Lãnh đạo các ngân hàng nói gì về triển khai quy định cơ cấu nợ cho doanh nghiệp?

Các ngân hàng cam kết sẽ nhanh chóng triển khai nội dung của thông tư 02 về cơ cấu nợ trên toàn hệ thống để nhanh chóng giúp người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng.

Chiều 25/4, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, mục đích ban hành Thông tư này nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng; cùng với đó, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai thông tư số 02/2023/TT-NHNN

Đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Đồng thời, Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như doanh thu, thu nhập sụt giảm.

Mặc dù việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nhưng các tổ chức tín dụng vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.

Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Đinh Thị Thái bày tỏ, hiện tại khó khăn nhất đối với việc triển khai tín dụng là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Vietcombank cam kết đẩy nhanh nhất việc thực thi Thông tư 02.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc MB băn khoăn nhất hiện nay là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế có khó khăn nên tăng trưởng tín dụng quý I và tháng 4/2023 không cao. Do đó, kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để kích cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được hàng và người dân tích cực tiêu dùng.

“Về phía ngành ngân hàng đang đảm bảo thanh khoản tốt, không thiếu vốn, sẵn sàng cho vay với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với cuối năm 2022. Đối với các doanh nghiệp cũng cần xem xét, tăng cường năng lực, phương án kinh doanh hiệu quả để đáp ứng được các điều kiện tín dụng”, đại diện MB chia sẻ.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc BIDV, ông Lê Ngọc Lâm, cam kết BIDV sẽ nhanh chóng triển khai nội dung của thông tư trên toàn hệ thống để nhanh chóng giúp người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng.

Đánh giá tác động của quy định mới, Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, Thông tư 02 sẽ phần nào tháo gỡ những vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp, cứu lấy các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản hiện nay), từ đó Thông tư cũng tác động tích cực lên một số ngân hàng. Trước đó, triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản vẫn là một vấn đề đáng quan tâm đối với ngành ngân hàng. Với Thông tư 02/2023, áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng sẽ được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024.

“Thông tư sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản/vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như TCB, MBB, VPB, HDB”, bà Trần Thị Thu Thảo, chuyên gia phân tích của VNDirect nhận định. Nguyên nhân bởi các ngân hàng này đang đối diện với rủi ro trích lập dự phòng cao hơn so với các ngân hàng có mô hình kinh doanh "an toàn" (ít cho vay bất động sản, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) trong thời điểm này.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cho rằng, Thông tư 02 giúp các doanh nghiệp, bên vay (gồm cả vay tiêu dùng) giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới (do được giữ nguyên nhóm nợ), giúp doanh nghiệp, bên vay có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, qua đó góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và tiếp theo. Điều kiện áp dụng ở đây là doanh nghiệp, bên vay cần có đề nghị, có phương án trả nợ khả thi và làm ăn tuân thủ pháp luật.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/lanh-dao-cac-ngan-hang-noi-gi-ve-trien-khai-quy-dinh-co-cau-no-cho-doanh-nghiep-1092229.html