Lặng nghe dâu bể

Minh họa: HƯNG DŨNG

Có một dạo tôi ít khi về nhà. Bao được thua cơm áo cứ cuốn tôi đi để đến khi tết cận kề, trong giấc mơ chập chờn, vẳng nghe tiếng con găng võng kẽo kẹt miết vào đêm và mái hiên mưa giăng phây phất, lại thấy đời mình thêm hao khuyết…

Nơi mái hiên này, có bao nhiêu buồn vui thơ dại.

Cơm chiều lúc nào má cũng bày hết lên cái sàn tre bưng ra bên hiên. Thềm nhà đắp đất nổi, qua bao nhiêu năm tháng mòn dấu chân nên mặt nhẵn trơn. Và dẫu khi ấy tay chân chúng tôi thường lấm lem bụi đất, áo quần sờn cũ, cha vẫn đóng những chiếc đòn tre để ngồi ăn cơm trông rất đĩnh đạc. Com mèo mướp mấy bận đi qua đi lại cào cào bàn chân vào lưng tôi, như nhắc để phần bữa cơm đạm bạc.

Từ chái hiên, qua một khoảng sân đất là đến chiếc cổng tre và hàng rào cây chìa vôi. Cạnh nhà có bà lão ngoài tám mươi tóc trắng như vôi. Dù chân tay vẫn còn khá khỏe nhưng trí óc cứ nhớ nhớ quên quên lẫn lộn. Bữa cơm trong bóng chiều chạng vạng nhà tôi vừa dọn bên hiên, bà lão lúc nào cũng sang xin thuốc lá sợi và rễ khô của cha để ăn trầu, môi viền chỉ móm mém. Bà bảo cắc cớ gì mà năm nay đêm nào cũng dài quá, đến bây giờ mới chịu sáng!

Tôi hỏi cha tại sao không cho bà thật nhiều thuốc và rễ, đủ để ăn đến hết năm mà không cần ngày nào cũng sang một bận. Cha trầm ngâm nhìn vệt khói loang trên mái tranh, nói rằng cứ để bà đi như thế vì khi nào bà còn trông chiều thành sáng, thì bà vẫn còn khỏe! Tôi bỏ hết trầu cau rễ thuốc vào chiếc ống ngoáy trầu bằng đồng bóng loáng, nghiền nhỏ rồi bảo bà về, trời sắp sáng thật rồi…

Có những bữa cơm chiều gió bấc về đưa đám lá vườn bay tứ tán. Lắng trong tiếng gió, chúng tôi nắm bắt các mùi hương, đoán chừng cây ổi sim nào trong vườn vừa chín để hái trước khi lũ dơi ăn đêm tìm về tha đi mất. Chúng tôi vừa ăn vừa nghe cha kể chuyện và khi ấy, cả niềm vui lẫn nỗi lo toan chỉ gói gọn vào chuyện nắng chuyện mưa, chuyện vụ mùa năm nay có khá hơn hay thất bát…

Để tiện hơn, cha kê một cái thạp sành lớn đựng nước ngay bên thềm. Mỗi khi đi học về, bụng đói sôi, chưa kịp cất cặp tôi đã lấy cái gáo dừa múc nước uống, nước trong thạp mát trong và có vị rêu xanh. Nơi chái hiên cha cột chiếc võng đan bằng vỏ cây trân rừng, hai đầu luồn con găng gỗ để giữ chặt với cột. Những ngày tháng tư oi nồng, sau buổi cày đồng, cha giữ nguyên bộ đồ nâu đầy bụi đất tranh thủ nghỉ trưa, tiếng võng hòa trong tiếng lá khô xào xạc. Vầng trán cha đầy nếp nhăn còn vách nhà cũng đầy kẽ nứt…

Có những vụ đồng tháng sáu, má phơi một sân đất lúa, phân công mấy chị em đuổi gà và cày đảo nắng. Hiên nhà hiu hiu gió cùng nhịp võng đưa đều đặn vỗ về giấc ngủ, lũ gà được thể tự do bới lúa cùng đất sỏi. Chiều về, má xót từng hạt, vội vã gom hết lại, giần sàng từng chút một. Cũng có khi đang chang chang nắng, trời làm giông mưa tới nhanh như chớp mắt. Sấm chớp lẫn mưa xiên qua mái hiên xối xả, lúa phơi theo nước mưa chảy thành dòng. Cả mấy anh em dầm mưa hốt lúa, vớt vát vụ mùa.

Mưa tạnh, má lại cần mẫn gom lại từng chút một. Và dẫu có nhặt nhạnh kỹ đến mức nào, chỉ sau vài tuần trăng, dọc bìa sân đất vẫn lên xanh lớp mạ non của lúa phơi trộn trong đất ẩm. Mỗi một hạt lúa rơi vãi nơi nào, đều lặn vào tận cùng đau đáu nỗi lo giáp hạt của má…

Cũng bên mái hiên này, vụ mười trở trăn tạm xong là bắt đầu mưa bẫy đất. Má giao mấy anh em canh chừng, hễ nghe tiếng rao của những người gánh hàng khô từ vùng biển ngược lên đổi lúa thì gọi vào cho má. Rồi thành quen, người dì buôn gánh năm nào cũng ghé. Những khi ấy, mấy anh em chúng tôi xúm hết ra hiên, nhìn dì dỡ từ đôi quang thúng trét dầu rái kín bưng ra bao nhiêu là món.

Nào mắm, muối, cá khô, tép khô và nhiều loại cá muối mặn mà chỉ cần nghe mùi thơm, đã mường tượng ra tiếng sôi cơm réo rắt của bữa chiều mặn mòi mùi biển. Dì dùng một cái vỏ sò to, xén từng góc mắm rồi gạt lên một vuông lá chuối gói lại gọn gàng.

Riêng nước mắm nhỉ dì đựng trong những cái chai nút chặt bằng lá chuối khô. Má nâng niu từng món đổi được, cất kỹ vào những chiếc rá treo trên gác bếp, làm thức ăn dự trữ cho suốt mùa mưa lũ kéo dài. Rồi má cũng nâng niu đong cho dì lúa khô đã sảy sàng từng hạt. Có những đợt cạn năm gánh chuyến hàng cuối, đợi hết tháng Giêng mới sắm chuyến mới nên dì ghé lại, cho chúng tôi vài con cá trộn thính thơm nức mũi.

Đó cũng là món cá có mùi vị đặc trưng và đưa cơm nhất thời thơ ấu. Má vội gói cho dì khi thì nải chuối ửng vàng, khi thì củ khoai mài vừa dỡ và cả xấp lá chuối để gói mắm. Cả dì và má, những người đàn bà nông thôn, dẫu ở vùng miền nào, dẫu lam lũ gánh gồng vẫn mang trong lòng sự thảo thơm chân chất.

Bên mái hiên này, tôi thích nhất là những ngày cuối Chạp. Khi ấy, cha thu vén mọi công việc đồng áng, cả nhà sẽ dọn các vật dụng ra hiên, lau chùi để đón cái tết trọn vẹn hơn. Và dù quanh đi quẩn lại, vẫn những vật dụng thường ngày, nhưng trong cái sắt se của ngày giáp tết, tôi lại thấy lòng rộn ràng một niềm thương khó tả. Cha khơi hết lớp tro để lại để vùi than năm cũ, dọn hết bao nhiêu chiếc chảo cày, đũa cả, đũa con vót sẵn và mớ rễ cây để ăn trầu.

Cha xé nhỏ rễ cây, áng chừng đủ cho bà lão ăn giáp vận. Cha lau muội than từng thứ một và tôi luôn tự hỏi rằng, cha làm thế để làm gì khi chỉ qua xuân, chúng lại tiếp tục ám đầy muội khói? Má ngồi bên hiên dùng một cái giần lỗ nhỏ li ti lọc lớp tro mịn nhất đem rắc đều lên những luống rau ăn tết. Đám hành hương và tỏi ưa tro bếp sẽ lên xanh mơn mởn. Lớp than vụn lớn hơn thì đổ hết vào những gốc chuối cau quanh vườn, như một món quà năm cũ.

Rồi những đêm cuối cùng tháng Chạp, cha thường gom những thân củi có lõi gỗ chưa mục chất thành đống đốt sưởi bên chuồng gia súc. Tôi ngồi bên hiên nhà trông ra màn đêm cứ thi thoảng sáng lên bởi những chùm lửa li ti nở bung tàn đỏ. Khói cùng hơi ấm tỏa ra vừa sưởi đàn bò, vừa xua lũ muỗi trong màn đêm dày đặc.

Trong lúc giữ lửa, cha thường vùi vào đó những quả chuối sứ xanh hay những củ khoai lang dâu ruột trắng. Khi chúng đã bắt lửa than chín thơm quyện trong mùi khói, tôi thường giữ thật lâu, cảm nhận hơi ấm xuyên qua đôi bàn tay lấm lem than bụi.

Sau những giấc mơ chập chờn mái hiên loang đầy vết khói, tôi trở về nhà nhiều hơn mà không cần phải đợi đến ngày cạn Chạp. Tôi trở về chỉ để nhìn lũ gà nhẩn nha bới đất nơi góc vườn lá bay tứ tán, nhìn đám cải đã lên ngồng hoa vàng góc sân và uống gáo nước dừa có mùi rêu xanh mát lạnh.

Tôi trở về chỉ để ngồi bên hiên nhà, nghĩ về những người năm cũ. Hiên nhà bạc thếch gió sương mà bao mùa lúa phơi chảy theo mưa giông và những người dì buôn gánh giờ xa hút. Cả bà lão hàng xóm môi viền chỉ ăn trầu móm mém, ở nơi nào đó biết có còn lẫn lộn giữa chạng vạng khói chiều và những sớm mai mờ hơi đất?

Tôi trở về chỉ để ngồi bên hiên nhà cũ, nghe những phôi pha rơi rụng xuống tuổi mình…

NGUYÊN HẬU

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/292557/lang-nghe-dau-be.html