Lào tổ chức Lễ hội Mãn chay sau 2 năm tạm hoãn

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, sáng 10/10, người dân Lào trên khắp cả nước đã đổ về các chùa gần nhà để thực hiện các nghi lễ tôn giáo truyền thống trong Lễ hội Mãn chay (Boun Okphansa), đánh dấu chính thức sự kết thúc của 3 tháng mùa ăn chay bắt đầu từ ngày rằm tháng 8 đến rằm tháng 11 Phật lịch hằng năm.

Tại thủ đô Viêng Chăn, từ sáng sớm, hàng vạn người dân đủ mọi lứa tuổi, trong các bộ trang phục truyền thống sặc sỡ đã đổ về các chùa gần nhà thực hiện nghi thức Tatbath (Cúng dường) dâng lễ cho các nhà sư và những người đã khuất…

Rất đông người dân Lào tới chùa để xếp hàng từ sớm chờ tới lượt thực hiện nghi thức Tatbath, một trong các nghi lễ trong Boun Okphansa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Rất đông người dân Lào tới chùa để xếp hàng từ sớm chờ tới lượt thực hiện nghi thức Tatbath, một trong các nghi lễ trong Boun Okphansa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo quan niệm của người Lào, trong 3 tháng mùa ăn chay, các nhà sư không được ra khỏi chùa và phải chăm việc thiền định, nghiên cứu Phật pháp, trong khi các Phật tử phải chuyên tâm làm việc thiện, không cất nhà, không cưới hỏi, không lập công ty và hạn chế hoặc thậm chí tạm thời bỏ việc uống rượu, hút thuốc...

Sau khi thực hiện nghi thức Tatbath, nhiều gia đình cũng tranh thủ buộc chỉ cổ tay để cầu phúc cho các thành viên trong nhà. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sau khi thực hiện nghi thức Tatbath, nhiều gia đình cũng tranh thủ buộc chỉ cổ tay để cầu phúc cho các thành viên trong nhà. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Người Lào cho rằng, sau Lễ mãn chay, những ưu phiền sẽ được xua đi hết, để mọi người bắt đầu những ngày vui mới nhiều may mắn và hạnh phúc hơn. Các tăng, ni có thể ra khỏi chùa để dạy giáo lý ở các nơi khác, chùa khác mà không bị giới hạn, trong khi các Phật tử có thể dựng vợ gả, chồng, xây nhà và lập cơ sở kinh doanh tùy ý.

Người dân đến chùa lễ Phật vào dịp Lễ Mãn chay. (Ảnh: VOV)

Người dân đến chùa lễ Phật vào dịp Lễ Mãn chay. (Ảnh: VOV)

Trong một ngày diễn ra Boun Okphansa, từ sáng sớm đến tối muộn sẽ diễn ra nhiều nghi thức tôn giáo đánh dấu sự kết thúc của 3 tháng mùa ăn chay gồm nghi lễ Tatbath diễn ra vào buổi sáng; Nghi lễ Okphansa chính thức vào buổi chiều, đây là lúc để các sư thầy và Phật tử tập trung ở chùa để tổng kết lại những điều đã làm trong 3 tháng lễ; Nghi lễ Viêng Thiềng, tức là lễ rước nến đi quanh chùa đủ 3 vòng, vào buổi tối và nghi lễ cuối cùng trong ngày sẽ diễn ra vào lúc tối muộn đến trước 12 giờ đêm, là nghi lễ Lay Heurphay, hay còn gọi là Thả thuyền lửa xuống sông Mekong.

Một gia đình người Lào chuẩn bị các đồng cúng dường trước khi tham gia dự các nghi lễ trong Boun Okphansa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Một gia đình người Lào chuẩn bị các đồng cúng dường trước khi tham gia dự các nghi lễ trong Boun Okphansa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đây là hình thức để người Lào, đặc biệt là những người trẻ tuổi gửi những điều ước về một cuộc sống tốt lành trong tương lai và cũng là nghi lễ cuối cùng của Boun Okphansa, đánh dấu thời điểm kết thúc 3 tháng nghiên cứu kinh Phật của các nhà sư ở trong chùa.

Theo chính quyền thủ đô Vientiane, tỉnh Luangprabang hay Champasak, ngoài thực hiện đầy đủ các nghi thức tôn giáo theo phong tục tập quán của người dân, để thu hút khách du lịch và kích cầu nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch, lễ hội Okphansa năm 2022 còn diễn ra các hoạt động như: hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa nổi bật trong và ngoài nước, cũng như đặc sản các vùng miền. Đồng thời, đây là dịp để thúc đẩy ngành du lịch trong nước và quảng bá đến du khách nước ngoài về nét đẹp văn hóa, tình đoàn kết của người dân Lào.

Một người cha hỗ trợ con thực hiện nghi thức Tatbath, một trong các nghi lễ trong Boun Okphansa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Một người cha hỗ trợ con thực hiện nghi thức Tatbath, một trong các nghi lễ trong Boun Okphansa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Lễ hội mãn chay (Okphansa) là một trong những lễ hội lớn nhất của người Lào, diễn ra vào dịp rằm tháng 11 hàng năm theo Phật lịch. Theo truyền thống, bắt đầu từ ngày Okphansa, người dân trên khắp nước Lào sẽ đến chùa thực hiện nghi thức cúng dường cho nhà sư và tối sẽ thực hiện nghi lễ thắp nến, thả đèn hoa đăng, sau đó sẽ tham gia hội đua thuyền truyền thống. Những hoạt động này đều thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Mai Phương

(Tổng hợp)

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/soi-dong-le-hoi-man-mua-chay-tai-lao-d212527.html