Lễ đón bằng công nhận Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng 21/4, UBND xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) long trọng tổ chức Lễ đón bằng công nhận Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tới tham dự có các ông: Phan Văn Hùng, Phó Tổng Biên tâp Báo Nhân dân; Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo huyện Nghi Xuân cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Theo các tư liệu nghiên cứu, Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm (Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) có từ hàng trăm năm trước, gắn liền với tục thờ Cá Ông (cá voi) của ngư dân địa phương. Các sắc phong lưu giữ tại đền Đông Hải cho thấy, dưới triều Nhà Nguyễn, vào năm Thành Thái thứ 6 (1894) và năm Khải Định thứ 9 (1924), các nhà vua đã giao cho trang Cam Lâm (nay là làng Cam Lâm, xã Xuân Liên) phụng thờ vị tôn thần Đông Hải Cự Ngư Linh Ứng Chi Thần hay Đông Hải Linh Ứng tôn thần. Việc phụng thờ này cũng gắn liền với Lễ hội Cầu Ngư ở làng Cam Lâm.

Tiết mục văn nghệ chào mừng tại Lễ đón bằng công nhận Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ cầu ngư làng Cam Lâm diễn ra hằng năm vào dịp rằm tháng Giêng. Và cứ 3 năm một lần, người dân ở đây sẽ tổ chức lễ hội cầu ngư với nhiều nghi lễ như: Tế Cá Ông, rước Đông Hải Linh Ứng tôn thần... cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian sôi nổi. Đây là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh truyền thống của người dân làng Cam Lâm nói riêng và ngư dân các địa phương lân cận nói chung.

Đền Đông Hải nằm ở thôn Lâm Hải Hoa, xã Xuân Liên (trước đây là làng Cam Lâm). Làng Cam Lâm do 3 ông Trần Canh, Lê Công Toản và Nguyễn Như Tiến (có sách ghi là cụ Nguyễn Nhật Tân) xin bãi cát hoang ven biển rồi chiêu tập dân lập ấp. Từ mảnh đất cằn nay trở thành vùng đánh cá sầm uất.

Lễ rước bằng từ Đền Đông Hải ra trụ sở UBND xã tổ chức lễ đón nhận

Nghề đánh cá biển gắn với tập tục lâu đời của miền quê biển. Một buổi sáng, dân Cam Lâm thấy trên bãi cát làng có bộ xương cá voi trôi dạt vào. Vì cá voi được coi là cá thần (ngư thần), thường giúp ngư dân khi gặp nạn. Đã có nhiều chuyện kể lại khá ly kỳ. Như cá voi giúp nâng thuyền và đẩy vào gần bờ cứu người gặp nạn; người bị trôi ngoài biển thì cá voi nâng người và chở vào gần bờ, rồi lựa sóng để thả thuyền, thả người để sóng xô lên bãi cát... Những nghĩa cử ấy được con người ví cá voi như một vị thần, dân ở vùng này gọi là thần Đông Hải.

Xương cá voi khi dạt vào bờ, được bà con tổ chức lễ tang chôn cất chu đáo. Ngư dân còn lập bàn thờ; lúc đầu là một gian thờ sơ sài, nhưng khi cuộc sống của người dân biển sung túc hơn, họ xây dựng hẳn một đền thờ rất nghiêm cẩn. Đền thờ này về sau được một triều vua phong sắc hiệu thần Đông Hải là: “Đương giới quản hải đạo ngư ông lịch nậm linh ứng uông nhuận tùng ba lịch triều phong tặng hàm hoàng quang đại thượng đẳng tối linh thần”. Đền nằm hướng đông bắc, trên diện tích gần 2000m2, cấu trúc hình chữ đinh (giống chữ T) trông rất uy nghi, trầm mặc.

Đền Đông Hải ở thôn Lâm Hải Hoa, xã Xuân Liên

Chính giữa ngôi đền là mộ cá voi được ốp đá hoa cương màu đen (hai bên ngoài thượng điện có 17 mộ cá voi chôn sau). Phía trong là hương án xây, trên đặt bộ 3 long ngai bài vị bằng gỗ sơn son thếp vàng cùng bát hương và các đồ thờ thông dụng khác. Đền Đông Hải, xã Xuân Liên có 4 đạo sắc phong, năm 2017 được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Tục thờ Cá Ông tại làng Cam Lâm - xã Xuân Liên chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Một phong tục đã ăn sâu trong đời sống văn hóa nhằm thể hiện sự biết ơn của ngư dân dành cho Cá Ông, đồng thời là dịp để họ cầu mong, gửi gắm những hi vọng về một năm ra khơi suôn sẻ, thuận lợi và bình an với những khoang thuyền đầy ắp lộc trời.

Đông đảo bà con nhân dân và du khách thập phương tham gia lễ rước

Phần lễ của Lễ hội Cầu Ngư, ngư dân tổ chức một cách trang nghiêm, cung kính với đầy đủ các nghi thức truyền thống, nghinh thần, rước sắc, đọc văn tế,… Lễ rước sắc chính là phần mở đầu của Lễ hội Cầu Ngư (bắt đầu từ lăng Ông, tức là đền Đông Hải). Sau phần này, ngư dân tiếp tục thực hiện những lễ nghinh thủy, lễ rước hồn Thần Đông Hải.

Trước và sau khi kết thúc nghi lễ cầu cúng, phần hội trong Lễ hội Cầu Ngư được bắt đầu với một loạt những trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian như Trò Kiều và dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Ngoài ra, mọi người còn tổ chức các hoạt động thể thao sôi nổi như đua thuyền, đi cà kheo, kéo co, đấu võ cổ truyền,... Tất cả hoạt động này tạo nên bầu không khí lễ hội vừa trang nghiêm, nhưng cũng rất náo nhiệt và thú vị.

Với những giá trị văn hóa tâm linh, tập quán tín ngưỡng độc đáo, ngày 21/2/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 389/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại buổi lễ, ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng “Chứng nhận Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xuân Liên.

Trao bằng “Chứng nhận Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia” cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xuân Liên.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định những giá trị to lớn của Lễ hội Cầu Ngư trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Hà Tĩnh nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

"Lễ hội Cầu Ngư là sinh hoạt văn hóa mang đậm dấu ấn văn hóa biển và có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của những con người gắn bó với biển và sinh tồn trên biển. Văn hóa biển đã đi vào đời sống tâm linh tín ngưỡng của người dân một cách tự nhiên, nhân dân đã sáng tạo và thực hành các giá trị văn hóa ấy như một nhu cầu tất yếu của đời sống, lao động sản xuất. Hàng năm, Lễ hội được gắn liền với di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ Đông Hải, nơi đây ngư dân ven biển làng Cam Lâm tổ chức nghi lễ tín ngưỡng thành kính để tri ân Cá Ông - vị thần của biển cả nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, tàu thuyển ra khơi, vào lộng đấy ắp cá tôm. Đặc biệt, Lễ hội Cầu Ngư làng Cam Lâm chứa đựng các hình thức diễn xướng dân gian, gắn với trò Kiều, dân ca ví giặm, tập quán xã hội và các trò chơi truyền thống có từ lâu đời nhưng luôn được sáng tạo, thể hiện một cách sâu sắc và ấn tượng. Đoàn kết tương thân tương ái và kết nối cộng đồng của người dân Cam Lâm được trao truyền và kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác", ông Lê Ngọc Châu nhấn mạnh.

Ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại buổi lễ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện Nghi Xuân, xã Xuân Liên và các cấp, ngành trong huyện phải hết sức quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất, cùng bà con nhân dân tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý giá này của cha ông để lại. Đồng thời phát huy nội lực, tăng cường những biện pháp tích cực để quản lý, bảo vệ, tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm và phát huy tốt công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản; chú trọng công tác giáo dục truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Một số hình ảnh ghi nhận tại buổi lễ:

Trần Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/le-don-bang-cong-nhan-le-hoi-cau-ngu-lang-cam-lam-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post292577.html