Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông lấy lại thương hiệu 'nhất chợ Phủ'

Xuân năm 2017, lần đầu tiên sau gần một thế kỷ, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn) đã được phục dựng và tổ chức. Đến nay, theo Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông HÀ KIM OANH, lễ hội này được xác định là điểm nhấn quan trọng để thu hút du khách đến địa phương.

Nghiên cứu tư liệu lịch sử, tham vấn chuyên gia và nhân dân

- Đây là năm thứ 5 Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông được phục dựng và tổ chức; xin ông cho biết, quá trình phục dựng và tổ chức lễ hội đã được thực hiện như thế nào?

- Thể theo nguyện vọng của nhân dân thị trấn Phủ Thông, đặc biệt là tâm huyết của Nghệ nhân nhân dân Hoàng Hóa, từ năm 2017, UBND tỉnh Bắc Kạn đồng ý cho tổ chức Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông theo truyền thống vào ngày 19 - 20 tháng Giêng hàng năm; huyện Bạch Thông đã thống nhất chủ trương và chỉ đạo sưu tầm, nghiên cứu tư liệu lịch sử, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các nhân chứng hiểu rõ về Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông, lấy ý kiến của người dân thị trấn Phủ Thông; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hỗ trợ thủ tục pháp lý để phục dựng đền Slấn Slảnh…

Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông Hà Kim Oanh

Thật bất ngờ, ngay trong năm đầu phục dựng và tổ chức, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông đã lấy lại được thương hiệu “nhất chợ Phủ”, là lễ hội thu hút đông đảo du khách nhất ở Bắc Kạn. Từ thành công bước đầu đó, huyện Bạch Thông tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm, lược bỏ những yếu tố không còn phù hợp, phát huy những nét đặc sắc riêng có, bổ sung những giá trị mới cho Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông.

- Đâu là nét khác biệt của Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông, thưa ông?

- Khác biệt lớn nhất so với các lễ hội lồng tồng khác là ngoài ý nghĩa cầu an, cầu mùa và trình diễn văn hóa thì Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông mang đậm tính chất tâm linh, đó là yếu tố thiêng của phần Lễ. Các lễ hội khác thường gắn với tín ngưỡng thờ cúng lực lượng siêu nhiên, riêng Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông lại gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử có thật được tổ chức cúng giỗ vào ngày 19 tháng Giêng trước ngày khai hội; do đó, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông có thêm ý nghĩa giáo dục truyền thống.

- Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông hiện nay đã khôi phục được đầy đủ những nét đẹp truyền thống vốn có hay chưa? Sự hưởng ứng của bà con địa phương đối với lễ hội như thế nào?

- Lễ hội Lồng tồng Phủ Thôngđã được phục dựng và tổ chức vào các năm 2017, 2018, 2019, 2023 (dừng tổ chức năm 2020 - 2022 do dịch Covid-19). Đến nay, như trên đã nói, về cơ bản, lễ hội được phục dựng xứng danh là lễ hội “nhất chợ Phủ” cả về nội dung, hình thức, các giá trị văn hóa nguyên bản và thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài tỉnh, thậm chí năm 2023 còn thu hút được một số khách du lịch Trung Quốc, châu Âu đến trải nghiệm.

Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông chú trọng khôi phục phần lễ

Tuy nhiên, lễ hội hiện vẫn chưa khôi phục được hết các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh nguyên gốc. Chúng tôi cũng chưa xác định được thời khắc lịch sử, tên tuổi vị tướng dẫn quân diệt giặc, anh dũng hy sinh đúng ngày 19 tháng Giêng tại cánh đồng Nà Phải thị trấn Phủ Thông được triều đình phong Thánh (Slấn Slảnh) và nhân dân thờ tự, tri ân. Hoạt động thi đấu và biểu diễn múa lân với các tỉnh lân cận chưa thực hiện được…

Nguyên nhân cơ bản là do tư liệu về sự kiện lịch sử đã thất lạc; trải qua thời gian quá dài lễ hội không được tổ chức; việc phục dựng chủ yếu dựa vào lời kể của các nhân chứng và tham vấn ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghiên cứu về lễ hội; một số hoạt động đã không còn phù hợp với hiện nay.

Chú trọng khôi phục phần lễ, bổ sung hoạt động phần hội

-Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông năm 2024 diễn ra quy mô cấp huyện; đến với lễ hội năm nay, người dân và du khách thập phương sẽ được trải nghiệm những hoạt động đặc sắc gì?

- Phát huy các giá trị đặc sắc riêng có đã được khẳng định, sau quá trình nghiên cứu khoa học, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông năm 2024 chú trọng khôi phục phần lễ. Lần đầu tiên kể từ khi được phục dựng, huyện tổ chức nghi lễ cúng giỗ đền Slấn Slảnh theo truyền thống vào chiều 19 tháng Giêng (ngày 28.2). Phần hội (ngày 20 tháng Giêng, tức 29.2) bổ sung hoạt động thi ẩm thực nhằm quảng bá, giới thiệu các món ăn đặc sản truyền thống thị trấn Phủ Thông; trình diễn trang phục dân tộc với chủ đề “Va bjoóc Bạch Thông” (Hoa xứ Bạch Thông) và màn trình diễn di sản văn hóa Múa bát tập thể của 136 cô gái Tày.

- Huyện kỳ vọng gì về lễ hội này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương?

- Huyện ủy Bạch Thông vừa ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch, trong đó xác định Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông là điểm nhấn quan trọng để thu hút du khách. Theo đó, huyện sẽ tiến hành lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền đưa Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh, cấp quốc gia nhằm góp phần phát triển dịch vụ, du lịch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Cùng với việc khôi phục, cải tạo, nâng cấp khu chợ Cũ để tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch ban đêm; phục dựng hiện trường sau trận công kiên cấp tiểu đoàn đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào cứ điểm phòng ngự kiên cố của giặc Pháp (ngày 25.7.1948) tại Di tích lịch sử cấp quốc gia đồn Phủ Thông; phục dựng nguyên gốc kiến trúc đền Slấn Slảnh… trong tương lai gần, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông sẽ phát huy giá trị, khẳng định là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thị trấn Phủ Thông và huyện Bạch Thông.

- Xin cảm ơn ông!

Vân Tuyên thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/le-hoi-long-tong-phu-thong-lay-lai-thuong-hieu-nhat-cho-phu-i361127/