Lao động tự do chật vật với nỗi lo chi tiêu Tết

Lao động tự do (hay lao động phi chính thức) vốn là lực lượng có nhiều hạn chế về thu nhập, việc làm, an sinh cũng như các chế độ lương thưởng. Dù kinh tế không quá dư dả, song họ vẫn cố gắng gấp nhiều lần ngày thường để mang cái Tết đủ đầy về cho người thân.

Tết Nguyên đán đang ngày một cận kề, trong không khí mua sắm rộn ràng vẫn còn đâu đó những nỗi lo về các khoản chi tiêu ngày Tết của nhiều người lao động tự do với thu nhập bấp bênh.

Trước mắt là Tết, trên vai là gia đình

Hơn 5 năm làm bốc vác hàng hóa tại chợ Tân Biên (TP. Biên Hòa), anh Lê Thiết Nghĩa chưa năm nào biết đến thưởng Tết.

Anh Nghĩa cho biết, dịp cuối năm, hàng hóa ở chợ đầu mối về nhiều, anh phải làm việc xuyên đêm để bốc hàng cho các tiểu thương và vận chuyển đến nhiều khu chợ trong tỉnh để bán cho người dân. Công việc vất vả, thu nhập nhận theo ngày nên thời điểm này không làm việc chăm chỉ, gia đình anh khó có thể đón Tết tươm tất.

“Nếu ngày thường thì 2 giờ sáng tôi phải có mặt ở chợ để đợi hàng về tập kết và bốc vác đến cho các tiểu thương. Còn những ngày cận Tết, tôi thức xuyên đêm, thu nhập cũng được 250-300 ngàn đồng/đêm. Công việc này ngày nắng cũng như mưa, tôi phải đi làm đúng giờ, nhưng thu nhập vẫn vậy. Dịp Tết chỉ có vài phần quà của tiểu thương tặng, còn thưởng thì không” - anh Nghĩa bộc bạch.

Thông qua các chương trình hỗ trợ, tổ chức Công đoàn kỳ vọng người lao động phi chính thức có điều kiện vui Xuân, đón Tết.

Thông qua các chương trình hỗ trợ, tổ chức Công đoàn kỳ vọng người lao động phi chính thức có điều kiện vui Xuân, đón Tết.

Được biết, trước đây, anh Nghĩa từng làm bảo vệ trong một doanh nghiệp sản xuất sợi tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Tuy nhiên, mức lương chỉ có 5 triệu đồng/tháng, không đủ lo cho con ăn học nên anh nghỉ việc và đi làm thời vụ nhiều nơi. Hiện tại, bốc vác hàng là nghề chính để anh lo cho gia đình.

Là một cử nhân đại học vừa ra trường được 4 tháng, bạn Nguyễn Văn An (22 tuổi, Hà Nội) mỗi ngày đều dành ra tối thiểu 12 tiếng để làm tài xế cho một hãng xe công nghệ trong thời gian tìm kiếm việc làm hành chính.

“Chờ việc lâu quá nên mình quyết định chạy xe để trang trải kinh phí. Ngày nào chăm chỉ thì được khoảng 300.000 đồng, ngày nào ốm hay chậm trễ tầm giờ cao điểm một chút là đã ít hơn rồi. Nếu trừ vào chi phí xăng xe hao mòn thì thật ra cũng chỉ đủ sống. Đặc thù tài xế công nghệ không có thưởng Tết, thế nên năm nay mình dự định chạy cố đến 30 Tết mới về, đỡ được chút nào hay chút ấy”.

Để kiếm nhiều hơn, An thường phải gia tăng tần suất chạy nhiều hơn, thậm chí phải gom đơn hàng đi giao một lần để tiết kiệm thời gian và chi phí xăng xe... Song, khi nghĩ về kỳ vọng của gia đình trước tấm bằng đại học còn chưa khô mực, An lại lao mình vào kiếm tiền chi tiêu Tết bởi “giờ tài xế có khi còn đông hơn khách hàng, cạnh tranh rồi đào thải rất khắc nghiệt”.

Khi người người đang hối hả về với gia đình, những lao động tự do như anh Nghĩa và bạn An vẫn đang cố bám trụ lại thành phố với mong muốn gia đình có một cái Tết đủ đầy hơn, con cái có thêm tấm áo mới, bánh chưng có thêm nhân thịt. Thậm chí, có những lao động tự do lại chọn tranh thủ ở lại kiếm thêm thu nhập xuyên suốt những ngày Tết chỉ vì tiền công cao hơn ngày bình thường, cũng vì vé xe về nhà cao gấp 3-4 lần khó mà kham nổi.

Để người lao động tự do có cái Tết ấm hơn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có hơn 33 triệu lao động tự do. Họ giữ vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Chính vì vậy, việc đưa lực lượng này vào lao động chính thức là vấn đề muôn thuở nhưng vẫn cực kỳ đáng quan tâm trong xã hội hiện nay.

Bởi, thực chất, phần lớn lao động tự do có thu nhập bấp bênh, công việc không ổn định, không có lương thưởng cố định. Họ chủ yếu làm thuê, làm mướn theo dịch vụ của tư nhân, phục vụ các nhà hàng, bán hàng, nhặt ve chai, xe ôm, giúp việc, buôn bán nhỏ,... Đáng nói, những đối tượng này do không có ràng buộc về hợp đồng lao động, đồng thời không được hưởng các chế độ bảo hiểm và các vấn đề về an sinh xã hội nên thường chịu thiệt thòi, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế chung còn khó khăn và môi trường sống phức tạp.

Ngày thường, những người mưu sinh tự do vốn đã bấp bênh với giấc mơ đủ sống qua ngày, nay vào những dịp đặc biệt như lễ, Tết, họ lại càng trở nên lao đao với bài toán kiếm sao cho vừa một cái Tết đủ.

Trong khi đó, tổ chức Công đoàn đã và đang triển khai một số hoạt động mới, thiết thực như Chương trình “Chuyến bay Công đoàn”, “Chuyến tàu Công đoàn”, Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024” trực tiếp, “Chợ Tết Công đoàn” qua sàn giao dịch thương mại điện tử cùng nhiều chương trình hỗ trợ kinh phí, tặng quà Tết cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Theo bà Lê Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. HCM nói rằng, qua đây, tổ chức Công đoàn mong muốn chia sẻ một phần khó khăn, tạo điều kiện để người lao động khu vực phi chính thức có điều kiện vui Xuân, đón Tết và mong muốn người lao động khu vực tiếp tục gắn bó với tổ chức Công đoàn.

Rõ ràng, những chương trình kể trên trực tiếp góp phần quan trọng vào chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết đến Xuân về. Qua đó, giúp đoàn viên và người lao động khu vực phi chính thức hiểu rõ hơn vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam, gắn kết họ gia nhập lực lượng lao động chính thức.

Mặt khác, do lực lượng lao động tự do hiện nay vô cùng đông, vì vậy các chính sách vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu và độ bao phủ rộng rãi như kỳ vọng. Bên cạnh đó, nhiều lao động phi chính thức công việc không ổn định, nơi tạm trú không cố định nên còn gây nhiều khó khăn trong việc quản lý cũng như thực hiện các chính sách an sinh.

Chính vì thế, trong thời đại kinh tế chung quyết tâm vượt khó như hiện nay, bản thân người lao động tự do cũng cần chủ động tìm hướng đi, tích cực kêu gọi sự trợ giúp từ các tổ chức như Liên đoàn Lao động, Công đoàn Lao động,... Qua đó để có thêm cơ hội tham gia lao động một cách an toàn, lành mạnh, ổn định thu nhập và hơn hết là giảm bớt nỗi lo chồng chất mỗi dịp Tết đến xuân về.

Suy cho cùng, để người lao động tự do có cái Tết “ấm áp” hơn, trên hết vẫn cần sự nỗ lực từ hai phía, một phần là từ các chính sách, phương án của các cơ quan Nhà nước, phần còn lại là sự mạnh dạn, chủ động của chính lực lượng này.

Bùi Ly

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/lao-dong-tu-do-chat-vat-voi-noi-lo-chi-tieu-tet-1098130.html