Lập nguồn mô, tạng cứu người

Mỗi năm nước ta có khoảng 7.000-8.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó 80% là nạn nhân trẻ tuổi. Nếu làm tốt công tác vận động hiến tặng thì nguồn tạng phong phú này không bao giờ lãng phí

Ngày 5-4, tại TP HCM đã diễn ra hội nghị phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng khu vực phía Nam và trao quyết định thành lập Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đồng thời Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cũng triển khai một số hoạt động trọng tâm giai đoạn 2023-2028.

Bỏ cuộc vì mỏi mòn chờ tạng

Tham dự hội nghị, ngoài lãnh đạo Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, còn có lãnh đạo các bệnh viện lớn tại TP HCM, Bệnh viện Đa khoa ở các tỉnh, thành: Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Nai, Kiên Giang, Bình Dương…

Theo TS-BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, tại các nước phát triển, việc hiến tạng đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp này. Trong khi đó, cả nước đang có hàng chục ngàn người đang chờ được ghép mô, tạng để duy trì sự sống.

Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - cho biết với những người bị suy tạng giai đoạn cuối thì phương pháp hiệu quả nhất để kéo dài sự sống chính là ghép tạng. Hiện nay, danh sách bệnh nhân chờ ghép trên cả nước đang ngày càng kéo dài nhưng số người được ghép tạng thì quá ít ỏi. Nguyên nhân của tình trạng trên là do thiếu nguồn tạng hiến.

Theo Bộ Y tế, sau 32 năm thực hiện ca ghép tạng đầu tiên và 14 năm triển khai công tác lấy tạng từ người cho chết não, Việt Nam đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép mô, bộ phận cơ thể người. Trong đó, có 6.764 ca ghép thận, 456 ca ghép gan, 65 ca ghép tim, 1 ca ghép thận - tụy, 1 ca ghép tim - phổi. Ngoài ra, có một số ca ghép chi trên và ghép ruột…

Hiện tại, có gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan. Hơn 10 năm qua, chỉ có 5 bệnh viện thực hiện kỹ thuật ghép tạng, có chẩn đoán chết não và hồi sức chết não hiến mô, bộ phận cơ thể người. Đây là một lý do khiến tỉ lệ người chết não hiến tạng còn rất thấp tại Việt Nam.

PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho biết tại Việt Nam, trung bình chỉ có 0,15% ca chết não hiến tạng. Trong khi đó, tại các nước châu Âu, Bắc Mỹ, tỉ lệ người chết não hiến tạng lên đến 50%-60%, thậm chí hơn 90%. Rất gần với nước ta, tại Thái Lan, chỉ trong năm 2022 đã có 547 ca ghép thận từ người cho chết não (trong tổng số 700 ca ghép), bằng số lượng ca ghép tạng từ người chết não của Việt Nam trong 13 năm. Ở Trung Quốc có 10.187 ca ghép thận, trong đó có 5.304 ca ghép gan từ người chết não, tim.

"Chính vì không có mô, tạng nên 26 cơ sở hoạt động ghép tạng, ghép mô của Việt Nam đều kém hiệu quả, không đồng đều, ít đầu tư. Thực trạng hiện nay nhiều bệnh viện phải dừng ghép tạng, nguyên nhân không phải do họ không làm được mà là do không có tạng để ghép" - ông Hệ trăn trở.

Đừng để lãng phí đáng tiếc

Theo các chuyên gia, nguồn mô, tạng nước ta rất phong phú, là nguồn sống cho bao cảnh đời đang mỏi mòn chờ ráp nối tạng để hồi sinh. BSCKII Trương Công Thành, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, cho rằng mỗi năm nước ta có khoảng từ 7.000-8.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó 80% nạn nhân là người trẻ. Nếu làm tốt công tác vận động hiến tặng nguồn tạng phong phú này là rất ý nghĩa, không bao giờ lãng phí.

"Sau 20 năm thực hiện với tất cả tâm huyết, đến nay kỹ thuật ghép tạng của chúng ta đã là "trong tầm tay", từ ghép các bộ phận đơn giản đến thực hiện chuyên môn phức tạp song đáng tiếc là thiếu nguồn hiến tạng. Do tình trạng nhiều người nằm chờ ghép dẫn đến tệ nạn buôn bán tạng. Có 1 công trình nghiên cứu chỉ ra rằng 78% đồng ý hiến tạng. Hiến tạng là chiến lược lớn của Bộ Y tế, do đó cần lan tỏa nghĩa cử cao đẹp, lòng nhân, tính thiện" - GS-TS-BS Trần Ngọc Sinh, chuyên gia ghép tạng Việt Nam, nói.

Đến nay, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận hơn 47.000 đơn đăng ký hiến tạng. Từ kết quả cùng kinh nghiệm có được từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ Y tế - Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người quyết định thành lập Chi hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam khu vực phía Nam với mong muốn phát triển hệ thống mạng lưới tư vấn, vận động hiến, lấy, ghép tạng từ người cho chết não có tính thống nhất trong toàn quốc. Đây là hoạt động điểm nhấn, cùng chung tay lập nguồn mô tạng cứu người. Chi hội mạng lưới phía Nam gồm 61 thành viên, trong đó 51 thành viên thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 thành viên Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, 4 thành viên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và 5 thành viên Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Tiếp nhận thêm nhiệm vụ mới - Trưởng Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại phía Nam, TS-BSCKII Nguyễn Tri Thức chia sẻ đây là niềm vinh hạnh và trách nhiệm với sự tín nhiệm này. Theo ông, để thay đổi được nhận thức xã hội về hiến tạng, cần có sự ủng hộ của xã hội và các cơ quan chức năng, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bản chất của việc hiến tạng và ý nghĩa to lớn của nghĩa cử cao đẹp này. Việc tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết, thay đổi thái độ, thu hút sự quan tâm ủng hộ của các cấp, ngành, cũng như các tầng lớp dân cư trong cộng đồng là hết sức cần thiết.

"Chi hội tại Bệnh viện Chợ Rẫy là cánh tay nối dài cho mạng lưới điều phối hiến ghép tạng quốc gia, góp phần tạo ra nguồn tạng phong phú, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Có 4 nội dung rất quan trọng trong vấn đề hiến ghép tạng, đó là vận động, điều phối, ghép và hồi sức. Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh và phát triển mạng lưới tư vấn để nhận được nhiều sự hưởng ứng của cộng đồng, đem nhiều cơ hội sống cho nhiều người bệnh" - Trưởng Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại phía Nam nhấn mạnh.

10 chìa khóa phát triển nguồn tạng

PGS-TS Đồng Văn Hệ chỉ ra 10 chìa khóa để phát triển nguồn tạng. Trong đó, 7 yếu tố liên quan đến bệnh viện như cần có tổ tư vấn chuyên nghiệp, đào tạo liên tục, văn hóa hiến, kế hoạch, tăng cường nguồn hiến, sự ủng hộ của lãnh đạo, mạng lưới các bệnh viện. 3 yếu tố là hệ thống các luật liên quan đến hiến ghép tạng, quản lý thông tin, trung tâm điều phối cần làm tốt để phát triển nguồn tạng hiến ghép từ người cho chết não.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lap-nguon-mo-tang-cuu-nguoi-19624040520173906.htm