Lễ chùa đầu năm: Nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ

Ngoài phong tục đón giao thừa, cúng tất niên thì du xuân, lễ chùa đầu năm cũng đã trở thành nét văn hóa của người dân Việt.

Cầu, xin, vay, trả

Ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), người dân địa phương và du khách không quá xa lạ với một ngôi chùa nổi tiếng đó là chùa Vĩnh Nghiêm. Chùa tọa lạc trên khuôn viên rộng, thoáng với diện tích khoảng 6.000m2, sát đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM).

Lễ chùa đầu năm đã trở thành nét văn hóa của người dân Việt Nam từ bao đời nay. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Chùa Vĩnh Nghiêm là một công trình đồ sộ, có kiến trúc theo kiểu truyền thống với mái ngói đỏ uốn cong, là một công trình tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ 20. Đặc biệt, sau thời khắc giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, hàng nghìn người đã đến đây để lễ chùa đầu năm nhằm cầu mong sức khỏe, bình an cho bản thân, gia đình và những người thân yêu.

Có mặt tại chùa Vĩnh Nghiêm lúc 00h30 ngày mùng 1 Tết Giáp Thìn 2024, chị Nguyễn Hoài Bảo Châu (ngụ quận 5, TP.HCM) chia sẻ, đây là năm đầu tiên sau giao thừa, chị đến chùa Vĩnh Nghiêm.

Nhiều người đến Chùa để cầu sự bình an cho năm mới. (Ảnh: Minh Thảo)

Theo chị Châu, chị đến chùa để cầu bình an cho gia đình và muốn một lần cảm nhận không gian huyền bí khói hương nghi ngút tại đây.

“Tôi thấy bình yên khi đến chùa, tâm mình tịnh và suy nghĩ thấu đáo hơn. Tuy nhiên khi đến đây, thấy khá nhiều các bạn trẻ đến để cầu tình duyên tôi cũng thấy khá thú vị và thích thú. Năm sau, nếu không bận tôi sẽ lại tiếp tục đến chùa để chiêm nghiệm về bản thân, về cuộc đời”, chị Châu nói.

Không chỉ người lớn tuổi mà nhiều bạn trẻ cũng đến chùa sau thời khắc giao thừa để cầu bình an, may mắn, tình duyên. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Đối với người Việt, đi lễ chùa đầu năm thể hiện khát vọng của con người về một cuộc sống hạnh phúc, hướng tới nét đẹp chân - thiện - mỹ và cầu bình an. Tuy nhiên, xã hội phát triển, kinh tế phát triển, người dân đến với chùa không chỉ cầu bình an mà còn cầu tài, cầu lộc.

Anh Trần Minh Quang (quận Tân Bình, TP.HCM) - hiện là giám đốc một công ty lớn ở TP.HCM, cho biết, anh đến chùa trước là cầu bình an, sau là xin lộc làm ăn.

“Tôi năm nào cũng đến chùa xin lộc, không biết Phật có cho thiệt không nhưng xin thấy cũng được. Hoặc có thể vì có niềm tin, nên mình có động lực và cố gắng làm việc hết sức và thường đạt được thành quả như mong đợi”, anh Quang chia sẻ.

Ngôi chùa khói nhang nghi ngút tạo cho mọi người cảm giác linh thiêng. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Theo anh Quang, sau khi đi các chùa ờ TP.HCM, anh thường đi thêm các đền thánh và sau đó đi chùa Bà Châu Đốc ở tỉnh An Giang.

“Nghe nói chùa chỉ cho bình an, riêng xin lộc phải đi các đền thánh. Đặc biệt, tôi hay đi vay lộc ở chùa Bà Châu Đốc. Năm nào đầu tư lớn thì tôi sẽ vay chứ không xin. Có vay có trả, đầu năm nay vay, nếu thuận lợi thì đầu năm sau tôi sẽ đem lễ xuống để tạ”, anh Quang tâm sự.

Bình an trong tâm

Cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại nhưng thói quen đi chùa là một thói quen tốt, cần được lưu truyền và gìn giữ.

Thạc sĩ Giang Hữu Tâm, giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nhận định, đi chùa, lễ bái thì đi ngày nào cũng tốt, không nhất thiết phải đi ngày mùng 1 hay ngày rằm, hay cần cầu xin gì mới đi tới chùa.

“Người dân thường dồn hết sức lực để đi chùa ngày mùng 1 Tết bởi vì quan niệm ngày mùng 1 mới linh thiêng, cầu xin bất cứ điều gì cũng sẽ được đáp ứng, quan niệm đó là sai hoàn toàn”, thạc sĩ Hữu Tâm khẳng định.

Theo thạc sĩ Hữu Tâm, đi chùa ngày mùng 1 Tết chỉ khác các ngày lễ khác tại chùa là được trang trí lộng lẫy, thường sẽ có buổi tụng kinh cầu bình an từ 00h00 đến 01h00 ngày mùng 1 Tết và được các vị trụ trì của chùa hoặc sư thầy ở chùa lì xì lộc đầu năm.

“Lộc đầu năm nhận tại chùa thường được bỏ trong bao thư đỏ. Bên trong có một tờ tiền mệnh giá rất nhỏ và bài thơ nhằm nhắc nhở quý Phật từ sống bình an, hướng đến điều thiện, không tham sân si”, thạc sĩ Hữu Tâm cho hay.

Gia đình người dẫn chương trình Trần Ngọc đi lễ chùa đầu năm Giáp Thìn năm 2024. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thạc sĩ Hữu Tâm cho biết thêm, hiện nay có rất nhiều người đến chùa không chỉ để cầu bình an mà chủ yếu để xin, xin lộc, xin tài, xin đủ thứ, vay có trả lễ là hoàn toàn sai lệch với nét đẹp văn hóa đi chùa đầu năm.

“Đối với nhiều gia đình, việc đi lễ chùa đầu năm còn để con cái có thể hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại cuộc sống lo toan bộn bề của năm cũ, giúp lòng người thanh thản, tâm sáng để có thể bước tiếp ở năm mới thật bình an”, thạc sĩ Tâm chia sẻ.

Thạc sĩ Hữu Tâm khẳng định, đi chùa là để noi theo gương của Đức Phật, Mẹ Quan Âm để bản thân sống tốt hơn, thiện lành hơn. Không thể chỉ xin từ một phía, như vậy là không đúng theo quy luật nhân quả. Cứu người là tích đức cho bản thân, sống không tham, sân, si, không trộm cướp, sống lương thiện là bản thân đã tự tích đức và bình an cho chính bản thân và những người thương yêu.

Thói quen đi chùa là một thói quen tốt, cần được lưu truyền và gìn giữ.

Đối với mỗi người dân, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, qua đó không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, mà còn vun đắp cho tinh thần người Việt thêm trân trọng những giá trị cội nguồn.

“Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên thanh thản. Đi Chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa cần được lưu truyền, gìn giữ theo đúng hướng, tránh để lệch lạc, biến việc đi Chùa thành thương mại hóa, để kẻ gian vụ lợi. Nhưng dù sao, đi Chùa với mục đích là cầu duyên, cầu bình an, cầu tài, cầu lộc hay để xin bất cứ điều gì đầu năm vẫn tốt hơn là đi đánh bạc, đánh đề đầu năm”, ThS Hữu Tâm nhấn mạnh.

Lâm Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/le-chua-dau-nam-net-dep-van-hoa-can-duoc-gin-giu-166166.html