Lao xuống sông lạnh giá cứu người: Người tốt việc tốt cần được lan tỏa

Những ngày Tết cận kề, giữa bộn bề thông tin trên các phương tiện truyền thông, người ta thấy sáng lên những câu chuyện người tốt việc tốt lay động trái tim.

Đó là hành động dũng cảm của ông Hoàng Ngọc Lương (trú tại thôn Đức Cường, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) bất chấp tiết trời rét buốt lao xuống sông cứu nữ tài xế mắc kẹt trong ô tô.

Theo đó, ngày 29/1 là ngày con trai ông được xuất ngũ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Khoảng 11h trưa, trên đường đón con trai từ huyện đội về đến đoạn cầu Các Già (xã Tây Giang, huyện Tiền Hải) thì thấy xe ô tô đang chìm dưới sông.

Khi nghe người dân bảo có người bên trong, không đắn đo, ông lập tức cởi bỏ áo khoác lao xuống dòng nước trong thời tiết chỉ khoảng 10 độ C. Sau khi đưa được người bị nạn lên bờ, ông đã nhanh chóng rời đi.

Ông Hoàng Ngọc Lương đã lao xuống sông cứu người phụ nữ mắc kẹt trong ô tô

Sự việc ông Lương lao xuống sông cứu người đã được người dân quay lại, đăng lên mạng xã hội. Đoạn clip, như một làn sóng, được lan truyền nhanh chóng và nhận được hàng chục ngàn tin nhắn, lượt chia sẻ, yêu thích từ cộng đồng mạng.

Ông Hoàng Ngọc Lương là một người cha đang hân hoan trong niềm vui đoàn tụ với con trai sau quãng thời gian dài xa cách. Giây phút nghe mọi người hô hoán và nhìn thấy chiếc xe đang chìm nghỉm dưới sông, ông không kịp nghĩ đến hiểm nguy mà lao đến cứu người. Ông chỉ là một người bình thường chứ không phải "siêu nhân", nhưng đã hành động như người hùng và trái tim ông đập theo nhịp đập của lòng tốt.

Kể về khoảnh khắc giành lại sự sống cho những người chưa từng quen biết, ông Lương chỉ đơn giản cho rằng đó là sự việc rất bình thường.

"Tôi cũng chỉ nghĩ cứu người xong là xong. Trong tình huống đó, ai biết bơi hay có kỹ năng bơi như tôi cũng sẽ hành động như vậy. Tôi cũng theo phản xạ tự nhiên của con người với con người. Nước rất lạnh, nhưng nếu còn người tôi sẽ quay lại cứu tiếp", ông nói và bày tỏ trong tâm niệm, bản thân làm được việc gì lương tâm thoải mái đó chính là niềm vui.

Khi biết sức khỏe người mình cứu được đã bình phục trở lại, người đàn ông mới thực sự yên tâm. Về phía gia đình nữ tài xế vô cùng cảm kích trước hành động của ông Lương, họ đã trực tiếp đến nhà để gặp gỡ và cảm ơn vị ân nhân này.

Bỏ qua sự an toàn của cá nhân, lao ra cứu người giữa dòng nước lạnh buốt như hành động của ông Lương không phải là việc ai cũng dám làm và có thể làm tốt. Bởi ngoài cái tâm còn đòi hỏi người cứu đuối nước phải có kiến thức, kỹ năng tốt. Nếu không, đôi khi hành động không đúng cách rất có thể trở thành tai họa cho cả người cứu và người được cứu.

Để lan tỏa hành động tốt đẹp trên, Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình đã trao giấy khen "công dân học tập" tiêu biểu; UBND huyện Tiền Hải và các đoàn thể của huyện Tiền Hải đến động viên, thăm hỏi và tặng quà; Hội đồng dòng họ Hoàng - Huỳnh Việt Nam cũng đã trao tặng bằng khen ông Hoàng Ngọc Lương vì hành động dũng cảm cứu nữ tài xế mắc kẹt trong ô tô đang chìm dưới sông.

Nghĩa cử cao đẹp, đầy nhân văn và trách nhiệm của ông Lương đã góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, nhân hậu, quả cảm, sẵn sàng xả thân vì đồng bào, vì việc nghĩa. Hình ảnh nụ cười tươi của ông sau khi cứu người thành công là nụ cười của sự tử tế, của niềm hạnh phúc vì đã nỗ lực làm được việc tốt, ý nghĩa cho cộng đồng.

Cũng thật đáng mừng khi trong cuộc sống, những hành động quên mình cứu người như ông Lương không phải là hiếm. Thời gian qua, đã có rất nhiều tấm gương dũng cảm, quên mình, dám xả thân để cứu người gặp nạn. Những "anh hùng sông nước" đó có thể là bất cứ ai, từ thầy giáo, quân nhân, thậm chí là các em nhỏ…, hễ thấy người gặp nạn thì không từ nguy nan, đều tìm cách cứu giúp.

Đó là tấm gương em Cao Văn Đức, học sinh lớp 12 ở thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời cứu 4 em nhỏ thoát khỏi nguy cơ đuối nước.

Đó là em Nguyễn Văn Dương, học sinh lớp 8, Trường THCS Minh Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã không ngại nguy hiểm, kịp thời lao xuống dòng kênh hệ thống thủy lợi sông Rác cứu 2 học sinh lớp 6 (cùng trường) không may bị đuối nước trong lúc đi bơi. Sau đó, bằng các kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn đuối nước, em Dương đã cùng người dân tiến hành ép ngực, hô hấp nhân tạo và cứu sống được các nạn nhân.

Đó là Đại úy Thái Ngô Hiếu, với tinh thần dũng cảm của người chiến sĩ Công an nhân dân đã gắng hết sức mình giành giật lại sự sống cho 4 nạn nhân trong vụ đuối nước tại bãi biển thuộc xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Là anh Nguyễn Đức Chính ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nhảy từ độ cao khoảng 30m xuống sông để cứu một nữ sinh đang chới với trong dòng nước chảy xiết, đưa vào bờ an toàn…

Họ đều là những tấm gương bình dị mà cao quý, họ coi những việc nghĩa hiệp chỉ như một hành động rất bình thường mà ai gặp cũng có thể hành động như họ.

Trong sự hối hả, xô bồ của cuộc sống, con người dần trở nên vô cảm với sự việc xảy ra xung quanh, câu chuyện "người tốt, việc tốt", lòng dũng cảm của họ vừa là tấm gương sáng, vừa như nguồn động lực để mỗi người trong chúng ta biết yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ lẫn nhau.

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lao-xuong-song-lanh-gia-cuu-nguoi-nguoi-tot-viec-tot-can-duoc-lan-toa-301847.html