Lễ hội ánh sáng Diwali Ấn Độ có gì đặc biệt?

Lễ Diwali Ấn Độ còn gọi Lễ hội Ánh sáng, được tổ chức vào ngày trăng non trong tháng Kartika theo lịch Hindu, thường rơi vào tháng 10 hoặc tháng 11 dương lịch. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong tôn giáo của họ.

Lễ hội Ánh sáng Diwali là lễ hội có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm đối với người theo đạo Hindu nói chung và với Ấn Độ nói riêng. Do người theo đạo Hindu chiếm khoảng 80% trong tổng dân số 1,4 tỷ người ở Ấn Độ nên Diwali được tổ chức linh đình trên cả nước.

 "Dòng sông" ánh sáng trên bờ sông Saryu ở Ayodhya, Ấn Độ ngày 3/11/2021. (Ảnh: AP)

"Dòng sông" ánh sáng trên bờ sông Saryu ở Ayodhya, Ấn Độ ngày 3/11/2021. (Ảnh: AP)

Theo lịch Hindu, người dân Ấn Độ và Nepal cũng như tại các cộng đồng Ấn giáo khác trên thế giới ăn mừng Lễ Diwali vào đêm 13 kỳ trăng khuyết, khoảng giữa tháng 10 hay tháng 11 hằng năm. Lễ hội Diwali diễn ra trong 5 ngày:

Ngày thứ nhất, ngày Dhanatrayodashi (hoặc Dhan Teras), là ngày của sự thịnh vượng và giàu có, người dân thường đến các khu chợ để mua một vài món nữ trang may mắn nào đó bởi họ tin rằng việc này sẽ đem lại thịnh vượng và tài lộc cho suốt một năm tới. Nếu ở Dhanteras, ngày này được coi là điểm khởi đầu cho một năm tài chính mới thì ở Ấn Độ đây lại là thời điểm đầu của một mùa mua sắm.

Ngày thứ hai, Naraka Chaturdashi, là ngày con quỷ Narakasura bị giết chết, mang ý nghĩa cái tốt chiến thắng cái xấu và ánh sáng chiến thắng bóng tối.

Ngày thứ ba, Lakshmi Puja, là ngày quan trọng nhất trong dịp lễ hội. Các gia đình Ấn Độ cúng thần Lakshmi và thần Ganesa, vị thần của những khởi đầu tốt lành. Mọi người đốt đèn, nến ở khắp nơi trong nhà và ngoài phố.

Ngày thứ tư, Govardhan Puja (còn gọi là Annakut), là ngày Krishna đánh bại Indra. Trong ngày này, các món đồ ăn được trang trí đẹp mắt và xếp thành từng ngọn núi nhỏ, tượng trưng cho ngọn núi mà Krishma đã phải vượt qua. Các ông chồng thường tặng quà cho vợ vào ngày Govardhan Puja.

Ngày thứ năm, Bhaduj, là ngày anh chị em trong gia đình gặp gỡ nhau, bày tỏ sự quan tâm và thể hiện tình cảm cho nhau.

Lễ hội Diwali là sự kết hợp các nghi lễ tôn giáo đa dạng, phức tạp, thể hiện sức mạnh của chính nghĩa. Đặc biệt, lễ hội là biểu tượng cho chiến thắng của cái thiện trước cái ác của anh hùng Lord Rama và nàng Sita - vợ anh trước những kẻ xấu.

Tuy nhiên, đối với nhiều người Ấn Độ, Diwali cũng là dịp để bày tỏ lòng tôn kính đối với nữ thần Lakshmi, nữ thần của hạnh phúc, thịnh vượng và sắc đẹp. Họ tin rằng, nhờ nữ thần mà họ có được may mắn và an lành trong cuộc sống hằng ngày.

Đặc trưng của lễ hội là những điệu múa truyền thống Ấn Độ mê hoặc lòng người và thưởng thức các món đặc sản như cà ri, thịt gà tẩm ướp. Trong ánh sáng lung linh huyền ảo làm cho con người gần nhau hơn, hiểu nhau và khoan dung hơn.

Lễ hội ánh sáng Diwali còn là dịp để người dân Ấn Độ rũ bỏ hiềm khích, tha thứ cho nhau, để được sống vui vẻ, thanh thản hơn. Ý nghĩa quan trọng của lễ hội, theo triết lý Hindu, là ngoài thắp sáng đèn nến bên ngoài phải ý thức được “ánh sáng bên trong” - là bản tính chân thật, trường tồn… của mỗi cá nhân để chiếu sáng, xua tan chướng ngại, đẩy lùi ngu muội, mang lại an vui, hòa bình.

Anh Thư

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/le-hoi-anh-sang-diwali-an-do-co-gi-dac-biet-81418.html