Lầu Năm Góc cảnh báo sắp hết kinh phí viện trợ Ukraine

Lầu Năm Góc cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng khoản ngân sách hỗ trợ cho Ukraine sắp cạn kiệt, đồng thời nêu hậu quả đối với cuộc phản công của Kiev nếu Washington không tiếp tục viện trợ quân sự một cách kịp thời.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp tại Washington, ngày 21/9. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp tại Washington, ngày 21/9. Ảnh: AP

AP đưa tin, trong một lá thư gửi Quốc hội Mỹ ngày 2/10, Giám đốc tài chính Lầu Năm Góc Michael McCord đã kêu gọi các nhà lập pháp cần bổ sung khoản viện trợ cho Ukraine.

Yêu cầu này được đưa ra vài ngày sau khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn vào phút cuối nhằm ngăn chặn việc chính phủ liên bang đóng cửa, nhưng không bao gồm khoản viện trợ bổ sung cho Kiev.

Quan chức này cho biết Mỹ đã hoàn toàn cạn kiệt nguồn tài trợ dài hạn cho Kiev thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine - quỹ cung cấp tiền để ký hợp đồng mua vũ khí trong tương lai. "Chúng tôi chỉ còn 1,6 tỷ USD ngân sách hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong tổng số 25,9 tỷ USD đã được Quốc hội phê duyệt trước đó", ông cho hay.

Ông Michael McCord đồng thời nhấn mạnh rằng Lầu Năm Góc cũng cần kinh phí để bổ sung cho kho dự trữ quân sự - vốn đã được trích một phần để gửi tới Ukraine thông qua các gói viện trợ an ninh.

Ông nêu rõ, nếu yêu cầu ngân sách không được đáp ứng, Lầu Năm Góc có thể phải trì hoãn hoặc cắt giảm cung cấp cho Ukraine những khí tài quân sự "quan trọng và cấp bách" như vũ khí phòng không, đạn dược, máy bay không người lái, các thiết bị phá hủy, trong bối cảnh Nga chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công mùa đông.

Bức thư của quan chức Lầu Năm Góc cũng lưu ý rằng: "Việc trì hoãn cấp ngân sách bổ sung cho Ukraine có thể bị coi là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Mỹ đang lung lay và làm suy giảm các cam kết hỗ trợ trước đây. Các đồng minh và đối tác của Mỹ từ đó cũng hoài nghi và khó có thể duy trì mức độ hỗ trợ nếu không có động thái rõ ràng từ Mỹ".

Ngoài ra, ông cho biết: "Chúng tôi đã buộc phải giảm tốc độ bổ sung lực lượng của mình để phòng ngừa một tương lai tài chính không chắc chắn. Việc không bổ sung kịp thời các binh sĩ nghĩa vụ có thể gây tổn hại đến khả năng sẵn sàng của quân đội".

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/10 đã trấn an rằng: “Tôi muốn khẳng định với các đồng minh, với người dân Mỹ và người dân Ukraine rằng mọi người có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ rời đi”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Kuleba nói với các phóng viên rằng Kiev vẫn tin tưởng vào sự ủng hộ của Washington, đồng thời cho biết nước này đang có các cuộc thảo luận rất sâu sắc với cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Mỹ là quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất và kêu gọi các đồng minh hỗ trợ Kiev. Cho đến nay, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt 110 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, trong đó có khoảng 49,6 tỷ USD viện trợ quân sự.

Hồi tháng 8 năm nay, Tổng thống Biden đã đề nghị Quốc hội viện trợ thêm 24 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, những tranh cãi liên quan đến viện trợ cho Kiev là một trong những nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán ngân sách giữa các nghị sĩ rơi vào bế tắc.

Các thành viên lưỡng đảng trong ban lãnh đạo Thượng viện Mỹ hôm 28/9 đã đưa ra một tuyên bố chung cam kết sẽ bỏ phiếu về việc tài trợ thêm cho Ukraine "trong những tuần tới". Đồng thời, Quốc hội Mỹ sẽ cần đàm phán một dự luật tài trợ khác vào giữa tháng 11.

Theo AP, những nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm tiếp tục viện trợ cho Ukraine đang gặp phải sự phản đối đáng kể từ một số thành viên đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn. Điều này cho thấy sự thay đổi ngày càng tăng theo hướng lập trường biệt lập hơn của một số thành viên đảng Cộng hòa.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, người đã ký luật ngân sách để ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa, nói trên CBS hôm 1/10 rằng mặc dù ông ủng hộ Kiev trong cuộc chiến chống lại Moscow, nhưng ông tin rằng những vấn đề gần gũi – chẳng hạn như an ninh biên giới phía nam của Mỹ – đang là mối quan tâm cấp bách hơn.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/lau-nam-goc-canh-bao-sap-het-kinh-phi-vien-tro-ukraine-post27610.html