Lãnh đạo Hamas nêu điều kiện đàm phán hòa bình

Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh tuyên bố lực lượng này sẵn sàng đàm phán để chấm dứt cuộc chiến với Israel, nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào cũng phải dẫn đến thành lập một Nhà nước Palestine độc lập.

Ông Ismail Haniyeh – người đứng đầu Bộ Chính trị Hamas. Ảnh: Flash90

Ông Ismail Haniyeh – người đứng đầu Bộ Chính trị Hamas. Ảnh: Flash90

RT đưa tin, trong một bài phát biểu được phát sóng trên kênh Al-Aqsa TV trực thuộc Hamas ngày 13/12, ông Ismail Haniyeh – người đứng đầu tổ chức chính trị của Hamas cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về bất kỳ thỏa thuận hoặc sáng kiến nào có thể chấm dứt cuộc chiến với Israel”.

Ông nhấn mạnh rằng thỏa thuận đó phải dẫn đến “con đường chính trị đảm bảo quyền của người dân Palestine đối với Nhà nước độc lập và thủ đô Jerusalem”.

Khung cảnh đổ nát sau cuộc tấn công của Israel ở Deir al-Balah, Gaza, ngày 12/12. Ảnh: Getty Images

Khung cảnh đổ nát sau cuộc tấn công của Israel ở Deir al-Balah, Gaza, ngày 12/12. Ảnh: Getty Images

Quan chức này cho biết Hamas hoan nghênh nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, đồng thời hoan nghênh những nỗ lực của Saudi Arabia và Ủy ban Bộ trưởng Arab-Hồi giáo về những nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột ở Gaza.

Bên cạnh đó, ông Haniyeh cũng nêu rõ Hamas bác bỏ bất kỳ thỏa thuận chính trị nào sau xung đột mà loại trừ Hamas và các phe phái khác của Palestine. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực để ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza.

Hiện chưa ghi nhận bình luận của Israel về các tuyên bố của Hamas.

Bình luận của lãnh đạo Hamas được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 12/12 tuyên bố không thể có một Nhà nước Palestine, đồng thời nhấn mạnh sẽ không bao giờ “lặp lại sai lầm của Oslo” - một hiệp định hòa bình năm 1993 tạo ra lộ trình cho một Nhà nước Palestine có chủ quyền.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu đến thăm một cơ sở giam giữ thành viên Hamas ở miền nam Israel, ngày 13/12. Ảnh: GPO

Thủ tướng Benjamin Netanyahu đến thăm một cơ sở giam giữ thành viên Hamas ở miền nam Israel, ngày 13/12. Ảnh: GPO

Theo RT, mặc dù Israel trước đây đã chấp nhận ý tưởng này về mặt nguyên tắc, nhưng tiến trình được thiết lập bởi Hiệp định Oslo từ lâu đã bị phá vỡ. Israel tiếp tục có các động thái chiếm đóng Bờ Tây, xây dựng các khu định cư của người Do Thái, đồng thời vẫn duy trì phong tỏa chặt chẽ đối với Dải Gaza.

Cũng trong ngày 13/12, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố rằng Israel sẽ tiếp tục hoạt động quân sự ở Gaza “cho đến khi Hamas bị tiêu diệt”. Ông cũng đồng thời nói rằng ngay cả khi Israel phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng gia tăng, “không gì có thể ngăn cản chúng tôi”, theo Times of Israel.

Một ngày trước đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza và thả ngay lập tức, vô điều kiện tất cả các con tin.

Tổng thống Mỹ Joe Biden – nhà lãnh đạo luôn cam kết cung cấp hỗ trợ Israel kể từ khi cuộc chiến bùng nổ, đã chỉ trích ông Netanyahu và các thành viên chính phủ theo đường lối cứng rắn về việc họ phản đối giải pháp hai Nhà nước. Ông Biden cũng đồng thời cảnh báo rằng Israel đang mất đi sự ủng hộ toàn cầu do hành động “ném bom bừa bãi” ở Gaza.

Cuộc xung đột Israel và Hamas nổ ra ngày 7/10 khi Hamas bất ngờ tấn công Israel, khiến gần 1.200 người thiệt mạng và khoảng 240 người bị bắt giữ. Hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong 7 ngày, giải thoát cho hơn 100 con tin ở Gaza và hơn 200 tù nhân an ninh Palestine trong các nhà tù Israel.

Trẻ em Palestine tại một nơi trú ẩn tạm thời ở thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 13/12. Ảnh: Xinhua

Trẻ em Palestine tại một nơi trú ẩn tạm thời ở thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 13/12. Ảnh: Xinhua

Ngay sau khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực, Israel tiếp tục cuộc tấn công quân sự trên khắp Dải Gaza. Người phát ngôn Cơ quan y tế Gaza Ashraf Al-Qidra ngày 13/12 cho biết, số người thiệt mạng tại Gaza kể từ ngày 7/10 đã lên tới 18.608, với khoảng 2/3 trong số đó là phụ nữ và trẻ em. Số người bị thương tại khu vực này đã tăng lên 50.594.

Điều phối viên Nhân đạo của Liên hợp quốc tại vùng lãnh thổ của người Palestine bị chiếm đóng, Lynn Hastings, cảnh báo cuộc khủng hoảng sức khỏe tại Gaza đang gia tăng khi hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Gaza đang bị sụp đổ bởi các cuộc tấn công của Israel. WHO cho biết chỉ có 11 trong số 36 bệnh viện ở Gaza hoạt động một phần, với một cơ sở ở phía bắc và 10 cơ sở ở phía nam của vùng đất này.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/lanh-dao-hamas-neu-dieu-kien-dam-phan-hoa-binh-post30089.html