Lao động Việt xa xứ chạnh lòng nhớ Tết quê

Mùa xuân đã về khắp ngõ, nhưng vẫn còn những lao động Việt tại nước ngoài đang tất bật với công việc. Chọn đón tết nơi đất khách khiến những người con xa xứ không khỏi chạnh lòng.

Đã hai năm trải nghiệm cái Tết xa nhà ở đất nước Nhật Bản, năm nay, do tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, anh Lê Hoài Nam (quê Vĩnh Long) vẫn chưa thể về nước đón Tết cùng gia đình.

Lại thêm một mùa xuân nữa xa quê

Anh Nam tâm sự: Tôi nhớ lắm những ngày Tết quê vì năm nào tôi cũng cùng mẹ và ngoại làm kẹo chuối, mứt dừa, lạp xưởng để ăn và đãi khách.

Nhớ không khí tất bật ngày cuối năm, tôi cùng những người thân trong gia đình dọn dẹp nhà cửa, chở mẹ đi mua hoa, lau chùi mấy bộ bàn ghế có hoa văn, lau mãi sao mà chẳng thấy hết bụi.

"Tôi nhớ nhất lúc cả nhà quây quần với nhau gói bánh tét, đến tối giao thừa ngồi canh nồi bánh chín bên bếp củi đỏ lửa. Thế nên khi sang đây làm việc, tôi vẫn tranh thủ làm thêm bánh tét, bánh chưng cùng vài món ăn Việt vào dịp Tết để phần nào vơi đi nỗi nhớ quê, nhớ gia đình"- Nam nói.

Anh Hoài Nam tự tạo ra một không gian Tết của riêng mình tại đất nước Nhật Bản. Ảnh: NVCC.

Những chiếc bánh Tét được anh Nam cùng những người bạn làm. Ảnh: NVCC.

Cùng chung nỗi niềm đó, chị Trần Thị Tố Như (TP HCM) du học sinh Nhật Bản trải lòng: "Những ngày cận tết, qua các phương tiện truyền thông đưa tin tôi thấy háo hức lắm, cảm giác muốn được hòa vào không khí cùng bố mẹ dọn nhà, đi chợ mua đồ tết và dạo quanh các tuyến đường ngắm và chọn hoa.

Mỗi lần câu hát "nhà là nơi có bố và mẹ nơi luôn có tình yêu thương – nhà là nơi dang tay chờ đợi, dù ta có đi muôn phương" mắt mình tự cay. Những ngày lao vào đời và kiếm cơm, lao vào đời tìm cơ hội, bước ra ngoài mới thấy không ở đâu bằng ở nhà".

Chị Như cho biết may mắn những ngày cận tết bên này, những người con Việt ở nước ngoài vẫn giữ được phong tục và những hoạt động vui chơi như ở Việt Nam.

Mọi người sẽ nghỉ làm vào cuối tuần tổ chức ăn uống, nhà nào rảnh thì gói bánh chưng làm thêm các món đi kèm như muối dưa hành, củ kiệu… đủ các món Việt khiến chị cảm thấy ấm lòng hơn.

Thèm lắm không khí đoàn viên

Sang Nhật từ tháng 10-2019, năm nay anh Triệu Vĩ (Vĩnh Long) đành lỡ hẹn trở về vui Tết đoàn viên cùng gia đình.

Anh chia sẻ: Tết nơi xứ người làm anh nhớ những ngày ở quê, nhớ hình ảnh ba mẹ tất bật làm việc, giao hàng ngày cuối năm. Rồi lại tranh thủ sửa soạn nhà cửa cho tươm tất để chuẩn bị rước ông bà ngày 30 tết.

Khi sang đây bắt đầu đi làm dần cảm cảm nhận được sự vất vã, mới thấy ba mẹ đã phải cực nhọc biết chừng nào. Những lúc dòng suy nghĩ ấy chạy trong đầu thì tôi lại chỉ mong được sớm trở về nhà để đỡ đần ba mẹ những lúc mà ba mẹ cần mình nhất.

"Bên này công việc khá bận rộn, không có nhiều thời gian. Những ngày tết tôi chỉ có thể gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe, chúc tết gia đình, họ hàng. Được nghe giọng nói tiếng cười của những người thân ruột thịt cũng làm tôi vơi đi nỗi buồn xa nhà trong những ngày đặc biệt của quê hương mình" - Vĩ bộc bạch.

Anh Triệu Vĩ hiện sinh sống và làm việc tại thành phố Kanazawa, Nhật Bản. Ảnh: NVCC.

Dù đã là năm thứ 3 đón Tết Nguyên đán tại đất nước mặt trời mọc nhưng nỗi nhớ quê vẫn luôn cồn cào trong lòng Chị Phạm Thị Thủy (TP Huế).

Chị Thủy kể, những ngày cận Tết bên này chị cùng với những người bạn của mình tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, rồi đến cửa hàng Việt Nam chọn mua hoa về cắm, mua trái cây cho mâm ngũ quả. Xong, thì mua thêm bánh kẹo, hạt hướng dương, hạt dưa, kẹo bắp, giò chả, thịt gà… và bia về bày trí.

Tuy công việc bận rộn nhưng chị và nhóm bạn sẽ cố gắng quây quần làm bữa cơm tất niên. Dù chẳng được tươm tất như ở quê nhưng cũng rất ấm cúng và có hương vị Tết truyền thống. Sau đó mọi người cùng nhau gói nem, gói bánh chưng, đặc biệt sẽ làm thêm bánh bột lọc món ăn đặc sản ở Huế. Mọi người còn cùng nhau tham gia Lễ hội Tết do người Việt Nam tại đây tổ chức, mọi thứ thật tuyệt vời làm chị quên rằng là mình đang ở Nhật.

"Tôi thèm cảm giác được ăn bữa cơm gia đình ngày đầu năm mới, được bố mẹ mừng tuổi, chúc Tết ông bà. Đêm giao thừa cùng các anh chị em trong xóm đi chúc Tết quanh xóm rồi đốt lửa, ngồi canh nồi bánh chưng cho mẹ. Cái cảm giác ngửi thấy mùi thơm béo bốc lên xộc vào cánh mà lòng nôn nao. Bây giờ tôi chỉ có thể gọi điện về nhà thăm hỏi gia đình, tắt máy là lòng ngậm ngùi buồn lắm, nhưng dần rồi thành thói quen vì ở xa đâu phải cứ muốn là về được"– Chị Thủy nghẹn ngào nói.

Chị Phạm Thị Thủy diện trang phục áo dài chụp ảnh kỷ niệm dịp tết Nhâm Dần năm nay tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC.

Tết đến xuân về ai nấy cũng đều đau đáu một nỗi niềm được trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Nhất là năm qua, một năm đau thương, dịch bệnh, rất nhiều người đã không thể thực hiện được ước mơ về quê ăn Tết của mình.

Chỉ mong dịch COVID-19 sớm được kiểm soát tại các quốc gia. Để Tết năm sau những người con xa xứ sẽ được lên chuyến bay trở về quê hương sum họp cùng gia đình, được gặp lại những người thân ruột thịt, quay quần bên mâm cơm ngon mẹ nấu, thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên trong hơi ấm tình thân.

TÚ NGÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/lao-dong-viet-xa-xu-chanh-long-nho-tet-que-1041525.html