Làng nghề đúc đồng hơn trăm tuổi ở Khánh Hòa 'đỏ lửa' đón Tết

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nghề đúc đồng được vua Tự Đức (nhà Nguyễn) sắc phong lại hối hả, 'đỏ lửa' cho ra những sản phẩm tinh xảo phục vụ thị trường tết.

Làng nghề đúc đồng Phú Lộc (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) hình thành hơn 100 năm. Trải qua thăng trầm, đến nay làng nghề còn khoảng 10 lò nấu đồng cùng với hơn 40 hộ theo nghiệp đúc. Đây là làng nghề nổi tiếng nhận được sắc phong của vua Tự Đức, chuyên đúc những đồ đồng tinh xảo như lư hương, chân đèn, các đồ thờ tự.

Những tháng cuối năm, các lò đúc đồng thường đỏ lửa để làm sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán. "Bình thường làm lai rai, còn vụ Tết mới là chính. Đợt này, làng nghề thường đỏ lửa xuyên đêm để kịp cung cấp cho khách hàng", ông Nguyễn Thanh Nhàn, một người thợ lành nghề chia sẻ.

Theo ông Nhàn, một lò nấu đồng nguyên liệu mỗi đêm cần hơn 100 lít dầu để hoạt động, thường dùng loại dầu nhớt thải để tiết kiệm chi phí. Dầu được đổ vào thùng lớn, dẫn qua các đường ống chảy vào trước ống thổi, được thổi trực tiếp vào lò nung.

Đồng phôi được đổ vào lò nung ở nhiệt độ hơn 1.000 độ C xuyên suốt 10 - 12 tiếng. Người thợ liên tục đổ thêm đồng vào lò và vớt bỏ tạp chất để có được mẻ đồng nguyên chất. “Công việc đúc đồng yêu cầu sự tỉ mỉ và cẩn trọng, vì phải tiếp xúc với nhiệt độ cao, hiện cũng hiếm người trẻ theo nghề do cực nhọc", anh Trần Minh Lâm, thợ đúc đồng cho biết.

Phần đồng phôi là phế liệu thu mua từ các vựa ve chai, giá phế liệu đồng giao động từ 100-150 nghìn/kg. "Các loại phế liệu đồng được thải ra từ những cơ sở sửa chữa động cơ điện. Thường sau khi đúc thành sản phẩm, khối lượng hao hụt đi 20%", ông Duy (trong ảnh) nói.

Theo các thợ đúc đồng, phần khuôn đúc là công đoạn quan trọng nhất, ảnh hưởng đến chất lượng và độ tinh xảo của sản phẩm. Khuôn đúc đồng được làm bằng đất sét dẻo, được tạo các họa tiết sẵn trên khuôn, đòi hỏi sự khéo léo để tạo ra bề mặt khuôn phải mịn, không tì vết. Khuôn sau đó được đưa vào lò nung, cần kiểm soát được ngọn lửa đều để khuôn không bị "sống" hoặc quá lửa.

Sau khi có khuôn, người thợ sẽ rót đồng vào không ngừng tay để sản phẩm không có tì vết hoặc những đường chắp nối.

Mỗi mẻ đồng có thể đúc được khoảng 80-100 sản phẩm chân đèn.

Sản phẩm thô sau khi được đúc xong.

Sẽ được chuyển đi gia công cắt gọt, tiện, làm gai...

Ông Trần Thắng, 69 tuổi, có hơn 45 năm kinh nghiệm gia công đồng, cho hay để gia công hoàn thiện một bộ sản phẩm đồng tốn khoảng 1 ngày công.

Bình thường, ông làm mỗi ngày 6 tiếng vì lí do sức khỏe, nhưng giáp Tết nhiều ngày phải làm đến đêm mới kịp đơn hàng.

Một bộ sản phẩm đồ thờ cúng đầy đủ bao gồm hai chân đèn, lư đồng cắm nhang, hai ly đài nước và quả bồng. "Tùy theo chất lượng và độ tinh xảo, mỗi bộ sản phẩm dao động từ 4 - 5 triệu đồng. Khách hàng có thể đặt thêm bình hoa, chân hạc, các mặt hàng trang trí khác cũng được đáp ứng", ông Thắng thông tin.

Sản phẩm của làng nghề đúc đồng Phú Lộc không những tiêu thụ trong tỉnh mà còn cung cấp các tỉnh thành khác trên cả nước, trong đó tập trung ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. HCM... ngoài ra còn được xuất khẩu ra nước ngoài.

Hiện trên thị trường có nhiều mẫu mã đẹp và giá rẻ hơn, khiến làng nghề cũng phải cạnh tranh để tiêu thụ sản phẩm, làng nghề dần được mở rộng thành hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm đúc bằng đồng.

Ông Nguyễn Văn Nhường - Giám đốc HTX Đúc đồng Phú Lộc, cho biết làng nghề phải nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Qua thời gian, khách hàng đã ưa chuộng các sản phẩm của làng nghề, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Đức Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lang-nghe-duc-dong-hon-tram-tuoi-o-khanh-hoa-do-lua-don-tet-299904.html