Lễ cúng ông Táo nên có những gì?

Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, mỗi gia đình đều sắm sửa một mâm cỗ để làm lễ cúng ông Táo, tiễn ông Táo về trời gắn với tích 'hai ông một bà' - vị thần đất, vị thần nhà, vị thần bếp núc.

Tục lệ cúng ông Công, ông Táo hay còn gọi là lễ cúng ông Táo, đưa ông Táo về trời thường được người dân thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) hàng năm, không cần chọn giờ.

Ngoài mâm cỗ, dân gian còn cúng cả cá chép để thần Táo cưỡi về trời báo cáo Ngọc Hoàng mọi sự tốt lành, hay dang dở... trong một năm qua.

Tục lệ cúng ông Táo của người dân Việt

Theo nhà văn Sơn Nam trong tác phẩm Đi và ghi nhớ (NXB Trẻ 2023): "Hai mươi ba tháng Chạp âm lịch, tiễn ông Táo về trời. Cổ lệ là đốt ngay một con cá chép (xem như là cá lý ngư trong huyền thoại) sống bằng vàng mã ngoài các thứ vàng mã khác để các vị cưỡi lên trình diện Thượng Đế. Bản báo cáo được gọi là sớ Táo quân”

Theo GS-TSKH Trần Ngọc Thêm trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, 1996 viết: “Cuối năm, 23 tháng chạp là ngày Tết ông Táo, các gia đình sắm 2 mũ, ông 1 mũ bà 1 mũ để cúng bộ ba Thổ Công – Thổ Địa – Thổ Kì (trông coi việc chợ búa), gọi chung là ông Táo, cùng với cá chép để ông lên chầu Trời (người du mục thì đi ngựa, còn người vùng nông nghiệp, sông nước thì cưỡi cá!).

Mở đầu bằng tết Nguyên đán, kết thúc bằng tết ông Táo, để rồi đêm 30, ông Táo lại trở về, bước vào năm tiếp theo – hệ thống Lễ, Tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau”.

 Một mâm cúng đưa ông Táo. Ảnh: Tư liệu

Một mâm cúng đưa ông Táo. Ảnh: Tư liệu

Ông Công, Ông Táo gắn bó với gia đình Việt

Theo dân gian truyền lại, ngày 23 tháng Chạp là tiễn ông Táo về trời tấu trình với Ngọc Hoàng mọi sự ở trần gian….

Dân gian thường cúng ba con cá chép, mà cá chép trong truyền thuyết hóa rồng để ông Táo cưỡi về trời. Cá chép tượng trưng cho tư tưởng thăng hoa, vượt lên trong một năm.

Bên cạnh đó, tùy vào mỗi vùng miền, mâm cúng của mỗi nơi lại khác nhau. Nếu như miền Trung cúng xôi, chè ngọt thì miền Nam sẽ thường cúng Táo quân có chè trôi nước.

 Lễ cúng ông Táo không phải mời thầy cúng mà do gia chủ tự khấn. Khi cúng, chủ nhà phải trang phục chỉnh tề, thành tâm.

Lễ cúng ông Táo không phải mời thầy cúng mà do gia chủ tự khấn. Khi cúng, chủ nhà phải trang phục chỉnh tề, thành tâm.

Trước đây nhiều gia đình khi cúng Táo quân sẽ gọi hết con cháu đến nghe lời khấn, để con cháu cùng kiểm điểm với bố mẹ, cùng sám hối và biết phấn đấu, tu dưỡng trong năm mới.

Đây là điểm quan trọng nhất trong lễ cúng ông Táo vì nó mang tính giáo dục, tinh thần hướng thiện sâu sắc.

Bên cạnh đó, trong lễ cúng ông Táo, người dân cũng đốt hình nhân ông Táo, vàng bạc, ngựa bạch, nhà xe... Việc thả cá chép dưới sông, ao, hồ… để cá cùng đưa thần Táo về trời để tâu tất cả việc dưới trần gian này.

Đến 30 âm lịch, người dân lại rước ông Táo về ngự ở gia đình để xin phù hộ cho đất nước được thanh bình, nhân dân an lạc. Tất cả dân chúng đều cơm no áo ấm. Mọi người đều sống thoải mái qua đầu năm cho đến cuối năm.

THĂNG BÌNH (tổng hợp)

Nguồn PLO: https://plo.vn/le-cung-ong-tao-nen-co-nhung-gi-post774806.html