Lao động giá rẻ không còn là lợi thế: (Kỳ 2) - Người lao động cần trang bị trình độ, kỹ năng nghề

Người lao động có trình độ, kỹ năng hạn chế sẽ là đối tượng chịu tác động mạnh hơn, nguy cơ mất việc cao hơn dưới tác động của khoa học, công nghệ mới và quá trình tái cấu trúc của doanh nghiệp. Lao động giá rẻ không còn là lợi thế trong cạnh tranh và thu hút đầu tư. Đã đến lúc người lao động cần chủ động nâng cao giá trị của bản thân để có thể tham gia vào những vị trí việc làm ổn định và thu nhập cao hơn.

Tư vấn học nghề cho bộ đội xuất ngũ tại huyện Kim Sơn. Ảnh: Minh Quang

Tư vấn học nghề cho bộ đội xuất ngũ tại huyện Kim Sơn. Ảnh: Minh Quang

Khi thất nghiệp, người lao động cần làm gì? Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm thì không chỉ nhận tiền trợ cấp, mà người lao động cần nhìn rõ hơn ý nghĩa của việc học nghề. Nếu không có đóng góp cho doanh nghiệp thì người lao động cũng không thể đòi hỏi mức lương và chế độ đãi ngộ tốt hơn. Họ cần học lại kỹ năng để có thể đảm nhận được nhiều vị trí việc làm hơn.

Anh Đinh Văn Linh ở huyện Gia Viễn làm thợ cơ khí cho một doanh nghiệp ở Hà Nội được gần 5 năm. Bị cắt giảm việc làm, anh Linh trở về quê từ trước Tết Nguyên đán. Nói về những dự định trong tương lai, anh Linh cho biết, tôi đã học nghề cơ khí trước khi tham gia vào thị trường lao động. Những lao động có tay nghề như tôi rất ít khi bị ảnh hưởng bởi việc làm nếu như doanh nghiệp không gặp khó khăn lớn. Vừa qua, doanh nghiệp tôi phải thu hẹp sản xuất, do vậy nhiều lao động như tôi tạm thời phải nghỉ việc. Dù phải nghỉ việc nhưng tôi khá tự tin có thể tìm kiếm được việc làm mới, vì tôi đã có tay nghề và kinh nghiệm làm việc.

Rõ ràng, những lao động đã qua đào tạo nghề nếu không may bị thất nghiệp thì cơ hội trở lại thị trường cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với những lao động chưa qua đào tạo. Còn đối với lao động phổ thông, sau khi bị thất nghiệp thì việc học để chuyển đổi nghề nghiệp được coi là "chiếc phao" giúp họ sớm tìm được việc làm mới. Ý nghĩa là vậy, song trên thực tế chưa có nhiều lao động sau khi thất nghiệp chú trọng tới việc học để chuyển đổi nghề.

Chị Vũ Thị Hương (huyện Kim Sơn) là một trong những lao động ấy. Chị Hương đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc tại một công ty trong lĩnh vực điện tử. Chị Hương sử dụng nguồn tiền trợ cấp thất nghiệp như một phao cứu sinh khi chưa có thu nhập mới. Chị Hương dự định sẽ cố gắng xin vào một doanh nghiệp nào đó, thay vì đi học chuyển đổi nghề, trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để sớm quay trở lại thị trường lao động với một vị trí việc làm chắc chắn hơn.

Theo số liệu từ Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong vài năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên số lao động làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng cao. Riêng trong năm 2022, đã có trên 5 nghìn lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Với mục tiêu để người lao động sớm quay trở lại thị trường việc làm, Trung tâm đã bố trí cán bộ thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền, tư vấn để người lao động đăng ký học nghề sau khi bị thất nghiệp. Nỗ lực là vậy, tuy nhiên, trong số hàng nghìn lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, số lao động đăng ký học nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phân tích: Đại đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông. Khi bị mất việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn cho cuộc sống của họ. Bởi vậy, chính sách hỗ trợ, tư vấn, định hướng nghề nghiệp nếu được thực hiện tốt mới thực sự trở thành chiếc "phao cứu sinh" cho người lao động, nhất là trong thời điểm tình hình kinh tế, cơ cấu cung - cầu lao động có nhiều biến động như hiện nay. Việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp sang các nghề mà thị trường đang có nhu cầu hoặc nâng cao trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp là một giải pháp quan trọng, giúp người lao động có việc làm ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, có một thực tế là người lao động lại không mặn mà với chính sách này.

Qua tìm hiểu cho thấy, những nguyên nhân chính khiến người lao động không muốn học nghề sau khi thất nghiệp là bởi họ nôn nóng muốn đi làm ngay để có thu nhập. Tất nhiên, khi tìm một công việc mà bản thân người lao động chưa có tay nghề, kỹ năng thì cơ hội để họ có một vị trí việc làm ổn định là rất thấp. Người lao động sẽ sa vào vòng luẩn quẩn: thất nghiệp - tìm việc tạm thời - thất nghiệp… Bên cạnh đó, phải nhìn nhận rằng với mức hỗ trợ học nghề còn thấp, thời gian thụ hưởng ngắn và danh mục nghề nghiệp chưa đa dạng như hiện nay chưa thực sự hấp dẫn được người lao động.

Nhằm tạo điều kiện cho người lao động hiểu đúng và đủ về chính sách BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh tư vấn trực tiếp tại nơi đăng ký BHTN để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thất nghiệp đăng ký tìm việc và học nghề. Đồng thời, tích cực tuyên truyền dưới nhiều hình thức về những điểm mới trong quy định về dạy nghề cho người thất nghiệp đến tận các doanh nghiệp và người lao động.

Trung tâm cũng sẽ chủ động liên kết với các cơ sở dạy nghề có uy tín nhằm tổ chức các lớp dạy nghề phong phú, phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài, để thu hút lao động thất nghiệp học một nghề phù hợp với bản thân trước khi quay trở lại làm việc thì các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu để đề xuất nâng mức hỗ trợ học nghề; kéo dài thời gian hỗ trợ học nghề; xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tạo việc làm bền vững cho nhóm lao động sau thất nghiệp...

Thiết nghĩ, chỉ khi thay đổi để tăng tính hấp dẫn của chính sách BHTN, đồng thời nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này thì việc học nghề mới thực sự thu hút được lao động tham gia một cách chủ động nhất. Và chỉ khi ấy, chính sách mới đi vào cuộc sống, hoàn thành "sứ mệnh" là đảm bảo an sinh xã hội.

Đặc biệt, bản thân người lao động cũng cần xác định rõ, việc học nghề, học chuyển đổi nghề sau khi thất nghiệp là cơ hội cho họ tự nâng cao giá trị bản thân để có được vị trí việc làm ổn định hơn hoặc có thể tham gia vào nhiều vị trí việc làm hơn nếu gặp phải rủi ro tương tự trong tương lai.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/lao-dong-gia-re-khong-con-la-loi-the-ky-2-nguoi-lao-dong-can/d20230321080439312.htm