Lao động thất nghiệp thờ ơ học nghề

Theo Luật Việc làm, lao động thất nghiệp trong thời gian đang hưởng trợ cấp được hỗ trợ học nghề sơ cấp, chi phí do Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chi trả trực tiếp cho đơn vị dạy nghề. Tham gia học nghề, người lao động (NLĐ) được trang bị thêm kỹ năng, tìm kiếm cơ hội việc làm song hầu như NLĐ trong tỉnh Bắc Giang chưa thực sự quan tâm đến chính sách này.

0,47% lao động thất nghiệp đăng ký học nghề

Mặc dù được tư vấn về chính sách với mức hỗ trợ mới nhưng người đăng ký học nghề chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng lao động tham gia BHTN. Theo báo cáo của Phòng BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh có gần 20 nghìn trường hợp có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp song chỉ có 94 người đăng ký tham gia học nghề (chiếm 0,47%), chủ yếu học lái xe, học ngoại ngữ… Riêng 2 tháng đầu năm nay, trong số hơn 1,6 nghìn người được hưởng BHTN, chưa có trường hợp nào đăng ký nhận hỗ trợ từ chính sách này.

Trao đổi với nhiều lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm DVVL tỉnh về chính sách hỗ trợ học nghề thì hầu hết đều không quan tâm. Được cán bộ Trung tâm giới thiệu tỉ mỉ mức hỗ trợ và các khóa học nghề nhưng chị Hà Thị Hảo (SN 1992), ở thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa) không mấy mặn mà. Trước đây, chị làm việc tại một doanh nghiệp (DN) may ở Khu công nghiệp (KCN) Yên Phong (Bắc Ninh). Được hơn 4 năm thì chị xin nghỉ việc để tìm việc mới gần nhà, tiện chăm sóc con. Đã thành thạo nghề may nên sau 5 tháng được hưởng trợ cấp thấp nghiệp, chị dự định tiếp tục xin vào một DN trong huyện cũng sản xuất hàng may mặc. “Tôi nghĩ với tay nghề của mình chắc chắn thu nhập cũng không kém trước là mấy, lại tiết kiệm được chi phí thuê trọ, đi lại. Vậy nên cũng không cần thiết mất thời gian học nghề đến cả mấy tháng”, chị Hảo chia sẻ.

Cán bộ Trung tâm DVVL tỉnh hướng dẫn NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn học nghề.

Cán bộ Trung tâm DVVL tỉnh hướng dẫn NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn học nghề.

Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động tại DN cũ, anh Ngụy Văn Thái (SN 1985), xã Tư Mại (Yên Dũng) đến Trung tâm DVVL tỉnh làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Được cán bộ hướng dẫn làm hồ sơ, hoàn thiện thủ tục cần thiết, anh còn được tư vấn chính sách hỗ trợ học nghề. Anh Thái cho biết, đã gần 40 tuổi nên xin việc mới tại các nhà máy là khó khăn. Vậy nên anh có dự định học nghề lái xe, có bằng lái sẽ xin việc làm tại các hãng taxi hoặc công ty vận tải tư nhân. Tuy vậy, dù mức hỗ trợ tối đa đã tăng lên 1,5 triệu đồng/tháng nhưng anh vẫn phải tự chi trả số tiền không nhỏ cho khóa học. Điều này khiến anh Thái băn khoăn, hơn nữa tìm kiếm việc mới sau khi kết thúc khóa học với anh cũng còn mông lung.

Tăng mức hỗ trợ, đào tạo theo nhu cầu

Theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg, ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ (áp dụng từ 15/5/2021), mức hỗ trợ học nghề tối đa (không quá 6 tháng) đối với NLĐ tham gia BHTN được điều chỉnh tăng từ 1 lên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Cụ thể, với người học nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa (tăng 1,5 triệu đồng so với trước đây). Đối với khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng (quy định cũ là 1 triệu đồng/người/tháng).

Theo khảo sát của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tại nhiều tỉnh, TP, trong đó có Bắc Giang, chỉ có từ 3-5% lao động thất nghiệp có nhu cầu học nghề. Theo đại diện Trung tâm DVVL tỉnh, hiện nay, đa phần người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đều là lao động phổ thông (chiếm hơn 90%). Khi mất việc tạm thời, đa phần NLĐ chỉ nghĩ đến việc nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp, nhanh chóng tìm công việc mới, lựa chọn học nghề được ít người quan tâm. Mặt khác, với thời gian đào tạo tối đa không quá 6 tháng theo chính sách hiện nay thì NLĐ chỉ được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Khi đó, dù có xin được việc mới cũng chỉ thu nhập cao hơn lao động phổ thông không đáng kể.

Theo báo cáo của Phòng BHTN (Trung tâm DVVL tỉnh), năm 2022, toàn tỉnh có gần 20 nghìn trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp song chỉ có 94 người đăng ký tham gia học nghề (chiếm 0,47%), chủ yếu học lái xe, học ngoại ngữ. Riêng trong 2 tháng đầu năm nay, trong số hơn 1,6 nghìn người hưởng BHTN, chưa có trường hợp nào đăng ký nhận hỗ trợ từ chính sách này.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang cho rằng mức hỗ trợ học nghề đã được điều chỉnh nhưng cũng mới đáp ứng được nhóm nghề phổ thông như: May mặc, chăn nuôi thú y. Trong khi một số nghề mũi nhọn có thể giúp NLĐ chuyển đổi nghề, mang lại thu nhập khá như: Công nghệ ô tô, điện tử, điện lạnh, cơ khí thì mức học phí rất cao. Do đó, lao động thất nghiệp khó có khả năng để theo học. Vì vậy, bà Hồng kiến nghị, mức hỗ trợ của chính sách này vẫn cần được tăng thêm theo thời gian và ngành nghề đào tạo, giảm gánh nặng về chi phí, giúp NLĐ có nhiều lựa chọn.

Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm DVVL tỉnh đẩy mạnh tư vấn giúp NLĐ hiểu rõ về chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp thông qua đội ngũ tư vấn viên trực tiếp tại trung tâm và các đợt tuyên truyền lưu động ở các huyện, TP. Hiện nay, toàn tỉnh có 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung bình mỗi năm tuyển sinh và đào tạo gần 29 nghìn chỉ tiêu ở các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề. Sở sẽ rà soát, quy hoạch hệ thống các trường nghề, bổ sung danh mục ngành nghề đào tạo phù hợp nhu cầu thị trường. Đồng thời, khuyến khích để các trường có chính sách giảm học phí đối với một số nghề có chi phí học cao. Ngoài những giải pháp trên, Sở tập trung đầu tư hệ thống dự báo cung - cầu lao động, đặc biệt là nhân rộng các mô hình liên kết đào tạo với DN. Khi lao động được đào tạo chuyển đổi đúng nghề mà DN cần và được tuyển dụng ngay khi kết thúc khóa học thì chính sách hỗ trợ học nghề mới thực sự phát huy hiệu quả.

Bài, ảnh: Tường Vi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/400169/lao-dong-that-nghiep-tho-o-hoc-nghe.html