Lấp dần những hố sâu

UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Cửa Lò năm 2024 rất ấn tượng tại quảng trường Bình Minh với khoảng 3,5 vạn người tham dự.

Trong không khí tấp nập của lễ hội, biển xanh, cát trắng, nắng vàng, ít người chú ý đến cùng thời gian này, một sự việc xảy ra tại đây, được tính toán kỹ, lợi dụng "kẽ hở" từ sự thu hút của sự kiện để làm liều. Đơn vị thi công dự án kè biển là Công ty TNHH Tân Hưng đã hút cát trên bãi biển Cửa Lò để đắp ta luy kè phía Tây tiếp giáp với lâm viên phía Đông đường Bình Minh, tạo nên hố sâu nguy hiểm. Cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu nhà thầu khắc phục, hoàn trả mặt bằng.

Giữa khu du lịch đông đúc và tấp nập, hơn 550m3 cát đã bị hút lên trái phép và theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng khối lượng khoáng sản khai thác trái phép từ 50m3 trở lên thì mức phạt tiền từ 150 đến 200 triệu đồng.

Một vị trí bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) bị khai thác cát trái phép được phát hiện ngày 15-4-2024. Ảnh: baonghean.vn

Hai sự việc trên dường như chẳng liên quan gì đến nhau: Trong bức tranh rộn ràng của Lễ hội Du lịch Cửa Lò, nơi màu sắc và âm nhạc, văn hóa hòa quyện, có một góc khuất là hành vi hút cát của Công ty TNHH Tân Hưng tạo nên hố sâu nguy hiểm trên bãi biển.

Nhưng nghĩ kỹ thì có mối liên quan giữa tư duy, thái độ của con người trong ứng xử với tự nhiên, một "hố sâu" về ý thức, trách nhiệm. Điều đó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm quyền được sống trong môi trường lành mạnh, an toàn của cộng đồng.

Những ví dụ thực tế như trên, thật đáng buồn, đang diễn ra ở không ít địa phương. Mỗi hành động như thế, dù nhỏ, đều có thể gây hậu quả lớn và trên hết, nó phản ánh quan niệm thực dụng, nơi lợi ích kinh tế ngắn hạn được đặt lên trên sự bền vững của môi trường, đồng thời, chỉ vì một chút lợi ích cục bộ mà sẵn sàng phạm pháp. Đây là một thách thức lớn trong quản lý và bảo vệ thiên nhiên, khi sự phát triển kinh tế và bảo tồn môi trường cần phải đi đôi với nhau.

Lễ hội Du lịch Cửa Lò được tổ chức hằng năm, ngày càng lan tỏa giá trị văn hóa, luôn được người dân địa phương cũng như du khách trông đợi. Hố sâu trên bãi biển Cửa Lò tuy đã được lấp lại, nhưng làm thế nào để những “hố sâu” tương tự không xuất hiện nữa?

Những “hố sâu” về trách nhiệm cộng đồng, những “hố sâu” về văn hóa trong kinh tế thị trường cần được lấp dần và lấp đầy, để những suy ngẫm, mong ước của chúng ta với tư cách là chủ thể văn hóa trong sự tương tác khoan hòa với thiên nhiên, không thành vô nghĩa.

NGUYÊN HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lap-dan-nhung-ho-sau-774224