Làng thay áo mới

Xuống xe, Cường khoác ba lô lên vai ngơ ngác nhìn cái cổng làng trước mặt. Làng mình đây ư? Dụi mắt, anh nhìn lại thêm lần nữa. Đúng rồi! Đúng làng mình rồi! Ba chữ to tướng, rõ ràng gắn ở cái bảng trên cao trước cổng kia thôi.

Phía dưới là dòng chữ nhỏ hơn ghi rõ cả tên xã, huyện, tỉnh nữa thì còn nhầm vào đâu được? Nhưng mà sao lại khác thế nhỉ? Ngày trước, làng mình làm gì có cổng? Búi tre um tùm xòa ra che kín cả lối vào đâu rồi? Cả con đường nữa kìa? Rộng, thẳng mà lại còn đổ bê tông nữa chứ! Ơ kìa! Hoa hai bên đường đang đua nhau khoe sắc! Đẹp quá! Cứ như vào công viên vậy. Chẳng bù cho hồi mình đi, con đường này bé tí, ngoằn ngoèo, ổ voi, ổ gà nham nhở, nắng bụi mưa bùn, mỗi lần vào làng là phát kinh lên được. Thật không thể tin nổi.

Minh họa: TQ.

Hết ngỡ ngàng này lại đến ngỡ ngàng khác, Cường cứ đứng lơ ngơ trước cổng làng. “Ai như anh Cường nhà bác Thắm mày ạ?”. Bất chợt, giọng con gái cất lên sau lưng. Cường bừng tỉnh ngoái lại vừa lúc hai cô gái đèo nhau trên chiếc xe máy điện lướt qua. “Đúng anh Cường nhà bá Thắm rồi! Xinh trai quá!”. “Đi Tây về có khác”. “Của tao đấy, chớ có tranh nha!”. “Còn lâu. Hãy đợi đấy. Anh ấy là của tao”. “Cứ vậy nhé anh Cường ơi! Tối em sang chơi!”. Cả hai cùng líu ríu rinh rích cười với nhau. Đi được một đoạn rồi mà cô gái ngồi đằng sau vẫn còn ngoái lại giơ tay vẫy vẫy Cường.

Xốc lại chiếc ba lô, Cường hăm hở kéo chiếc vali có bánh xe vào làng. May có con đường mới này chứ cứ như xưa thì chỉ có nước mà vác nó. Tới ngã ba đầu làng, hai cái quán hiện ra phía tay phải. Một bán tạp hóa và một bán hàng nước. “Cu Cường nhà Thành Thắm phải không?”. Bà bán tạp hóa cất tiếng. Chị ta tròn mắt nhìn Cường rồi reo lên: “Đúng cu Cường rồi, bà Tịch ơi! Giờ mới về đến đây hả cháu?”. Chị chạy ra đon đả. Cùng lúc đó, bà bán nước đầu lơ thơ những sợi tóc bạc cũng lật đật bước ra. “Cha bố anh! Chẳng khác dạo đi tẹo nào. Cao ngồng lên, trắng trẻo ra y như con mẹ nhà mày vậy”. Vừa nói, bà vừa vỗ vỗ vào vai Cường. “Cháu… cháu chào bà và bá ạ”, Cường lí nhí. “Thế còn nhớ chúng tao không”, chị bán tạp hóa hỏi. “Có chứ - Cường đáp - Bá Duyên Khanh và bà Tịch Tân ạ”. “Nhớ cả chồng lẫn vợ chúng tao, thế là được rồi - Bà Tịch cười xởi lởi - Vào quán bà uống nước cái đã rồi điện cho con mẹ mày ra đón”. Vừa nói bà vừa kéo tay Cường.

Đón chén trà nóng từ tay bà Tịch, Cường xuýt xoa: “Làng mình giờ khác quá bà nhỉ? Cháu chẳng còn nhận ra nữa”. “Chứ lại không? Nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu mà lị - Bà Tịch hồ hởi - Giờ anh vào làng, vào cánh đồng mà xem? Không chừng bị lạc đấy”. “Thế cơ à?”, Cường ngạc nhiên. “Chứ lại không?”, bà Tịch nhắc lại. “Đồng làng mình giờ hiện đại lắm - Chị Duyên nói với sang - Bờ vùng bờ thửa thành đường bê tông cả rồi. Mương máng cũng xây hết. Không còn mảnh ruộng nào nhỏ nữa đâu. Toàn mẫu với hơn mẫu cả đấy. Mỗi nhà chỉ có một thửa. To đùng luôn”. “Chả thế lại không ư? Thế mới làm bằng máy được chứ. Cánh đồng mẫu lớn, sản xuất tập trung mà lị”, bà Tịch tiếp lời. “Ủ uôi - Cường tròn mắt xuýt xoa - Hiện đại thế cơ à?”. Bà Tịch hớn hở: “Chứ lại không”.

Chỉ có hai chủ quán và Cường mà câu chuyện cứ rôm rả cả lên. Bà Tịch, chị Duyên thay nhau nói. Cả hai phấn khởi khoe làng. Cường đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thi thoảng, anh lại buột miệng thốt lên “Thế cơ á?” khiến cho bà Tịch cũng lặp đi lặp lại “Chứ lại không?” đến mấy lần để khẳng định lại những điều bà và nhà Duyên Khanh vừa nói. “Dễ cu Cường đi cũng được dăm năm rồi chị Duyên nhỉ?”. Bà Tịch đột ngột cắt ngang, hỏi Duyên. Cường vội lên tiếng: “Sáu năm rồi bà ạ. Mà sao bà cứ gọi cháu là cu mãi nhỉ? Cháu 28 tuổi rồi đấy nha”. “Tao quen mồm rồi - Bà Tịch phân trần - Mà gọi thế cho nó trẻ. Lại tình cảm nữa. Cả con mẹ Duyên kia kìa. Lúc nãy nó chẳng đã gọi mày là cu đấy thây”. “Bà Tịch nói đúng đấy - Chị Duyên tiếp lời - Bá cũng cứ quen mồm như xưa, vẫn cứ nghĩ anh còn bé tí cơ. Ai ngờ đã đi Nhật dững sáu năm rồi”.

Cường cười cười nhìn hai người. Các bà ấy đúng là vẫn như xưa. Bà Tịch 70, bá Duyên 50 vẫn cứ vô tư, xởi lởi vui đáo để. “Thế anh mày về chơi hay là về hẳn đấy? Sao không điện cho con mẹ mày ra đón?”, bà Tịch hỏi Cường. Cái bà này lạ thật, vừa “anh” đấy lại “mày” ngay được. Bụng nghĩ vậy nhưng miệng Cường đã vội đáp: “Cháu cũng chưa biết thế nào bà ạ. Cháu muốn cho mẹ cháu và cả nhà bất ngờ mà”. “Cha bố anh. Lại còn thế nữa?”. “Chứ lại không?”, Cường bắt chước giọng bà Tịch đáp lại. Chị Duyên hỏi với sang: “Anh mày còn tính đi đâu nữa? Thôi, về kiếm lấy con vợ cho bố mẹ mày đã rồi hãy đi đâu thì đi”. “Được cả mẹ mày nữa. Sao lại kiếm vợ cho bố mẹ nó?”, bà Tịch cật vấn Duyên. “Chết, chết... Cháu nói nhịu. Ý cháu là lấy vợ cho anh cu Cường này này”. “Thế bà với bá phải giúp cháu đấy nha”. Cường tếu táo tán theo. Vừa nói, anh vừa nhớ tới hai cô gái đã trêu mình lúc nãy.

***

Tốt nghiệp đại học, bằng đỏ hẳn hoi, mặc dù bố mẹ đều đang công tác cả nhưng Cường xin mãi chẳng được việc làm. Cũng may, khi đơn vị quân đội của bố Cường có đợt cho các quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự đi Nhật ba năm theo phương thức vừa học vừa làm, bố Cường đã xin cho anh một suất theo diện này. Sang đó, nhờ có bằng đại học cộng với năng khiếu văn nghệ thể thao, Cường được ông chủ bố trí làm trợ lý cho ông ấy. Nhiệm vụ của Cường là giúp ông ấy quản lý, giám sát, đôn đốc số lao động người Việt thực hiện các kế hoạch của công ty. Hết ba năm, ông chủ giữ Cường lại tiếp tục làm việc thêm ba năm nữa. Vậy là Cường xa làng sau bốn năm đại học cộng thêm sáu năm ở Nhật nữa là mười năm. Thế nên, mặc dù vẫn thường xuyên “chít chát”, livetreams với bè bạn, với mẹ, song về làng Cường vẫn thấy sự thay đổi đến chóng mặt.

Nhiệm vụ của Cường về lần này là tìm hiểu thị trường trong nước giúp ông chủ xây dựng dự án đầu tư phát triển kinh doanh ra ngoài nước, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao. Hai nước đã là “đối tác chiến lược toàn diện rồi” nên cơ hội làm ăn của các doanh nhân Nhật Bản đã mở rộng. Anh nghĩ ngay đến làng mình. Làng ở vị trí thuận tiện giao thông. Hai con sông gặp nhau ở xã anh đưa nước về xuôi. Quốc lộ chạy qua làng giờ lại thêm đường cao tốc mới mở nữa, chạy xe chỉ hơn một giờ là về đến Hà Nội. Cánh đồng của làng lại bằng phẳng rộng nhất huyện. Làng đang từng bước thay đổi theo hướng hiện đại, “nông thôn mới nâng cao tiến dần lên kiểu mẫu”, được dự án nước ngoài vào nữa thì cất cánh là cái chắc. Mình chưa giúp gì được cho quê hương, dịp này phải thuyết phục ông chủ đầu tư về đây mới được.

Là cán bộ cao cấp trong quân đội, bố Cường thường xuyên xa nhà. Hai bố con anh chỉ trao đổi, hỏi thăm nhau qua điện thoại. Biết Cường có ý định này, bố anh ủng hộ ngay. “Con cứ tìm hiểu cho kỹ, lập dự án chi tiết cụ thể vào. Làm sao thuyết phục được ông chủ đầu tư cho làng mình là tốt nhất. Hai bên cùng thắng mà”. Mẹ Cường nghe anh trình bày ý tưởng cũng nhất trí liền. Quả thực, làng anh bây giờ khác xa với thời anh đi học phổ thông ở nhà. Đường làng ngõ xóm bê tông hóa hết. Điện sáng, cây xanh, hoa nở, sạch đẹp vô cùng. Cánh đồng mẫu lớn vuông vắn như ô bàn cờ. Bờ vùng, bờ thửa, mương máng dọc ngang bê tông cứng hóa tha hồ thuận lợi cho canh tác cấy trồng. Quan trọng hơn cả là nếp nghĩ, cách làm của mọi người đã thay đổi.

Cường dành mấy đêm trăng tha thẩn dạo bước một mình trên cánh đồng làng. Đi hết con đường chính giữa đồng rẽ vào các bờ trục, rồi lại đi trên bờ mương. Đồng xanh lúa rì rào. Ánh trăng luênh loang. Côn trùng rỉ rả. Nước mương róc rách. Chẳng khác gì trang trại rau hoa của ông chủ bên Nhật. Tất cả như dắt Cường vào cõi mơ. Nếu được đầu tư, cánh đồng này sẽ hơn đứt trang trại bên đó cho mà xem. Diện tích rộng, mặt bằng đẹp, cơ sở hạ tầng ổn thế này cơ mà. Phải ghi chép hết các thông số cùng với những bức ảnh, clip đã chụp đã quay để làm luận cứ cho dự án thuyết trình, bảo vệ trước ông chủ. Mình phải mời ông ấy về làng mới được. Tin chắc ông ấy sẽ đồng ý đầu tư. Người Nhật họ thực dụng và chắc chắn lắm.

“Nhiệm vụ lớn của con lần này về quê là lấy vợ nữa đấy nhé”, mẹ Cường nói với anh. Cường phá lên cười: “Con đã có vợ đâu mà mẹ bảo phải lấy nữa?”. Bà Thắm ngẩn ra một lúc rồi sực tỉnh: “Cha bố anh. Lại còn bắt bẻ cả mẹ nữa. Ý mẹ là ngoài việc cái dự án ấy thì con còn phải lo cưới vợ cho mẹ, nghe chưa? Sắp ba mươi rồi đấy. Ở làng, tuổi anh chúng nó đã có vài đứa con rồi nha”. “Cưới vợ cho mẹ? Thì mẹ đi mà lấy!”, Cường bắt bẻ. “Cái thằng. Chỉ được cái đánh trống lảng”. Cường hạ giọng: “Được rồi. Mẹ phải cho con có thời gian tìm hiểu đã chứ? Hay mẹ cho con lấy vợ Nhật?”. “Lấy chị Trang đây này, anh Cường ơi!”. Tiếng thằng Dũng, em trai Cường vang lên. Cả hai mẹ con Cường cùng quay về phía Dũng. Ngoài cổng, mấy cô gái đang líu ríu bước vào sân. Trong số này có Thu Trang, người ngồi sau chiếc xe máy điện đã trêu anh hôm anh vừa mới về đến cổng làng .

Cả mấy cô cùng cất tiếng chào mẹ con Cường. Từ hôm anh về đến nay, không mấy ngày các cô ấy không sang nhà anh chơi. Biết Cường đang khảo sát dự án cho làng, họ vui lắm. “Nếu dự án của anh được triển khai, chúng em sẽ bỏ công ty đũa Đài Loan về làng mình theo dự án của anh luôn”. “Em nguyện theo anh suốt đời đấy. Bá Thắm ủng hộ con nha!”... Chúng ríu rít chuyện trò, bạo miệng tếu táo. Cường cứ ngây ra trước họ chẳng chen được lời nào. Quả thực, đêm về, Cường cũng cảm thấy lâng lâng. Gái làng mình đáng yêu thật, nhất là Thu Trang.

Cường gửi email bản thảo dự án cho ông chủ. Đồng thời, anh trân trọng mời ông ấy sang thăm làng. Mail gửi đi hôm trước thì hôm sau ông ấy trả lời. Ông ấy rất bất ngờ về đề án của Cường. Đặc biệt, ông ấy nhận lời sang thăm và làm việc với lãnh đạo huyện, có gì sẽ quyết luôn trên thực địa. Cường dịch và đọc thư của ông ấy cho mẹ nghe. Cả hai mẹ con cùng reo lên: “Tuyệt vời! Hoan hô con trai của mẹ!”.

Cường ôm lấy mẹ mình và nhắm mắt mơ màng. Trong đầu anh quê hương xán lạn đang bừng lên trong tương lai. Và... ngoài kia, mùa xuân đã về tự lúc nào...

Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/lang-thay-ao-moi.bbg