Lầu Năm Góc lên tiếng về vụ tên lửa Nga bay vào không phận Ba Lan

Tiếp theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc đã nêu quan điểm liên quan tới vụ tên lửa của Liên bang Nga bay vào không phận Ba Lan hôm 24/3.

Tại buổi họp báo hôm 26/3, theo giờ địa phương, Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc, bà Sabrina Singh đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Andrzej Szejna rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang cân nhắc khả năng bắn hạ tên lửa Nga nếu chúng đi quá gần biên giới của liên minh quân sự này.

Bà Singh cho biết: "Điều tôi có thể nói với bạn là điều mà chính quyền này (Mỹ) đã nói nhiều lần là chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO. Nếu một đồng minh NATO bị tấn công, chúng tôi chắc chắn không muốn chứng kiến điều đó, nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO”.

Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh ưu tiên của Mỹ trong bối cảnh hiện nay là tiếp tục cung cấp cho Ukraine những vũ khí cần thiết.

Bà Singh nói: " Quốc hội vừa thông qua ngân sách cho năm tài khóa 2024, vì vậy, chúng tôi hy vọng khoản (viện trợ) bổ sung dành cho Ukraine cũng được thông qua để chúng tôi tiếp tục trang bị cho Ukraine những thứ họ cần trên chiến trường”.

Trước đó, vào hôm 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller nêu rõ: “Cam kết của chúng tôi với NATO và an ninh của các đồng minh NATO của chúng tôi, trong đó tất nhiên bao gồm cả Ba Lan, là chắc chắn và sẽ không dao động”

Hệ thống tên lửa phòng không Patrion triển khai ở Ba Lan. Ảnh: Defense24

Vào lúc 4 giờ 23 phút sáng 24 tháng 3, một tên lửa hành trình phóng từ máy bay chiến đấu tầm xa của Nga đã bay vào không phận Ba Lan ở phía trên làng Oserdów thuộc tỉnh Lublin và ở đó trong 39 giây.

Ba Lan đã buộc phải điều động các máy bay chiến đấu của mình để bảo vệ không phận của mình. Hệ thống radar quân sự của Ba Lan cũng được lệnh bám theo tên lửa Nga, nhưng không hành động khi tên lửa đó hướng về phía Ukraine.

Sau vụ việc, Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu tập Đại sứ Liên bang Nga tại nước này, ông Sergei Andreyev, để phản hồi vụ việc. Tuy nhiên, theo tờ Kyiv Independent, quan chức ngoại giao Nga đã từ chối yêu cầu.

Tiếp đó, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Andrzej Szejna đã đăng đàn, tuyên bố: “Liên bang Nga không muốn khiêu khích bất cứ điều gì, vì người Nga biết rằng nếu tên lửa tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ba Lan, nó sẽ bị bắn hạ”.

Theo ông Szejna, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang phân tích hàng loạt ý tưởng khác nhau, bao gồm cả việc bắn hạ các tên lửa Nga khi chúng ở rất gần biên giới của NATO.
Tuy nhiên, khả năng trên chỉ xảy ra khi có sự đồng ý của Ukraine và có tính đến những hệ lụy quốc tế bởi tên lửa của NATO có thể sẽ bắn trúng tên lửa Nga bên ngoài lãnh thổ liên minh quân sự này.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Vladislav Kosiniak-Kamysz đã tuyên bố Ba Lan sẽ bắn hạ tên lửa Nga nếu có dấu hiệu cho thấy chúng đang hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ Ba Lan.

Vụ việc xảy ra sáng 24/3 không phải là lần đầu tiên tên lửa Nga bay vào không phận Ba Lan.

Ngày 29/12/2023, tên lửa Nga đã bay qua không phận Ba Lan trong khoảng 3 phút, cũng tại khu vực Lublin, khiến hệ thống phòng thủ của nước này đặt trong tình trạng báo động cao.

Tiếp đó vào ngày 7/2/2024, một tên lửa khác của Nga được cho là đã "tiếp cận biên giới Ba Lan một cách nguy hiểm".

Thành Nam/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/lau-nam-goc-len-tieng-ve-vu-ten-lua-nga-bay-vao-khong-phan-ba-lan-20240327191046434.htm