Lập pháp vì dân

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, Quốc hội đã tổ chức 5 kỳ họp bất thường. Và bởi vậy, các kỳ họp bất thường đã trở thành bình thường.

Hiểu đơn giản, bất bình thường nghĩa là việc khác với bình thường. Với các kỳ họp bất thường của Quốc hội thì đây là những kỳ họp ngoài quy định của Luật Tổ chức Quốc hội đó là Quốc hội họp hai kỳ thường lệ mỗi năm. Cho nên, như tên gọi các kỳ họp này được tổ chức để xem xét các vấn đề cần thiết, cấp bách, không thể chờ đến kỳ họp thường lệ.

Có thể điểm qua những nội dung chính của các kỳ họp bất thường. Kỳ họp bất thường thứ nhất (khai mạc ngày 4.1.2022) - kỳ họp chưa từng có tiền lệ, đã xem xét, biểu quyết thông qua 1 luật, 3 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của kỳ họp, từ đó biến "nguy" thành "cơ", trong đó quyết định nổi bật là Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 8% GDP để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02% - mức kỷ lục trong hơn 10 năm qua.

Tương tự, các Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, thứ Ba và thứ Tư, ngoài công tác nhân sự, hàng loạt các vấn đề quan trọng, cấp bách như Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Hay như một nội dung rất lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ như Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua.

Cho đến Kỳ họp bất thường lần thứ Năm diễn ra vào những ngày đầu của năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Như khẳng định của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, những nội dung này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài, là minh chứng cho tinh thần lập pháp vì dân.

Vì là kỳ họp bất thường nên thời gian chuẩn bị không nhiều, các nội dung được đưa ra xem xét, quyết định là những nội dung lớn, cấp bách, tác động trực tiếp đến quá trình phục hồi, phát triển của đất nước nhưng công tác chuẩn bị được thực hiện hết sức khẩn trương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là kỳ họp bất thường chỉ giải quyết vấn đề cấp bách, được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận cao. Bất thường chỉ là tiến độ chứ không coi nhẹ chất lượng. Vấn đề cấp bách mà chưa chuẩn bị kịp thì đưa vào phiên thường kỳ, đó là nguyên tắc.

Và trên thực tế, những quyết sách kịp thời, trúng và đúng vấn đề của Quốc hội tại các kỳ họp bất thường đã góp phần quan trọng đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.

Vậy nên, những kỳ họp "bất thường" đang trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội, thể hiện đúng tinh thần Quốc hội đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, cùng Chính phủ giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Từ đó đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, vì quốc kế dân sinh, vì sự phát triển của đất nước.

Khương Ninh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/lap-phap-vi-dan--i358110/