Lãng phí niềm tin

Những tồn tại, hạn chế nhiều năm không được khắc phục cùng chiều dài vô tận của 'sợi dây rút kinh nghiệm' gây lãng phí niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, những người chắt chiu từng đồng thuế để trả lương cho bộ máy công quyền.

Đó là trăn trở của các đại biểu tại phiên họp mới đây khi Quốc hội thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, nhưng thực tế cho thấy lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, từ nguồn nhân lực đến ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản... Đặc biệt, "căn bệnh" đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thái độ thờ ơ, vô cảm, kéo dài thực hiện các thủ tục hành chính gây lãng phí nguồn lực, thời gian, cơ hội thụ hưởng, tiếp cận chính sách của người dân và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Năm 2022, bình quân một ngày có khoảng 400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Riêng quý I-2023, lần đầu tiên, số doanh nghiệp đóng cửa đã vượt số doanh nghiệp đăng ký mới. Trước thực tế này, đề cập đến tình trạng lãng phí trong cải cách hành chính tác động lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh, tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) trăn trở: "Phải chăng, hàng nghìn thủ tục mới phát sinh đã góp phần không nhỏ đẩy hàng trăm nghìn doanh nghiệp đến cảnh khốn cùng như thế? Cử tri đặt câu hỏi, cải cách hành chính chưa hiệu quả gây lãng phí thời gian, cơ hội, nguồn lực cho người dân, doanh nghiệp và đất nước là bao nhiêu?". Chung mạch suy nghĩ ấy, một số đại biểu nêu vấn đề: Ở đây chúng ta không chỉ gây lo lắng về lãng phí mang tính vật chất và tiền bạc, mà nguy hiểm hơn là lãng phí niềm tin!

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) được thực thi nhiều năm nhưng vẫn chưa thực sự ngăn chặn được tình trạng lãng phí trên nhiều lĩnh vực. Luật đã quy định trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng lãng phí, song thực tế việc xử lý, quy trách nhiệm người đứng đầu là vô cùng khó khăn và chưa phải vấn đề phổ biến.

Đành rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không phải là việc thực hiện trong ngày một ngày hai mà cần làm thường xuyên, song hành với sự vận động của thực tiễn cuộc sống, nhưng những hạn chế trong công tác này chậm được khắc phục, thậm chí một số tồn tại có chiều hướng gia tăng, gây hoang mang, nghi ngại trong nhân dân. Tâm lý sợ sai không dám làm dẫn đến thui chột sự sáng tạo, lãng phí trách nhiệm tồn tại ở cả tập thể và cá nhân là vấn đề nhức nhối thời gian qua, gây thất thoát niềm tin ở nhân dân-những lãng phí vô hình khó định lượng nhưng lại có sức tàn phá, nguy hại khôn lường đối với sự phát triển của đất nước.

Nhân dân ta luôn đặt niềm tin và đồng hành với hệ thống chính trị trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chớ để lãng phí niềm tin của người dân khi con số thực hành tiết kiệm thua xa lãng phí, để lãng phí chồng lãng phí, lãng phí kéo dài, lãng phí chậm khắc phục.

ĐÀO HỒNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-phi-niem-tin-730805