Lập quy hoạch phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững cố đô Huế

Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức lấy ý kiến cộng đồng và tham vấn của các chuyên gia về Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Một trong những vấn đề được quan tâm đó là cần hài hòa trong quá trình quy hoạch, bảo tồn và phát triển bền vững gắn với sinh kế của cộng đồng dân cư.

Tham gia góp ý kiến về Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, công tác quy hoạch cần căn cứ vào thực tế hiện nay của Quần thể Di tích Cố đô Huế. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến dân cư đang sinh sống ở khu vực di sản và vùng phụ cận.

Nhiều di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế được trùng tu, tôn tạo

Nhiều di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế được trùng tu, tôn tạo

Theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Đức Cường, việc triển khai quy hoạch, bảo tồn cần có sự tham gia góp ý của cộng đồng, thống nhất bàn bạc để hài hòa giữa sinh kế và bảo vệ, phát huy giá trị di sản.

“Di sản chỉ có thể có sức sống khi gắn với cuộc sống bình thường của người dân. Khi có sự điều chỉnh quy hoạch thì dứt khoát phải đụng chạm đến những nơi người dân đang sinh sống. Do vậy, cần phải có sự bàn bạc kỹ với người dân để làm thế nào vừa bảo tồn được di tích nhưng đồng thời cũng đảm bảo cuộc sống cho người dân”. Ông Trần Đức Cường nêu ý kiến.

Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế thu hút sự quan tâm của người dân và các chuyên gia

Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế thu hút sự quan tâm của người dân và các chuyên gia

Tiến sỹ Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, dự thảo quy hoạch lần này nêu được nhiều giải pháp khả thi: “Bảng quy hoạch lần này cũng đã xây dựng, đề xuất được những giải pháp mang tính chất khả thi. Trong đó, đề cập đến vấn đề trồng rừng, cải tạo sông Hương, hệ thống thủy lợi, công tác quy hoạch sử dụng đất đai, phân vùng thành phố Huế nói riêng cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Những giải pháp như thế nếu được thực hiện thì sẽ tạo ra những bước phát triển mới trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô Huế”.

Công tác bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế được chú trọng

Công tác bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế được chú trọng

Trải qua nhiều giai đoạn, công tác quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế lần này thể hiện rõ quan điểm hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị của di sản gắn với sông Hương và hệ thống Kinh thành Huế. Song song với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Kinh thành Huế ở phía Bắc sông Hương, các chuyên gia đề nghị cần chú trọng khai thác lợi thế, tiềm năng phát triển khu vực phía Nam và các vùng phụ cận cho phù hợp với định hướng chung của một đô thị di sản.

Cố đô Huế luôn hấp dẫn du khách

Cố đô Huế luôn hấp dẫn du khách

Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam gợi ý, quy hoạch, bảo tồn di sản vật thể cần lấy giá trị di sản phi vật thể làm nòng cốt, tiếp cận với những yếu tố hiện đại để phát huy giá trị di sản và có sự tương tác của cộng đồng.

“Chúng ta không phải chỉ ôm lấy cái “cổ” và giữ chặt nó. Thừa Thiên Huế chỉ có thể giàu lên được trên nền tảng Cố đô nhờ tiếp cận những yếu tố hiện đại. Cấu trúc hiện đại, công cụ hiện đại…, sẽ giúp cho Cố đô Huế tỏa sáng. Một bên là sự trầm mặc, một bên là sự tận hưởng, tưng bừng, sôi nổi… Du khách đến Huế phải mua sắm, vui chơi, thức đêm như thế nào… ” - Tiến sĩ Trần Đình Thiên nêu ý kiến.

Công tác Quy hoạch, bảo tồn,phát huy giá trị di sản cố đô gắn với cộng đồng dân cư

Công tác Quy hoạch, bảo tồn,phát huy giá trị di sản cố đô gắn với cộng đồng dân cư

Sau 30 năm kể từ khi được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã trải qua 2 lần quy hoạch (giai đoạn 1996-2010 và giai đoạn 2010-2020). Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chú trọng phục dựng, bảo tồn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; Quần thể Di tích Cố đô Huế ngày một hồi sinh.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 đồ án quy hoạch gồm: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tất cả đều hướng đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự thảo quy hoạch lần này nêu được nhiều giải pháp khả thi

Dự thảo quy hoạch lần này nêu được nhiều giải pháp khả thi

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Chúng tôi quyết tâm để làm sao biến những giá trị văn hóa, những giá trị của Quần thể di tích Cố đô Huế thực sự trở thành những tiềm năng, sức mạnh để phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế xứng đáng với vị trí, vai trò trong quá trình hình thành và phát triển của địa phương. Từ đó, đóng góp thực chất vào bức tranh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Việt Nam, với vai trò là trung tâm văn hóa, du lịch lớn của cả nước, trở thành đô thị Trung ương trong thời gian tới”.

Vinh Thông/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/lap-quy-hoach-phai-hai-hoa-giua-bao-ton-va-phat-trien-ben-vung-co-do-hue-post1057429.vov