Lập hội nhóm gây mất an ninh, trật tự sẽ bị xử lý thế nào?

Chỉ vì đi chơi bị nhóm thanh niên lạ mặt đuổi đánh, Phạm Văn N (SN 2006) đã phát tiết ấm ức trong lòng bằng cách lên mạng lập hội nhóm, kêu gọi người đi đánh nhau. Thậm chí nhóm này còn chuẩn bị hung khí, thể hiện nhiều hành vi quá khích, liều lĩnh, manh động…

Tang vật bị CQCA thu giữ. Ảnh: CA huyện Thạch Thất

Tang vật bị CQCA thu giữ. Ảnh: CA huyện Thạch Thất

Theo CQCA, Phạm Văn N (SN 2006, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) từng bị nhóm thanh niên lạ mặt đuổi đánh khi đi chơi tại khu vực đập Quán Trăn (trú tại xã Tân Xã, huyện Thạch Thất). Do vậy, N đã lập nhóm chat mang tên “Tự lực gánh sinh” trên Facebook với mục đích quy tập nhóm bạn hẹn đi đánh nhau.

Sau đó không lâu, nhóm này đã tập hợp được khoảng 15 thanh thiếu niên trú tại các huyện ngoại thành Hà Nội như Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì tham gia. Cả nhóm thống nhất góp mỗi người 30.000 đồng để mua tuýp sắt, dao làm hung khí để đi đánh nhau.

Chiều ngày 5/7, các thanh niên này đi mua tuýp sắt, dao quắm, dao bầu,… rồi về nhà tự hàn nối thành “phóng lợn”. Khoảng 18h ngày 6/7, N nhắn tin lên nhóm rủ mọi người mang theo hung khí đi đến đập Quán Trăn (trú tại xã Tân Xã, huyện Thạch Thất) để đánh nhau.

Các đối tượng sau đó đã rủ thêm hơn 10 nam thanh niên khác đến điểm hẹn. Thời điểm này, nhóm của N điều khiển 7 xe máy, mang theo rất nhiều hung khí nguy hiểm đi đến khu vực Hòa Lạc, Hạ Bằng… thuộc huyện Thạch Thất.

Cả nhóm điều khiển xe máy thành đoàn nối đuôi nhau với vận tốc nhanh, rú ga, bấm còi, lạng lách. Thậm chí các đối tượng còn cầm dao phóng lợn, tuýp có gắn dao quắm và tuýp sắt giơ lên cao, hoặc quệt xuống đường bắn ra tia lửa để thị uy trên đường, khiến người dân sinh sống ven đường sợ hãi, gây mất an ninh trật tự.

Sau khi đi dọc nhiều tuyến đường mà không gặp được "con mồi" nào, nhóm của N tiếp tục chạy vào khu Công nghệ cao Hòa Lạc và bắt gặp một nhóm thanh niên lạ mặt đang đứng chơi trú tại cầu Đỏ. Sau đó, nhóm của N dừng xe lại, các thanh niên trong nhóm tay cầm hung khí, miệng liên tục chửi bới, khiêu khích và lao vào đánh nhóm thanh niên đang đứng trú tại cầu Đỏ.

Lúc này, tổ tuần tra thuộc CA huyện Thạch Thất tuần tra đến phát hiện đã khẩn trương trấn áp. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã bắt giữ 18 đối tượng, thu giữ 2 tuýp sắt, 1 gậy 3 khúc và nhiều tang vật khác.

Theo chuyên gia pháp lý, tội gây rối trật tự công cộng có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 318 Bộ Luật hình sự 2015 với 2 khung hình phạt, cụ thể như sau:

Tại khung 1, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Tại khung 2, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở tại giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.

Tuy nhiên, việc gây rối trật tự công cộng "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” theo quy định của Bộ Luật hình sự 2015 thì hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn hay quy định cụ thể mặc dù Bộ Luật hình sự 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Điều này phần nào gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật về tội gây rối trật tự công cộng.

Ở vụ việc nêu trên, các đối tượng có liên quan đã có những hành vi như rủ rê lôi kéo nhóm bạn đi đánh nhau, chuẩn bị hung khí, điều khiển xe với tốc độ cao, lạng lách đánh võng, thậm chí còn ngang nhiên cầm hung khí đi ngênh ngang ngoài đường,… thậm chí còn vô cớ khiêu khích và lao vào đánh một nhóm thanh niên lạ mặt trên đường.

Những hành vi này đã thể hiện sự liều lĩnh, manh động, gây mất an ninh trật tự, gần phải nghiêm trị để răn đe các đối tượng khác. Bên cạnh việc xử lý nghiêm đúng người, đúng tội, do có nhiều đối tượng cũng đang trong độ tuổi thanh, thiếu niên nên cũng cần kết hợp hài hòa, áp dụng các biện pháp khác như giáo dục, tuyên truyền để các đối tượng nhận ra sai lầm, tránh đi vào “vết xe đổ”.

Duy Minh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/lap-hoi-nhom-gay-mat-an-ninh-trat-tu-se-bi-xu-ly-the-nao-349482.html