Lễ hội tri ân công đức Đội hùng binh Hoàng Sa

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, tái hiện nghi lễ tiễn đưa những hùng binh năm xưa vâng lệnh triều đình ra quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 25/3, Ban khánh tiết Đình làng An Hải cùng các tộc họ làng An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân, tưởng nhớ những binh phu Hoàng Sa trong Đội hùng binh Hoàng Sa Bắc Hải năm xưa.

Sử sách ghi chép lại, vào đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại làng An Vĩnh và An Hải nay thuộc xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi). Theo đó, mỗi năm sẽ có 70 suất đinh là những trai tráng khỏe mạnh, bơi lội giỏi được cử vào đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính. Ảnh: N.Trang

Đến thế kỷ XIX, các dân binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chủ yếu là những trai tráng thuộc các tộc họ trên đảo Lý Sơn. Nhiệm vụ của đội là đo đạc hải trình, dựng bia, cắm mốc chủ quyền và thu lượm sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa. Để thực thi nhiệm vụ vua ban, những dân binh phải lênh đênh trên biển bằng những chiếc thuyền câu trong suốt 6 tháng.

Từ đó, bao thế hệ người dân Lý Sơn, dù biết nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm nhưng vẫn xuôi thuyền tiến ra biển, mang theo sứ mệnh cắm cột mốc vĩnh hằng về chủ quyền của đất nước trên biển.

Cứ vào tháng 2 âm lịch hàng năm, các tộc họ ở làng An Hải lại tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là sự tưởng nhớ, tri ân công đức những hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã có công cắm mốc dựng bia chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Nghi lễ rước thuyền câu và hình nhân thế mạng ra biển. Ảnh: baoquangngai.vn

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, tái hiện nghi lễ tiễn đưa những hùng binh năm xưa vâng lệnh triều đình ra quần đảo Hoàng Sa cắm mốc, dựng bia và tuần tra, khai thác sản vật.

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính. Sau lễ Chánh tế Khao lề thế lính Hoàng Sa, thầy pháp thực hiện các nghi thức thế lính an vị các vong linh chiến sĩ Hoàng Sa trước khi thả thuyền ra biển. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn - cúng thế cho người sống để cầu mong bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi lên đường làm nhiệm vụ.

Kết thúc phần tế lễ, tiếng ốc thổi lên từng hồi trầm hùng hiệu lệnh trai tráng trong làng rước thuyền câu ra vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Con đường mà hơn 400 năm trước, cha ông đã từ đất đảo Lý Sơn vượt biển khơi trên những chiếc thuyền câu đơn sơ, chấp nhận gian khổ và cả hy sinh nằm lại ở vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của dân tộc.

Mô hình thuyền câu đặt hình nhân thế mạng và những vật dụng tượng trưng được thả trôi theo hướng những hùng binh từ hơn 400 năm trước. Ảnh: ĐĐK

Sau phần lễ là Hội đua thuyền truyền thống Tứ linh (Long, Lân, Quy Phụng). Trước đây, Hội đua thuyền truyền thống Tứ linh để tuyển chọn những dân binh khỏe mạnh, giỏi nghề đi biển để sung vào Đội hùng binh Hoàng Sa.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng vào năm 2013.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/le-hoi-tri-an-cong-duc-doi-hung-binh-hoang-sa-post289152.html