'Làng nghề' hối hả đón tết

Chỉ còn 1 tuần nữa là đến tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhưng trước đó, 'làng nghề' ở các địa phương trong tỉnh đã hối hả sản xuất, kịp thời cung cấp cho thị trường sản phẩm đặc hữu, mang đậm hương vị tết.

Hàng chục năm nay, khi tiết trời cuối đông rét ngọt là nhiều hộ dân ở thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương lại đỏ lửa sấy lạp xường. Năm nay cũng vậy, “làng nghề” lạp xường ở xứ Mường đã hối hả cho ra những mẻ sản phẩm phục vụ nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

 Lạp xường được chế biến từ thịt lợn tươi.

Lạp xường được chế biến từ thịt lợn tươi.

Nhắc đến lạp xường Mường Khương, không chỉ người dân ở nơi “miền cao núi nhọn” này mà nhiều người ngoài tỉnh đều biết đến hộ kinh doanh Phùng Kim Dung (nhiều người gọi lạp xường Dung Sử - PV). Cả thị trấn Mường Khương có duy nhất lạp xường của hộ kinh doanh Phùng Kim Dung được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

 Cần rất nhiều khâu, bí quyết riêng để cho ra những mẻ lạp xường chất lượng.

Cần rất nhiều khâu, bí quyết riêng để cho ra những mẻ lạp xường chất lượng.

Để gặp được bà chủ của lò sấy lạp xường nổi tiếng ở thị trấn Mường Khương quả thực không dễ bởi hiện đang vào thời kỳ cao điểm tiêu thụ sản phẩm. Mất nhiều thời gian chờ đợi bà Dung đóng các thùng lạp xường gửi đi trong Nam, ngoài Bắc, chúng tôi mới gặp và được bà mở lòng.

 Điều tiết lửa là khâu quan trọng để cho ra những mẻ lạp xường ngon nhất.

Điều tiết lửa là khâu quan trọng để cho ra những mẻ lạp xường ngon nhất.

Khác với suy nghĩ của chúng tôi, bà Dung rất cởi mở. Bà không ngần ngại mời chúng tôi lên tham quan khu chế biến và sấy lạp xường. Đó là tầng 3 của căn nhà, nửa phía trước để chế biến, nửa phía sau làm lò sấy. Trong khu sấy, vài người làm đang tất bật đảo giàn, từng xâu lạp xường đỏ au được treo trên giàn gỗ đen bóng theo tháng năm.

Lò sấy lạp xường của bà Phùng Kim Dung luôn đỏ lửa dịp cận tết.

Đôi tay thoăn thoắt đảo giàn, đôi mắt quan sát tỉ mỉ từng xâu lạp xường nhưng bà Dung không quên chia sẻ: Tôi là người miền xuôi lên Mường Khương dạy học, lập gia đình, được mẹ chồng là dân tộc Bố Y truyền dạy cách làm thịt treo, lạp xường, từ đó đam mê lúc nào không hay. Khi đã nắm vững bí quyết làm lạp xường, tôi mạnh dạn “cải tiến” cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nhưng không làm mất hương vị truyền thống.

 Bà Phùng Kim Dung có 26 năm kinh nghiệm làm lạp xường.

Bà Phùng Kim Dung có 26 năm kinh nghiệm làm lạp xường.

26 năm làm lạp xường, thịt hun khói là từng ấy năm, khu sấy luôn đỏ lửa. Mỗi mẻ lạp xường, thịt hun khói xuống giàn là bấy nhiêu công sức, thậm chí là cả sự lo âu, bởi rủi ro có thể xảy ra. Bà Dung bộc bạch: Nhiều người nghĩ làm lạp xường đơn giản lắm, thực tế thì không như vậy. Để có được sản phẩm ngon phải tốn rất nhiều công sức, từ chọn nguyên liệu, phải là lợn đen, thịt chắc, dính tay đến tìm củi để sấy, rồi thức đêm ‘trông lửa”, lơ là là có thể mất trắng.

 Việc đảo giàn phải được thực hiện thường xuyên để lạp xường khô đều.

Việc đảo giàn phải được thực hiện thường xuyên để lạp xường khô đều.

Theo bà Dung, làm lạp xường phải có bí quyết riêng, nhưng quan trọng hơn cả là phải biết điều tiết lửa, đây là khâu quan trọng, quyết định thành công trong khâu chế biến sản phẩm này. Củi để sấy không phải là củi tạp, mà là củi xương chó (củi nặng, chắc, cháy đượm, đỏ than và lâu tàn, thậm chí củi tươi vẫn cháy được), kết hợp với củi nhãn và mía xương gà. Lúc mới treo, bà Dung có mặt thường xuyên tại khu sấy. Sau khi đảo giàn, cứ 1 - 2 tiếng đồng hồ lại phải lên xem để điều tiết lửa, thành ra có thời điểm phải thức trắng đêm.

Chị Nông Thị Phượng và chị Nông Thị Vân đã làm thuê cho bà Dung 16 năm nhưng vẫn không thể điều tiết lửa. “Tôi đã phải thử nghiệm rất nhiều, lúc cho lửa cháy to, lúc để lửa cháy nhỏ, chấp nhận có thể hỏng cả mẻ lạp xường để rút ra được kinh nghiệm điều tiết lửa, thậm chí còn phải xem thời tiết, đo độ ẩm không khí”, bà Dung cho hay.

 Những xâu lạp xường đỏ óng sẵn sàng phục vụ thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Những xâu lạp xường đỏ óng sẵn sàng phục vụ thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Đưa cho chúng tôi xem khúc lạp xường đỏ au, khô chắc, hoàn toàn không có muội than, bà Dung nói đầy tự hào: Biết điều tiết lửa sấy thì lạp xường mới khô đều, không bị co và bị óp.

Chính vì vậy, sản phẩm của hộ bà Dung chế biến được thị trường trong, Nam ngoài Bắc ưa chuộng. Từ đầu tháng 12 năm trước đến nay, lạp xường, thịt hun khói của hộ bà Dung đã theo các chuyến xe về Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, thậm chí còn vào tận Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre. Chỉ tính riêng dịp tết, hộ bà Dung cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn lạp xường, thịt treo, cao điểm có ngày bán hơn 200 kg lạp xường.

 Các hộ sản xuất lạp xường ở thị trấn Mường Khương tất bật sản xuất để phục vụ thị trường.

Các hộ sản xuất lạp xường ở thị trấn Mường Khương tất bật sản xuất để phục vụ thị trường.

Ngoài hộ kinh doanh Phùng Kim Dung, tại thị trấn Mường Khương còn có 16 hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm này. Hiện nay, khu sấy của các hộ, cơ sở luôn đỏ lửa để có được những mẻ sản phẩm chất lượng phục vụ kịp thời nhu cầu thị trường dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Bài cuối: Hối hả sản xuất "trả đơn" miến dong

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/lang-nghe-hoi-ha-don-tet-post379288.html