Lào Cai: Phát triển cây dược liệu trở thành hàng hóa mũi nhọn

Tỉnh Lào Cai có điều kiện tự nhiên, khí hậu đa dạng nên phù hợp với trồng và phát triển cây dược liệu, trong đó, huyện Bắc Hà và thị xã Sa Pa được biết đến là những vùng có nhiều cây dược liệu quý. Để phát huy lợi thế này, năm 2016, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các quy hoạch, dự án phát triển dược liệu trên địa bàn, đặc biệt là Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển hàng hóa nông nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định dược liệu là một trong 5 loại cây trồng chủ lực và là hàng hóa quan trọng thuộc lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.

Người dân ở Lào Cai tập trung trồng cây dược liệu để mang lại nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Ái Vân

Dựa vào khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh Lào Cai đã quy hoạch, phát triển dược liệu theo 3 vùng: Vùng phía Tây có thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát với những cây dược liệu chính là atiso, giảo cổ lam, chùa dù, vũ diệp, thất diệp nhất chi hoa, các loại thuốc tắm, thực phẩm thảo dược của người Dao đỏ; phía Đông là huyện Bắc Hà, huyện Mường Khương với các cây dược liệu quý như sa nhân, đương quy, xuyên khung, cát cánh, đam sâm, chỉ bạch, bạch truật, vân mộc hương, tam thất; vùng phía Nam gồm các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng với cây trồng chủ lực là quế và các sản phẩm từ quế. 3 vùng này đều gắn với văn hóa đa dạng của đồng bào người bản địa với trí thức phong phú về cây dược liệu.

Diện tích dược liệu phần lớn nằm ở địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vì thế, dược liệu được xem là đòn bẩy để nâng cao thu nhập cho nông dân. Bà con vùng cao vốn đã quen thuộc với những cây thuốc chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền nên khi được khuyến khích phát triển thành hàng hóa, bà con đều dễ dàng tiếp cận. Hơn 10 năm nay, atiso là cây dược liệu được bà con thị xã Sa Pa trồng theo hợp đồng tiêu thụ, lá cây bán cho doanh nghiệp liên kết với giá 2.300 đồng/kg; phần củ, thân và hoa, người dân có thể bán ra thị trường vào cuối vụ thu hoạch. Đương quy là một trong 6 cây dược liệu được huyện Bát Xát tập trung mở rộng diện tích. Cây dược liệu này trồng trong khoảng một năm là thu hoạch, do đó, những thửa ruộng kém năng suất được bà con chuyển sang trồng cây đương quy để có thu nhập ổn định hơn.

Phát triển nông nghiệp tạo ra lợi ích kép đã khó, nhưng người dân ở xã đặc biệt khó khăn Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà lại có cách làm kinh tế đa lợi ích. Trên cùng một diện tích đất canh tác, anh Giàng Seo Khúa có 4 nguồn thu nhập chính trong năm: Vườn lê năm nay đã được thu hoạch, khách du lịch vào vườn trải nghiệm, anh thu 20.000 đồng/lượt, đồng thời anh bán cho thương lái ở địa phương. Ngoài ra, anh trồng dưa chuột quanh gốc cây lê, trồng thêm 5.000m2 cây cát cánh. Anh cho biết, gia đình anh vừa thu hoạch lê xong, thì đến thu hoạch cây cát cánh, tiếp tục thu hoạch dưa chuột, riêng vườn dưa này năm ngoái cho thu nhập 30 triệu đồng. Tổng thu nhập từ diện tích đất canh tác của gia đình anh là 250 triệu đồng/năm, 4 nguồn thu trên mang lại cho anh lợi nhuận không hề nhỏ.

Tỉnh Lào Cai xác định cây dược liệu sẽ trở thành hàng hóa quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Những năm qua, bà con nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi nhiều diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu. Đến nay, diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.550ha, gồm nhóm cây dược liệu lâu năm dưới tán rừng như sa nhân tím, hồi, chè dây, tam thất, giảo cổ lam và nhóm dược liệu hàng năm như atiso, đương quy, cát cánh, xuyên khung... Cả tỉnh có 210ha với 13 loại cây dược liệu được Bộ Y tế đánh giá, công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO thực hành tốt và thu hái cây dược liệu. Hơn 3.000ha quế được chứng nhận hữu cơ quốc tế, Lào Cai trở thành một trong 8 tỉnh trọng điểm về trồng dược liệu của cả nước theo quy hoạch của Chính phủ.

Đa dạng hóa sản phẩm là mục tiêu đang được tỉnh Lào Cai hướng tới khi coi dược liệu là một ngành kinh tế, kêu gọi doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, đầu tư chế biến, công nhận sản phẩm đạt sao OCOP. Cách làm này đã tạo nên thương hiệu dược liệu Lào Cai đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước, như 2 sản phẩm này của Công ty TNHH Traphaco Sa Pa là đông trùng hạ thảo khô và tươi, cả hai đều đã được cấp 4 sao OCOP, so với tự nhiên thì đông trùng hạ thảo nhân tạo đạt giá trị dinh dưỡng và dược liệu đạt 70%. Chỉ tính riêng chỉ số Cordycepin thành phần được đánh giá là quan trọng nhất quyết định đến giá trị của nấm đông trùng hạ thảo đã đạt hàm lượng cao gấp 3 lần tiêu chuẩn.

Các sản phẩm được chế biến từ dược liệu ở tỉnh Lào Cai. Ảnh: Ái Vân

Để sản phẩm đến được đông đảo người tiêu dùng, các chủ thể đã đầu tư phân tích đánh giá khoa học, đồng thời đóng gói bao bì, tem nhãn mác, xuất xứ rõ ràng đối với các sản phẩm này đều phục vụ cho xúc tiến tiêu thụ tại các hội chợ phân phối ở các địa phương và trên sàn thương mại điện tử. Thông qua việc phát triển dược liệu trong những năm qua đã giúp nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thành công sản phẩm đạt sao OCOP. Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai có 25 sản phẩm từ dược liệu đã được chứng nhận, 7 sản phẩm được xếp loại 4 sao, 18 sản phẩm được xếp hạng 3 sao.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Trong thời gian tới, Lào Cai sẽ phát triển cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu gắn với cơ sở chế biến, cơ cấu các sản phẩm đa dạng, đảm bảo chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu dược liệu trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Xây dựng vùng nguyên liệu và các sản phẩm OCOP từ dược liệu đang là hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Lào Cai. Quan trọng là sản phẩm phải đạt thực hành sản xuất tốt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Vượt lên thách thức này, tỉnh Lào Cai sẽ trở thành thủ phủ cây dược liệu Việt Nam trong tương lai không xa.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lao-cai-phat-trien-cay-duoc-lieu-tro-thanh-hang-hoa-mui-nhon-post473833.html