Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan năm 2024 sẽ diễn ra với quy mô lớn và nhiều nội dung đặc sắc: Lễ tế thần, lễ cầu siêu, lễ rước thần, đêm thơ 'Nguyễn Cảnh thi tập'...

Lễ hội Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan ở Nghệ An vừa được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo kế hoạch, lễ hội năm nay được diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 21/4/2024 đến ngày 23/4/2024 (tức ngày 13 đến ngày 15 tháng 3 năm Giáp Thìn). Trong đó, Lễ đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia sẽ diễn ra ngày 15 tháng 3 âm lịch.

Con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh, dân tộc Thái ở huyện Con Cuông (Nghệ An) tham gia Lễ hội Thập niên sự lễ 2014. Ảnh: TL

Lễ hội sẽ diễn ra với quy mô lớn và nhiều nội dung đặc sắc: Lễ tế thần, lễ cầu siêu, lễ rước thần, đêm thơ “Nguyễn Cảnh thi tập”, chương trình văn nghệ “Sáng mãi bài ca truyền thống”, các hoạt động thể thao...

Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ) được tổ chức 10 năm 1 lần nhằm tưởng nhớ Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan và các vị nhân thần của dòng họ Nguyễn Cảnh đã có công “Bảo quốc hộ dân”.

Dòng họ Nguyễn Cảnh có hơn 600 năm lịch sử phát triển, từ Đông Triều (Quảng Ninh) đến định cư trên đất Nghệ An. Với 25 đời con cháu hậu duệ, dòng họ Nguyễn Cảnh không chỉ góp phần xây dựng cơ nghiệp mà còn sản sinh ra những danh tướng, danh nhân, nhà văn hóa, và lương y nổi tiếng tài năng, có những đóng góp ý nghĩa trong lịch sử dân tộc.

Trong đó, Nguyễn Cảnh Hoan (1521 - 1576) thuộc đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn Cảnh, là con thứ hai của Phúc khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy. Ông là vị tướng tài ba thời Lê Trung Hưng có công phò Lê diệt Mạc.

Giữa thời kỳ Lê - Mạc phân tranh, nhà Mạc huy động các tướng giỏi và đại binh đánh vùng Thanh - Nghệ, Nguyễn Cảnh Hoan bị thuộc tướng làm phản. Ông rơi vào mai phục của tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện, bị bắt và đem về Thăng Long.

Nhà Mạc biết ông là tướng giỏi bèn tìm cách lôi kéo, mua chuộc nhưng ông một mực giữ lòng trung thành với vua Lê. Tháng 9/1576, Nguyễn Cảnh Hoan bị mưu sát tại Thăng Long.

Đền thờ Thái Phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Ảnh: TL

Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan ra đời từ 1664 - đến năm Giáp Thìn 2024 là tròn 360 năm. Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan được phối thờ 4 vị công thần tiêu biểu của dòng họ Nguyễn Cảnh: Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Cảnh Kiên, Nguyễn Cảnh Hà, Nguyễn Cảnh Quế (4 đời trực hệ).

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/le-hoi-den-nguyen-canh-hoan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post292566.html