Lễ hội diễn xướng hội quân: Tái hiện hào khí Đông A thời Trần

Sáng 1/10 (17/8 âm lịch), diễn xướng hội quân đã được tổ chức hùng tráng tại khu vực sông Lục Đầu (Chí Linh, Hải Dương), gợi nhớ về bản hùng ca giữ nước, tái hiện sức mạnh của cha ông ta thời Trần.

Đây là lễ hội quân trên sông duy nhất tại Việt Nam, nằm trong khuôn khổ một lễ hội đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu được phục dựng năm 2006.

Lễ diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu được phục dựng năm 2006.

Năm 2006, Lễ diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu được phục dựng, từ đó đến nay mỗi khi Lễ hội được tổ chức, hàng vạn người dân, du khách đã đổ về bên bờ sông Lục Đầu Giang để thưởng thức. Lễ hội có một không hai này đã tái hiện được sức mạnh của cha ông ta thuở xưa. Một khúc sông Lục Đầu cuộn sóng, hình ảnh cha ông ta thuở xưa từ hơn 7 thế kỷ trước được tái hiện vô cùng hào hùng. Hàng nghìn ánh mắt dõi theo những chiếc thuyền giữa dòng sông ngầu đỏ phù sa.

Tái hiện cảnh duyệt binh của cha ông ta thuở xưa.

Tái hiện cảnh duyệt binh của cha ông ta thuở xưa.

Hàng trăm võ sinh môn phái Võ Nhất Nam, các đội lân sư rồng, cờ giong trống giục cùng với 32 chiếc thuyền đang tái hiện lại cuộc duyệt binh của cha ông ta trên khúc sông Lục Đầu Giang vốn đã nổi khắp cả vùng Kiếp Bạc.

Các võ sĩ cường tráng đi quyền trong trống hội giục giã gợi nhớ về cuộc duyệt binh chuẩn bị lực lượng kháng chiến ở Đông Bộ Đầu vào tháng 8/1284 và cuộc hội 20 vạn quân ở Vạn Kiếp năm 1285 với khí thế "Sát Thát át cả sao Ngâu/ Hào khí Đông A ngút trời hùng tráng".

Pháo hiệu bắt đầu, tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên làm cả vùng Kiếp Bạc rộn vang. Các lực lượng trên bờ, dưới nước phối hợp nhịp nhàng dàn trận, hiệp đồng diễn xướng hội quân theo 3 chủ đề.

Cảnh múa lân sư rồng đan xen gợi nhớ cuộc duyệt binh ở Đông Bộ Đầu tháng 8/1284.

Cảnh múa lân sư rồng đan xen gợi nhớ cuộc duyệt binh ở Đông Bộ Đầu tháng 8/1284.

Chủ đề 1 “Hào khí Đông A” gợi nhớ về cuộc duyệt binh biểu dương lực lượng chuẩn bị kháng chiến ở Đông Bộ Đầu tháng 8 năm Giáp Thân (1284) và cuộc hội 20 vạn quân ở Vạn Kiếp năm 1285 với sức mạnh ba quân hừng hực ý chí chiến đấu và quyết tâm sát Thát át cả sao Ngâu, hào khí Đông A ngất trời hùng tráng.

Chủ đề 2 “Hùng khí Lục Đầu”, tái hiện lại khí thế đánh giặc cứu nước của quân dân Đại Việt, với chiến thắng Vạn Kiếp năm 1285 khiến chủ tướng giặc là Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy trốn. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, bắt sống tướng chỉ huy của giặc là Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng.

Chương trình thu hút hàng vạn khán giả tới xem.

Chương trình thu hút hàng vạn khán giả tới xem.

Chủ đề 3 “Ca khúc khải hoàn” diễn tả phong cảnh thanh bình của đất nước sau chiến thắng giặc ngoại xâm, những hình ảnh múa hát, trồng dâu, dệt vải, hái thuốc được tái hiện trên sân khấu.

Vạn Kiếp không phải ngẫu nhiên là vùng đất linh thiêng được Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chọn làm đại bản doanh. Vạn Kiếp chính là mảnh đất non cao rồng dẫn mạch/ Lục Đầu nước biếc hổ chầu về.

Chương trình vô cùng hoành tráng.

Chương trình vô cùng hoành tráng.

Vạn Kiếp được coi là nơi trời bày, đất dựng, vị trí đắc địa, hình thế hiểm yếu, là phên dậu vững chắc của Kinh thành Thăng Long. Sau khi được Hưng Đạo vương chọn làm nơi đặt đại bản doanh, Kiếp Bạc đã trở thành căn cứ quân sự thủy bộ kết hợp lợi hại đối với đường tiến, đường lùi của giặc ngoại xâm.

Diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu nhằm gợi nhớ về bản hùng ca giữ nước, tái hiện sức mạnh của cha ông ta ở triều đại nhà Trần, gợi nhớ về Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - người kết tinh rực rỡ hào khí Đông A, linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược.

Vĩnh Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/le-hoi-dien-xuong-hoi-quan-tai-hien-hao-khi-dong-a-thoi-tran.html