 năm, ông đã giúp địa phương tìm kiếm được hơn 90 hài cốt liệt sĩ. Nhưng có một sự việc mà suốt 49 năm qua ông không giải quyết được, đó là tìm lại giấy xác nhận thương binh để được hưởng quyền lợi chính đáng của mình...

Chiến đấu dũng cảm, bị thương tại Nhân Cơ

Năm 19 tuổi, Nguyễn Thành Chung (sinh năm 1952) từ xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư (Thái Bình) hăng hái lên đường nhập ngũ. Khi vào Nam chiến đấu, anh là chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 4, Bộ tư lệnh Miền (sau này là Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 271, Sư đoàn 5, Quân khu 7). Năm 1976, anh được phục viên trở về địa phương-huyện Vũ Thư. CCB Nguyễn Thành Chung nhớ lại:

- Suốt từ sớm ngày 9-3-1975, Tiểu đoàn 4 chúng tôi phối hợp với đơn vị bạn chiến đấu giằng co với địch tại khu vực sân bay Nhân Cơ (tỉnh Quảng Đức, nay là tỉnh Đắk Nông). Đêm 15, rạng sáng 16-3, tôi cùng 3 chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn bí mật lên đồi để tiếp cận hàng rào sân bay Nhân Cơ, chuẩn bị cho đơn vị đánh lớn. Sáng 16-3, địch phát hiện, chúng gọi pháo 105mm bắn xuống xối xả. Gần chỗ tôi nằm, pháo địch bắn gãy gục cây mít to, mảnh đạn pháo văng vào đùi trái tôi, máu từ đùi phun lên đầy mặt. Anh em kêu lên: “Thằng Chung bị pháo bắn vỡ mặt rồi!”. Máu ra nhiều, tôi ngất lịm.

 Mảnh đạn pháo còn găm trong chân trái cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung. Ảnh: ĐÀO VĂN

Mảnh đạn pháo còn găm trong chân trái cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung. Ảnh: ĐÀO VĂN

Sau này được biết, mảnh pháo cắm vào đùi, cắt đứt động mạch chủ khiến máu phun lên mặt dữ dội. Hai ngón tay của bàn tay trái tôi bị mảnh pháo cắt cụt. Anh Cừu y tá xé quần để ga-rô đùi rồi cõng tôi về hầm ven đồi. Đêm 17-3, ta mở đợt tấn công lớn vào sân bay, quân địch rút chạy. Anh em tranh thủ khiêng tôi về đội phẫu tiền phương trong rừng. Các bác sĩ thắt hai đầu động mạch, mổ rộng đến 10cm để lấy mảnh đạn pháo nhưng máu ra nhiều nên không thực hiện được, rửa vết thương rồi chuyển tiếp tôi về Bệnh xá K23. Tới Bệnh xá, do thương binh rất đông nên tôi được chuyển về Đồng Xoài... Khi vết thương cơ bản đã lành, tôi ra đón xe của các đơn vị Quân đội để đi nhờ về Sài Gòn, đuổi theo đơn vị.

Sài Gòn đã giải phóng, tôi không biết đơn vị mình đang ở đâu và được chỉ huy đơn vị bạn cho biết: “Những đồng chí lạc đơn vị thì về số 10 Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), ở đó ban thu dung sẽ liên hệ giúp”. Tới nơi, nghe nói đơn vị đang ở Long An, tôi đón xe đò để đi, không mất tiền vì ban quân quản cấp giấy giới thiệu ghi rõ: “Đồng chí Nguyễn Thành Chung chiến đấu bị thương, nhờ các đơn vị, các phương tiện hỗ trợ giúp đỡ đồng chí về lại đơn vị”. Rất may, khi đến ngã ba Trung Lương, tôi gặp đồng đội...

Khoảng nửa tháng sau, tôi được thông báo lên Tiểu đoàn làm giấy chứng nhận bị thương. Người ký Giấy chứng thương số 152 ngày 4-6-1975 cho tôi là Trung tá Hà Văn Thái, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4. Chỉ tiếc rằng khi về, xem lại mới biết giấy ghi nhầm tên tôi, không phải "Thành Chung" mà là "Thành Trung"...

Gian nan mưu sinh và tìm sự công bằng

Hơn một năm sau ngày bị thương, tháng 6-1976, Nguyễn Thành Chung nhận giấy về phục viên tại quê nhà. Hưởng ứng phong trào xây dựng kinh tế mới, năm 1990, CCB Nguyễn Thành Chung rời quê hương Vũ Thư vào huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) sinh sống. Tại đây, mỗi khi nông nhàn, ông lại lặn lội về Đắk Nông tìm hài cốt đồng đội. Đi xa nhiều lần vất vả, sức khỏe lại yếu, năm 2008, ông quyết định rời Lâm Đồng về Gia Nghĩa (Đắk Nông) để định cư lâu dài.

Cán bộ địa phương biết CCB Nguyễn Thành Chung là thương binh mà không được hưởng chế độ gì nên khuyên ông làm các thủ tục cần thiết.

Ông Hà Văn Thái- người ký giấy chứng thương cho ông Nguyễn Thành Chung năm 1975 (bên trái) và tác giả. Ảnh: ĐÀO VĂN

Ông Hà Văn Thái- người ký giấy chứng thương cho ông Nguyễn Thành Chung năm 1975 (bên trái) và tác giả. Ảnh: ĐÀO VĂN

Năm 2010, từ Đắk Nông, ông Chung nộp toàn bộ hồ sơ lên xã, được xã gửi lên Bộ CHQS tỉnh, tỉnh gửi lên Phòng Chính sách Quân khu 5. Khoảng 6 tháng sau, cơ quan chức năng Quân khu 5 gửi thư trả về với lý do: Con dấu không đúng! Con dấu là Trung đoàn 172 chứ không phải Trung đoàn 271 như đơn đề nghị. Ông Chung về Quân khu 9 để xác định rõ đơn vị. Quân khu 9 giao Sư đoàn 8 giải mã như sau: "... Từ tháng 3-1975 đến tháng 1-1976, Trung đoàn 271 tách thành 2 đơn vị: Trung đoàn 271 và Trung đoàn 172, tham gia chiến đấu tại Quảng Đức và Long An. Tháng 2-1976 đến tháng 9-1978, Trung đoàn 172 đổi thành Trung đoàn 271 và điều động về đội hình Sư đoàn 8, Quân khu 9”... “Căn cứ Quyết định xuất ngũ, Giấy chứng nhận bị thương, đơn xin xác nhận đồng đội cùng công tác thì ông Nguyễn Thành Chung có thời gian công tác tại Sư đoàn 8 từ tháng 2-1976 đến tháng 7-1976...".

Tiếp nhận công văn của Sư đoàn 8, cơ quan chức năng Quân khu 5 đồng ý Trung đoàn 271 và 172 là một nhưng hơn nửa năm sau lại phát hiện: Giấy chứng nhận bị thương là Nguyễn Thành Trung chứ không phải Nguyễn Thành Chung nên không thể giải quyết.

CCB Nguyễn Thành Chung lại về Trung đoàn 271 để đề nghị xác nhận đơn vị ghi nhầm "Chung" thành "Trung". Rất may, đồng chí Hà Văn Thái-người ký giấy chứng nhận bị thương-giờ vẫn khỏe mạnh, hiện là Đại tá, Phó chủ tịch Hội CCB phường Cống Vị, quận Ba Đình (Hà Nội). Đại tá Hà Văn Thái xác nhận: "Đồng chí Nguyễn Thành Chung là chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn 4, Bộ tư lệnh Miền, bị thương ngày 16-3-1975 tại khu vực sân bay Nhân Cơ trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu là đúng. Trong giấy chứng thương do tôi ký ngày 4-6-1975, tôi khẳng định Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Thành Chung là một vì hồi ấy đơn vị không có ai là Nguyễn Thành Trung...".

Xác nhận của đồng chí Hà Văn Thái được Phó chủ tịch UBND phường Cống Vị ký, đóng dấu. Sau đó, ngày 6-5-2014, đồng chí Lưu Xuân Soạn, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 271, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 (từ năm 1972 đến tháng 4-1975) cũng xác nhận: “Đơn đồng chí Nguyễn Thành Chung đã trình bày là đúng. Tôi xác định đồng chí Nguyễn Thành Chung là chính xác”. UBND xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập (nay là huyện Phú Riềng), tỉnh Bình Phước đã xác nhận chữ ký của đồng chí Lưu Xuân Soạn.

Ngày 25-8-2014, Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông đã mời CCB Nguyễn Thành Chung giám định thương tật, xác định “Các vết thương thực thể: VT 1/3 giữa đùi T dài 10cm, còn mảnh kim khí; VT cụt đốt 2,3 ngón trỏ T; VT cụt đốt 3 ngón 4 bàn tay T”. Các thành viên hội đồng đã ký biên bản ngày 28-8-2014, số 02/BBKT.

Mặc dù vậy, đến nay, Phòng Chính sách Quân khu 5 vẫn chưa trả lời kết quả cho gia đình CCB Nguyễn Thành Chung.

Tiếp tục hành trình tìm sự thật

Tôi đã về thăm gia đình CCB Nguyễn Thành Chung tại TP Gia Nghĩa. Ông yếu hơn những lần gặp trước. Nhắc đến việc này, ông rơm rớm nước mắt:

- Tôi vẫn chờ đợi chú ạ. Bây giờ không còn sức đi nữa. Chân trái cứ trở trời lại đau nhói; thêm các bệnh gai đôi cột sống, thoát vị đĩa đệm, khớp, đi lại rất khó khăn...

Tôi biết bà Đào-vợ ông Chung, là người phụ nữ đảm đang nhưng nhiều năm gồng gánh cả gia đình quá nặng nề, sức khỏe cũng đã giảm. Suốt ngày bà trên nương, kiệt sức lo chống hạn cho cà phê, tiêu, cây ăn trái. Điều động viên, an ủi ông bà là các con đều chăm ngoan, học giỏi. Con trai đầu đã học năm thứ tư đại học, cháu thứ hai đã học xong cao đẳng và cháu út đang học lớp 12.

Ngày 12-10-2023, tôi ra Hà Nội thăm Đại tá Hà Văn Thái. Ông kể đã đến thăm CCB Nguyễn Thành Chung tại Đắk Nông và rất thương hoàn cảnh đồng đội cũ của mình. Ông bảo: “Năm 2014, tôi đã viết xác nhận, nói rõ sự nhầm lẫn giữa "Trung" và "Chung" trong giấy chứng thương là do phát âm của anh em các vùng miền, vậy mà gần 10 năm qua, các cơ quan liên quan vẫn chưa giải quyết cho đồng chí Chung. Anh cho tôi viết xác nhận lần nữa xem sao?".

Thế là ông viết, có đoạn: “Đồng chí Nguyễn Thành Chung là chiến sĩ trinh sát Tiểu đoàn tôi, bị thương ngày 16-3-1975 tại sân bay Nhân Cơ. Do nhân viên quân lực sơ suất đã ghi nhầm "Nguyễn Thành Chung" thành "Nguyễn Thành Trung". Đây là người thật việc thật ở đơn vị, kính mong cơ quan chính sách các cấp xem xét giải quyết chế độ thương binh cho đồng chí Chung”... Đồng chí Nguyễn Đức Quang, Chủ tịch Hội CCB phường Cống Vị đã xác nhận chữ ký, đóng dấu.

Tác giả (ngoài cùng, bên trái) gặp ông Nguyễn Quang Viên, ông Nguyễn Hữu Tiến - đồng đội của cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung tại Vũ Thư (Thái Bình). Ảnh: ĐÀO VĂN

Tác giả (ngoài cùng, bên trái) gặp ông Nguyễn Quang Viên, ông Nguyễn Hữu Tiến - đồng đội của cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung tại Vũ Thư (Thái Bình). Ảnh: ĐÀO VĂN

Ngày 31-10-2023, tôi về quê CCB Nguyễn Thành Chung ở huyện Vũ Thư. Các đồng chí ở cơ quan quân sự huyện xác nhận ở xã Đồng Thanh nhập ngũ trước năm 1975 chỉ có một người tên Chung, không có ai tên Trung. Đồng chí Lâm Tuấn Anh, Phó chủ tịch HĐND xã kiêm công chức tư pháp - hộ tịch xã Đồng Thanh khẳng định: "Trong xã tôi vào Nam chiến đấu chỉ có anh Nguyễn Thành Chung, sinh ngày 21-1-1952, bị thương tại sân bay Nhân Cơ... Chẳng lẽ còn có ông Nguyễn Thành Trung sinh cùng ngày, cùng bị thương tại sân bay, ngày giờ ấy?". Giấy xác nhận tên hai người "Chung" và "Trung" là một đã được Phó chủ tịch UBND xã Lương Ngọc Hoàn, Trưởng Công an xã Bùi Thế Cường và đồng chí Lâm Tuấn Anh ký, đóng dấu.

Tôi về thăm nơi CCB Nguyễn Thành Chung sinh ra và lớn lên, gặp ông Nguyễn Văn Thành-anh trai của ông Chung. Nhiều đồng đội của CCB Nguyễn Thành Chung trong xã cũng đến gặp tôi. Ông Nguyễn Quang Viên, nguyên chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn 205, nguyên bí thư chi bộ thôn, nói rằng: “Tôi nhập ngũ trước ông Chung nhưng vào chiến trường Đông Nam Bộ thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, khi ông ấy bị thương tôi cũng biết tin”.

Còn ông Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ: “Tôi và ông Chung nhập ngũ cùng ngày, cùng đơn vị chiến đấu, sau đó khác tiểu đoàn. Anh em chúng tôi trong chiến đấu vẫn biết tin về nhau. Chỉ nhầm lẫn một chút do phát âm mà ông Chung không được hưởng chế độ thương binh thì thiệt thòi quá!”.

Kiến nghị

Trong chiến đấu, bộ đội đơn vị là người từ các vùng, miền khác nhau, việc phát âm không chuẩn là điều dễ hiểu. Trường hợp CCB Nguyễn Thành Chung chỉ ghi nhầm tên do phát âm "Ch" thành "Tr" mà 49 năm nay chưa được hưởng chế độ thương binh thì quá thiệt thòi.

Sự nhầm lẫn trên đã được những người có trách nhiệm và các cơ quan hữu quan xác nhận rõ ràng, bởi vậy Phòng Chính sách Quân khu 5 nên xem xét kỹ lại hồ sơ hoặc nếu thấy còn thiếu nội dung nào thì sớm thông báo cho gia đình CCB Nguyễn Thành Chung kịp thời bổ sung, hoàn chỉnh. Các cơ quan chức năng nên quan tâm trường hợp này, có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cơ quan chính sách các cấp nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho thương binh.

ĐÀO VĂN SỬ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/le-nao-cuu-chien-binh-nguyen-thanh-chung-bi-thuong-49-nam-nay-khong-duoc-cong-nhan-777862